(Baodatviet) - Trong khi Mỹ tăng áp lực lên Trung Quốc trước bất ổn ở Hồng Kông thì Chủ tịch Tập Cận Bình có phát biểu quan trọng về vấn đề này.
Trung Quốc không nhượng bộ
Tối 30/9, tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Chính phủ Trung Quốc đã tổ chức tiệc chiêu đãi chào mừng 65 năm ngày thành lập nước CHND Trung Hoa.
Trong tuyên bố được cho là đầu tiên về các cuộc biểu tình hiện nay ở Hồng Kông, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết chính phủ của ông sẽ “kiên định áp dụng nguyên tắc chỉ đạo của một quốc gia, hai chế độ và sẽ “bảo vệ” sự thịnh vượng và ổn định của Hồng Kông.
Tuyên bố của ông Tập đã cho thấy rằng chính quyền Bắc Kinh không có ý nhượng bộ trước phong trào biểu tình của người dân Hồng Kông. Dù vậy, theo giới quan sát, nếu Trung Quốc giải quyết không hiệu quả vấn đề Hồng Kông có thể sẽ khuyến khích những động thái tương tự tại những nơi khác.
Khi đêm xuống, những người biểu tình ở Hồng Kông trở nên đa dạng và nhộn nhịp hơn
Khi trao trả Hồng Kông về cho Trung Quốc vào năm 1997, Anh và Trung Quốc đã cùng ký một hiệp ước, theo đó, Bắc Kinh cam kết sẽ cho phép Hồng Kông “quyền tự trị cao cấp”, bao gồm việc bầu cử dân chủ để chọn ra đặc khu trưởng.
Tuy nhiên, khi người dân Hồng Kông biểu tình yêu cầu Bắc Kinh cho phép tự chọn đặc khu trưởng thì chính quyền tại Bắc Kinh gọi đây là hành động phi pháp.
Phát biểu 15 phút tại buổi lễ kỷ niệm Quốc khánh Trung Quốc, Trưởng đặc khu Hồng Kông Lương Chấn Anh khuyên các cử tri nên đồng ý với kế hoạch bầu cử do Bắc Kinh đề ra.
Tuy nhiên, ông Lương Chấn Anh vẫn phát biểu: "Được bầu cử theo hình thức phổ thông đầu phiếu đương nhiên tốt hơn là không. Để 5 triệu cử tri bỏ phiếu chọn ra đặc khu trưởng đương nhiên tốt hơn để 1.200 người làm điều đó. Và dĩ nhiên đến phòng phiếu bỏ phiếu tốt hơn nhiều so với ngồi nhà xem TV quay cảnh 1.200 thành viên ủy ban bầu cử bỏ phiếu".
Ngày 1/10, lực lượng biểu tình đe dọa sẽ leo thang chiến dịch “Chiếm trung tâm” nếu Trưởng đặc khu Lương Chấn Anh không chịu từ chức.
Theo ghi nhận của truyền thông quốc tế, hầu như không có dấu hiệu gì cho thấy cuộc biểu tình hụt hơi. Toàn bộ giao thông thành phố vẫn tê liệt, các cửa hàng và trung tâm mua sắm buộc phải đóng cửa.
Mỹ đứng sau biểu tình Hồng Kông?
Vào thời điểm này, Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ phía Mỹ về vấn đề Hồng Kông vì vấn đề này sẽ được nêu lên trong cuộc gặp cấp cao Trung-Mỹ và các nghị sĩ Mỹ đã lên tiếng bày tỏ “quan ngại sâu sắc”.
Theo thông báo trước đó của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng John Kerry sẽ thảo luận về vấn đề Hồng Kông với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khi cả 2 gặp nhau ở Washington vào ngày 1/10.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, Ngoại trưởng Mỹ Kerry dự kiến sẽ đưa ra tuyên bố rằng tính hợp pháp của chức danh đặc khu trưởng Hồng Kông sẽ được củng cố nếu người dân thực sự được phép chọn lựa ứng viên.
Trong khi đó, trong thư gửi Đặc khu trưởng Hồng Kông Lương Chấn Anh vào hôm 30/9, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Robert Menendez đã tố cáo Bắc Kinh “bội ước với người dân Hồng Kông”.
“Hôm nay tôi viết thư để bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình hình hiện tại ở Hồng Kông”, Thượng nghị sĩ Menendez viết trong thư.
Ông cũng thúc giục ông Lương Chấn Anh “dùng quyền lãnh đạo của mình để đảm bảo rằng người dân của chính ông, người Hồng Kông, sẽ có được các quyền dân chủ toàn diện và tự do mà họ đã được hứa và là những điều mà họ đáng được hưởng”.
Việc Mỹ liên tiếp tăng áp lực lên Trung Quốc khiến nhiều ý kiến cho rằng Mỹ đứng sau các cuộc biểu tình ở Hồng Kông.
Ngày 30/9, các kênh thông tin do nhà nước Nga kiểm soát đăng tải một số bản tin cáo buộc trong số những người tham gia biểu tình ở Hồng Kông có cả mật vụ do Mỹ tổ chức. Kênh truyền hình Rossiya 24 nổ một trong những phát súng đầu tiên: “Theo báo chí Trung Quốc, các lãnh đạo của phong trào biểu tình được đào tạo đặc biệt từ cơ quan tình báo Mỹ”.
Sau đó trong ngày, kênh First Channel phụ họa: “Bắc Kinh đã thông báo những người tổ chức cuộc biểu tình có liên quan đến Bộ Ngoại giao Mỹ”, mặc dù chính phủ Trung Quốc chưa đưa ra tuyên bố chính thức.
Moscow cũng từng tố cáo Washington thực hiện âm mưu châm ngòi cho các cuộc biểu tình ở thủ đô của Nga vào cuối năm 2011, trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi.
Báo chí Nga còn so sánh vụ kích động biểu tình ở Hồng Kông với "thủ đoạn" tương tự Mỹ thực hiện ở Ukraine.
Rossiya 24 dẫn lời một chuyên gia phân tích khẳng định “Washington làm điều này để chọc tức Bắc Kinh vì hỗ trợ Mátxcơva liên quan đến các sự kiện tại Ukraine”.
An Nhiên
No comments:
Post a Comment