HỒNG THỦY 25/10/14 08:11
(GDVN) - Chính kẻ "từng vừa là đồng chí, vừa là anh em" đã không ngừng nhòm ngó lãnh thổ Việt Nam bao đời, cất quân xâm lược quần đảo Hoàng Sa...Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh và người đồng cấp Trung Quốc Thường Vạn Toàn trong chuyến công du Bắc Kinh vừa qua. |
Ngày 25/10, tờ Thanh Niên Trung Quốc và Đài Tiếng nói Trung Quốc đăng bài phân tích của Viện Khoa học Quân sự nước này bình luận về quan hệ Mỹ - Việt - Trung xung quanh vấn đề Biển Đông và đưa ra những nhận xét hết sức chủ quan, lệch lạc. Trong đó không ngoài mục đích ngụy biện cho đường lưỡi bò và tham vọng bành trướng lãnh thổ của Bắc Kinh xuống Biển Đông.
"Việt Nam đã thuộc vòng ngoài cùng trong hệ thống đồng minh của Mỹ"
Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc bình luận, Việt Nam và Trung Quốc có mối liên hệ mật thiết về kinh tế và chính trị, hai nước hữu nghị là "xu thế lớn, phù hợp với lợi ích hai nước". Do đặc điểm riêng của mình, kinh tế trở thành trọng điểm trong các hoạt động đối ngoại của Việt Nam, tăng cường quan hệ với các nền kinh tế lớn trên thế giới lài trục chính của ngoại giao Việt Nam trong những năm qua.
Cơ quan này cho rằng, từ sau năm 1990 Việt Nam học tập kinh nghiệm cải cách mở cửa của Trung Quốc để tiến hành đổi mới, phù hồi nền kinh tế. Sau nhiều năm phát triển, Việt Nam và Trung Quốc đã hình thành quan hệ kinh tế "phụ thuộc lẫn nhau" một cách mật thiết. Trung Quốc trở thành quốc gia nhập khẩu nguyên liệu thô lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam.
Vì vấn đề chủ quyền Biển Đông, Việt Nam lâu nay đã "đối đầu với Trung Quốc" (?!), điều này tất yếu ảnh hưởng đến phát triển kinh tế. Để tránh việc tranh chấp lãnh thổ bị các lợi ích kinh tế ràng buộc, "chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam đã đưa ra khẩu hiệu thoát Trung"?! Mục đích nhằm giảm sự lệ thuộc vào Trung Quốc về mặt kinh tế. Nhưng quan hệ kinh tế đặc biệt VIệt - Trung không phải cái sức người có thể xoay chuyển, mà là kết quả tất yếu của sự phát triển nền kinh tế thị trường 2 nước trong nhiều năm qua.
Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc tuyên bố, ngoài quan hệ kinh tế "phụ thuộc lẫn nhau", Việt Nam và Trung Quốc còn có mối quan hệ "chính trị đặc biệt". Việt Nam và Trung Quốc "từng vừa là đồng chí vừa là anh em", ngoài kênh ngoại giao bình thường giữa 2 quốc gia, còn kênh đối ngoại liên lạc giữa 2 đảng, 2 quân đội và nhiều cơ quan ban ngành 2 nước.
Trong chuyến thăm Trung Quốc vừa qua của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh cùng các tướng lĩnh Việt Nam hai bên đã đồng ý phát triển quan hệ quân sự song phương, thỏa thuận xử lý các vấn đề trên biển, mở đường dây nóng liên lạc giữa 2 bộ Quốc phòng là dấu hiệu (Việt Nam) muốn giảm nhiệt mối quan hệ đang căng thẳng với Trung Quốc?!
Đồng thời quan hệ quân sự Việt - Mỹ cũng không ngừng được cải thiện, tuy nhiên việc hình thành quan hệ đối tác toàn diện giữa 2 nước vẫn phải đối mặt với thách thức, trong đó sự khác biệt về chính trị vẫn là chướng ngại lớn nhất. Trong khi Việt Nam và Mỹ đẩy mạnh giao lưu hợp tác, câu chuyện về chế độ chính trị cũng như ý thức hệ khác biệt vẫn luôn tồn tại.
Ngoài ra 2 nước vẫn còn những khác biệt trong nhận thức về Chiến tranh Việt Nam và vấn đề quyền con người, nên khó có khả năng hình thành quan hệ đối tác chiến lược bình đẳng thực sự, Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc bình luận.
Bởi vậy cơ quan nghiên cứu này của Trung Quốc cho rằng "đồng minh Việt - Mỹ" không đáng tin cậy. Hệ thống đồng minh của Mỹ rộng khắp trên thế giới, căn cứ vào mức độ lợi ích quốc gia khác nhau của mình, Mỹ cũng quy hoạch và phân chia các tầng nấc đồng minh và cung cấp mức độ đảm bảo an ninh khác nhau. Do quan hệ chính trị đặc biệt, Việt Nam rõ ràng nằm ở tầng ngoài cùng trong hệ thống đồng minh của Mỹ, khi xảy ra chuyện gì chẳng có cách nào để nhận được sự hỗ trợ cần thiết của Mỹ. Khủng hoảng Ukraine là bài học, Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc nhấn mạnh.
Việc xây dựng quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ được tổ chức này bình luận rằng nó không đồng nghĩa với việc Việt Nam "nhào vào vòng tay của Mỹ". Việt Nam tiến lại gần Mỹ chẳng qua là để theo đuổi thực hiện lợi ích của mình, "cân bằng ngoại giao giữa 2 nước lớn Mỹ và Trung Quốc".
Mỹ bán vũ khí cho Việt Nam không ngăn được Trung Quốc (bành trướng Biển Đông)
Việc Mỹ nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam là nhằm duy trì địa vị lãnh đạo toàn cầu của Washington, kiềm chế Bắc Kinh thể hiện vai trò toàn cầu của mình là "chiến lược nhất quán và thủ đoạn kiềm chế" của Mỹ. Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc cho rằng Trung Nam Hải "chẳng có gì lạ", và việc Mỹ bán vũ khí cho Việt Nam chẳng thể ngăn được "bước phát triển" của Trung Quốc.
Bắc Kinh có sự "tự tin chiến lược cao độ" rằng trong rất nhiều sự vụ quốc tế và khu vực hiện nay, Washington cần tiếng nói và sự ủng hộ của họ. "Trung Quốc có thể dùng điều này thúc giục Mỹ có thái độ khách quan công bằng, thận trọng trong phát ngôn và hành động, chớ phát ra những tin hiệu sai lầm" và đưa những nội dung này vào quan hệ Trung - Mỹ.
Bất chấp thực tế bành trướng, khiêu khích trên Biển Đông thời gian vừa qua, Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc ngụy biện rằng lâu nay Bắc Kinh vẫn giữ thái độ "nhẫn nhịn kinh người" ở Biển Đông, "hy sinh quá lớn" ở Biển Đông để có được môi trường hòa bình, thành tựu phát triển. Bước tiếp theo, Trung Quốc tiếp tục không để vấn đề Biển Đông ảnh hưởng đến hòa bình phát triển, đại cục phục hưng dân tộc. Đó là lợi ích lớn nhất của Bắc Kinh?!
Động thái phát triển quan hệ hợp tác quốc phòng an ninh Việt - Mỹ và Mỹ nới lỏng lệnh cấm vũ khí cho Việt Nam đang là tâm điểm theo dõi của truyền thông Trung Quốc. |
Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc cho rằng, về "tranh chấp" Việt - Trung, mà thực tế là Trung Quốc xâm lược biển đảo, nhảy vào tranh chấp với Việt Nam cần phải kiên trì "kiểm soát và quản lý" xuất phát từ "đại cục quan hệ 2 đảng, 2 nước", nhưng đồng thời Bắc Kinh sẽ "kiên định không lay chuyển trong việc bảo vệ (cái gọi là) chủ quyền lãnh thổ, quyền lợi hàng hải (tự nhận) của mình ở Biển Đông"?!
Ngông cuồng hơn, cơ quan này tham mưu, bất luận bên ngoài phản đối như thế nào, Trung Quốc vẫn đặt trọng tâm vào việc khai thác (vơ vét) tài nguyên ở Biển Đông, tập trung vào khai thác kinh tế. Trong tương lai Trung Quốc sẽ đưa các giàn khoan dầu ra hoạt động (bất hợp pháp) thường xuyên ở Biển Đông. Sẽ không có chuyện Bắc Kinh nhượng bộ trong (cái gọi là) lợi ích quốc gia, và cũng không để bất kỳ ai "khiêu khích"?!
Vu cáo Việt Nam "cướp đảo" Trung Quốc, nói Mỹ bán vũ khí cho Việt Nam không chỉ để kiếm tiền.
Vẫn với luận điệu trơ tráo quen thuộc, Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc lại lặp lại điệp khúc xuyên tạc "Biển Đông thuộc về Trung Quốc từ cổ đại, không có tranh chấp nào giữa Trung Quốc và Việt Nam mà vì Việt Nam tham dầu đã liên tục đánh chiếm các đảo". Một luận điệu xấc xược, vớ vẩn hết chỗ nói.
Chính kẻ "từng vừa là đồng chí, vừa là anh em" đã không ngừng nhòm ngó lãnh thổ Việt Nam bao đời, cất quân xâm lược quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1956, 1974, dùng vũ lực đánh chiếm 6 bãi đá của Việt Nam ở Trường Sa năm 1988, đá Vành Khăn năm 1995. Chưa dừng lại, Bắc Kinh còn đang biến 6 bãi đá này thành đảo nhân tạo, đặt căn cứ quân sự để thôn tính trọn vẹn Biển Đông.
Vừa nói rằng việc Mỹ bán vũ khí cho Việt Nam "không chỉ vì mục đích kiếm tiền", nhưng vì cái gì nữa thì bài phân tích của Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc không nói. Cơ quan này chỉ cho rằng quan hệ hợp tác quân sự Việt - Mỹ đang ở trong thời kỳ "tuần trăng mật". Có lẽ ngoài "kiếm tiền", mục đích khác mà cơ quan này định nói vẫn là luận điệu quen thuộc và cũ mèm: Kiềm chế (sự bành trướng) của Trung Quốc?
No comments:
Post a Comment