Ngày 20 tháng 11, tờ Người Lao Ðộng đưa tin Trung Tâm Ứng Phó Không Lưu (ACC) tại Hà Nội đã phải giành quyền điều hành bay thay cho Trung Tâm Kiểm Soát Không Lưu Sài Gòn vì nguyên nhân mất điện trong thời gian 1 giờ 35 phút. Ðây là biến cố lần đầu tiên xảy ra đối với hàng không dân dụng Việt Nam.
Ðài không lưu tại phi trường Tân Sơn Nhất mất điện. (Hình: Tuổi Trẻ)
Theo quy định của ngành hàng không, hoạt động không lưu phải được dự phòng nhiều cấp nhằm bảo đảm tốt nhất các tình huống trục trặc, kể cả tình huống chưa có trong các bài huấn luyện, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các chuyến bay.
Vì thế, tại mỗi ACC đều được trang bị cấu hình dự bị cho ACC khác để phòng khi một ACC bị sập, cấu hình dự bị của ACC khác sẽ được khởi động để chỉ huy thay thế cho đến khi biến cố được khắc phục xong.
Khi xảy ra biến cố, công ty Quản Lý Bay Miền Nam đã thông báo cho các trung tâm kiểm soát đường dài của các quốc gia lân cận gồm Singapore, Manila, Sanya, Kualalumpur, Vientiane, Phnompenh tiến hành ngay kế hoạch ứng phó không lưu.
Ðồng thời, yêu cầu các cơ sở điều hành bay của Việt Nam tạm thời dừng cất cánh đối với các máy bay chuẩn bị khởi hành. Các chuyến bay đang đến phi trường Tân Sơn Nhất được hướng dẫn quay lại sân bay khởi hành, bay chờ tại các khu vực chờ hoặc đáp xuống sân bay dự bị.
Biến cố xảy ra đã ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 50 chuyến bay đang hoạt động trong vùng thông báo bay của Sài Gòn. Ngoài ra, hãng hàng không VietJet cho biết, có hơn 60 chuyến bay bị ảnh hưởng gián tiếp hay trực tiếp. Trong đó, chuyến bay Hà Nội đi Sài Gòn phải đáp xuống phi trường dự bị Buôn Ma Thuột; chuyến bay Sài Gòn đi Vinh phải quay lại nơi xuất phát. Vietnam Airlines cũng có hàng chục chuyến bay bị ảnh hưởng tương tự.
Cùng ngày, Cục Trưởng Cục Hàng Không Việt Nam Lại Xuân Thanh xác nhận đã lập đoàn công tác xác minh về sự cố để xảy ra nguy cơ xung đột giữa máy bay chở khách của Vietnam Airlines và máy bay trực thăng huấn luyện Mi172 của quân sự.
Sự việc trên xảy ra ngày 29 tháng 10 vừa qua. Theo đó, chuyến bay HVN1376 của Vietnam Airlines từ Sài Gòn đi Huế vừa cất cánh, được kiểm soát viên không lưu yêu cầu giữ nguyên hướng và bay ở độ cao 500 feet AGL.
Khi đang lên độ cao được chỉ định, phi công Vietnam Airlines thấy 1 máy bay trực thăng cắt ngang phía trước với khoảng cách được ước lượng khoảng dưới 200 feet, tình huống này khiến phi công Vietnam Airlines phải giảm tỉ tốc bay lên và góc bay.
Tín hiệu radar sơ cấp không hiển thị độ cao nên không xác định được chính xác độ cao của 2 máy bay ở tình huống có nguy cơ va chạm.
Theo đánh giá về chuyên môn, do chỉ huy quân sự thiếu quan sát hoạt động bay của hàng không dân dụng trên màn hình radar và bằng mắt, không hiệp đồng với kiểm soát viên không lưu đài chỉ huy Tân Sơn Nhất. Ðược biết, cùng lúc có 2 chiếc Mi8 khác đang về đáp tại phi trường Tân Sơn Nhất. (Tr.N)
11-20-2014 3:08:05 PM
No comments:
Post a Comment