Saturday, October 25, 2014

Việt Nam không áp dụng toàn bộ Công Ứớc Chống Tra Tấn

HÀ NỘI (NV) - Việt Nam sẽ không trực tiếp áp dụng toàn bộ Công Ước Chống Tra Tấn của Liên Hiệp Quốc (UNCAT). Ðó là điều mà ông Trương Tấn Sang, chủ tịch nhà nước CSVN nhấn mạnh với Quốc Hội.

Tại kỳ họp lần thứ 8 này, Quốc Hội khóa 12 của Việt Nam dự trù phê chuẩn UNCAT. Ông Trần Văn Hằng, chủ nhiệm Ủy Ban Ðối Ngoại Quốc Hội, nói rằng, việc phê chuẩn UNCAT là “cơ sở pháp lý quan trọng” để “đấu tranh chống các luận điệu vu cáo, xuyên tạc về việc tra tấn, ngược đãi phạm nhân” của “các thế lực thù địch chống phá Nhà Nước Việt Nam.”


Ông Nguyễn Mậu Thuận bị công an xã Kim Nỗ huyện Ðông Anh, Hà Nội, tra tấn chết ngày 30 Tháng Tám, 2012. (Hình do gia đình cung cấp cho báo chí)

Có thể vì điều ông Hằng tuyên bố mới là mục tiêu chính nên theo ông Sang, Việt Nam chỉ thực hiện một phần chứ không phải toàn bộ UNCAT, có tên đầy đủ là “Công Ước Chống Tra Tấn và Trừng Phạt hoặc Đối Xử Tàn Nhẫn, Vô Nhân Đạo Làm Mất Phẩm Giá Khác.”

UNCAT nằm trong nhóm những công ước được soạn thảo nhằm bảo vệ nhân quyền của cộng đồng quốc tế. Tuy được Liên Hiệp Quốc thông qua từ năm 1984, có hiệu lực từ năm 1987, Việt Nam vẫn thuộc một nhóm rất nhỏ các quốc gia không tham gia. Không tham gia đồng nghĩa với không phải thực hiện, không bị giám sát, chế tài, dẫu cho mục tiêu của UNCAT chỉ là phòng chống tra tấn, đối xử tàn bạo làm mất phẩm giá con người.

Việt Nam không tham gia UNCAT vì công ước này cấm tuyệt đối việc tra tấn, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo, xúc phạm phẩm giá con người. UNCAT đòi các quốc gia cam kết thực thi phải có những biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa, chống tra tấn. Phải xem tra tấn là tội hình sự. Người tra tấn, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo, xúc phạm phẩm giá con người sẽ bị dẫn độ để xét xử tại một quốc gia khác nếu quốc gia người đó cư trú không làm việc này, đồng thời nghiêm cấm các quốc gia trả ai đó về nguyên quán nếu có lý do để tin rằng, ở đó, họ sẽ bị tra tấn, ngược đãi.

Bên cạnh UNCAT còn có một nghị định thư tùy chọn về “Công Ước Chống Tra Tấn và Trừng Phạt hoặc Đối Xử Tàn Nhẫn, Vô Nhân Đạo Làm Mất Phẩm Giá Khác” được gọi là OPCAT, được Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc thông qua hồi năm 2002, có hiệu lực từ Tháng Sáu, 2006, quy định về việc thành lập “một hệ thống các chuyến viếng thăm thường xuyên do các cơ quan độc lập quốc tế và quốc gia thực hiện tại những nơi có người đang bị tước quyền tự do, để ngăn chặn việc tra tấn, trừng phạt hoặc đối xử tàn nhẫn vô nhân đạo làm mất phẩm giá khác.” OPCAT được giám sát bởi một “tiểu ban phòng chống tra tấn và trừng phạt hoặc đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo làm mất phẩm giá khác.”

Dưới áp lực của cộng đồng quốc tế, hôm 7 Tháng Mười Một, 2013, Việt Nam ký cam kết thực hiện UNCAT. Song việc thực thi UNCAT còn phải chờ Quốc Hội của chế độ phê chuẩn. Trong những tuyên bố liên quan đến UNCAT, không thấy Việt Nam đề cập đến OPCAT.

Mới đây, khi trình bày về UNCAT trước Quốc Hội, ông Trương Tấn Sang nói rằng, việc thực hiện các quy định của UNCAT sẽ theo “hiến pháp, pháp luật thực định của Việt Nam, trên cơ sở thỏa thuận hợp tác song phương hoặc đa phương với quốc gia khác và nguyên tắc 'có đi có lại.'”

Ông Sang diễn giải thêm là Việt Nam không coi UNCAT như “cơ sở pháp lý trực tiếp để dẫn độ.”

Trong khi cộng đồng quốc tế thúc giục Việt Nam thực thi UNCAT để cải thiện tình trạng nhân quyền bởi vì đây là một văn kiện pháp lý với các chỉ dẫn rõ ràng về cách thức thực hiện để chống tra tấn, đối xử tàn nhẫn, xúc phạm phẩm giá, mong muốn Việt Nam thiết lập hệ thống hữu hiệu ngăn ngừa tra tấn, đối xử tàn nhẫn, xúc phạm phẩm giá.

Ví dụ, để luật sư tiếp cận với các bị can ngay sau khi họ bị bắt, rà soát lại hệ thống giam giữ và qui định cụ thể về việc bồi thường cho các nạn nhân... thì với Việt Nam, ký cam kết thực hiện, phê chuẩn UNCAT chỉ nhằm “đấu tranh chống các luận điệu vu cáo, xuyên tạc về việc tra tấn, ngược đãi phạm nhân” của “các thế lực thù địch chống phá Nhà nước Việt Nam.”

Chỉ từ đầu năm 2014 đến nay, đã có 18 người dân chết trong tay công an tại Việt Nam, khi mới bị tạm giam giữ để thẩm vấn điều tra, thân thể đầy dấu vết tra tấn nhục hình, trong đó, có năm nạn nhân bị công an hô hoán là “tự tử.” (G.Ð.)

10-24- 2014 1:57:17 PM

No comments:

Post a Comment