Thursday, October 2, 2014

Việt Nam: Ngân sách nhà nước không thể là “tài liệu mật”

HÀ NỘI (NV) .- Đó là ý kiến của ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chánh - Ngân sách của Quốc hội CSVN, khi công bố ý kiển thẩm định về dự luật sửa Luật Ngân sách Nhà nước.


Một Kho bạc Nhà nước ở Việt Nam. (Hình: TBKTSG)

Theo ông Hiển, nhà cầm quyền Việt Nam phải gia tăng việc cung cấp thông tin về các khoản dự thu, dự chi, bảo đảm yếu tố công khai, minh bạch. Cũng vì vậy, không thể xếp các báo cáo về ngân sách nhà nước vào loại “tài liệu mật” .

Thay mặt Ủy ban Tài chánh - Ngân sách của Quốc hội, nhân vật hiện là Chủ nhiệm của Ủy ban này yêu cầu, chỉ xếp những thông tin liên quan tới an ninh, quốc phòng vào dạng “mật”. Dự luật sửa Luật Ngân sách Nhà nước phải cụ thể hóa hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức xã hội và của công dân. Các hành vi được xác định là nghiêm cấm cần phải đi kèm những qui định chế tài nếu có vi phạm bởi phải giữ “kỷ luật tài chính”.

Ông Hiển đòi việc chi tiêu bằng ngân sách phải tuân thủ quy định tại Hiến pháp: thu - chi phải theo dự toán. Thành ra phải xác định “Kho bạc không được chi nếu không có dự toán được duyệt của cấp có thẩm quyền”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chánh - Ngân sách của Quốc hội Hà Nội cũng yêu cầu đưa trái phiếu chính phủ, công trái quốc gia vốn đang nằm bên ngoài ngân sách vào việc cân đối ngân sách để việc sử dụng ngân sách bảo đảm yếu tố minh bạch, toàn diện và phải được Quốc hội cho phép.

Theo tường thuật của báo chí Việt Nam, các thành viên trong Ủy ban Tài chánh - Ngân sách của Quốc hội không đồng tình với đề nghị của chính phủ Việt Nam về việc nâng mức dư nợ đối với Hà Nội và Sài Gòn từ 100% lên 150% và với các tỉnh khác từ 30% lên 50% - 100% vì như thế là quá cao.

Việt Nam hiện có rất nhiều bộ luật liên quan đến ngân sách nhà nước. Ngoài Luật ngân sách Nhà nước đang được xem xét để sửa, Việt Nam còn Luật Quản lý nợ công, Luật Đầu tư công, Luật Tiết kiệm và Chống lãng phí, Luật Đấu thầu. Chưa kể chế độ Hà Nội còn dự tính ban hành Luật Đầu tư và Quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Tuy nhiên hồi tháng 11 năm ngoái, ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư CSVN cảnh báo, kinh tế Việt Nam sắp tới giai đoạn “đào củ mài để ăn” vì chi tiêu vô tội vạ. Lúc đó, ông Vinh nhấn mạnh “đất nước này vỡ nợ là do xây dựng cơ bản tràn lan”.

Lãnh đạo chính quyền các địa phương vung tay phê duyệt các dự án hạ tầng, khuyến dụ các doanh nghiệp bỏ vốn, mượn vốn để thực hiện đủ loại dự án, cuối cùng chính quyền trung ương không có khả năng hoàn trả. Hàng loạt doanh nghiệp là chủ đầu tư, hàng loạt ngân hàng cho vay rơi vào tình trạng phá sản, chính quyền vừa không thu được thuế, vừa “giật gấu vá vai” để trả nợ.

Cũng vào cuối năm ngoái, chế độ Hà Nội công bố một thống kê về việc sử dụng ngân sách để đầu tư vào các dự án kinh tế. Theo đó, chỉ trong vòng mười năm, dựa trên đề nghị của nhà cầm quyền các địa phương, CSVN đổ tiền xây 20 cảng biển quốc tế, 22 phi trường (có 8 là phi trường quốc tế), 267 khu công nghiệp (trung bình một tỉnh có 4 khu công nghiệp), 18 khu kinh tế ven biển, 28 khu kinh tế cửa khẩu, 1,757 dự án trong các lãnh vực giao thông, thủy lợi và di dân.

Tổng vốn đầu tư cho tất cả các dự án kinh tế này khoảng 444 ngàn tỉ đồng và gần như hầu hết các dự án này đều bỏ hoang sau khi hoàn tất, hoặc thực hiện dở dang rồi bỏ. Theo một số chuyên gia kinh tế, tại Việt Nam, năm nào chi tiêu cho đầu tư công cũng tăng so với dự tính, có năm tăng đến 30%  nhưng hiệu quả gần như bằng 0.

Ông Lê Xuân Bá – cựu Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, từng phân tích, về nguyên tắc, dự án đầu tư sẽ không được chi tiền nếu không nằm trong kế hoạch đã được phê duyệt. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều dự án đầu tư không hề có trong kế hoạch đã được phê duyệt vẫn được chi tiền. Ông Bá khẳng định, lý do dẫn tới thực trạng này là vì chính quyền các địa phương có thể lập dự án đầu tư và “chạy” để “trung ương đồng ý chi tiền”      

Tình trạng chi hết ngàn tỉ này đến ngàn tỉ khác cho đủ loại dự án không sinh lợi nhưng không có bất kỳ viên chức nào phải chịu trách nhiệm đã trở thành bình thường. Tuy chế độ Hà Nội vẫn tuyên bố “chống tham nhũng”, “chống lãng phí”, thực hiện “công khai, minh bạch” nhưng vẫn muốn giữ các dự toán thu, chi ngân sách là “tài liệu mật”. (G.Đ)
10-02 2014 4:05:49 PM
Theo Người Việt

No comments:

Post a Comment