Tuesday, August 26, 2014

Việt Nam mong sớm có Hiệp định Tự do mậu dịch với EU

HÀ NỘI (NV) .- Việt Nam hy vọng sẽ đạt được Hiệp định Tự do mậu dịch với Liên hiệp châu Âu (EU) trong tháng 10. Đó là thông tin do ông Thủ tướng CSVN loan báo hôm 25 tháng 8-2014.


Công nhân một công ty giày da kiểm tra thành phẩm trước khi xuất cảng sang châu Âu. (Hình: Hoàng Đình Nam/AFP/Getty Images)

Sau cuộc hội đàm với ông José Manuel Barroso, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Thủ tướng CSVN cho biết, mục tiêu của hai bên là kết thúc quá trình thương lượng về tự do mậu dịch vào tháng 10 năm 2014. Ông Barroso, đang có mặt tại Hà Nội thì bảo rằng ông lạc quan về kết quả thương lượng.

Theo dự đoán của một số chuyên gia, nếu điều này thành hiện thực, Hiệp định Tự do mậu dịch với EU sẽ giúp 90% hàng hóa Việt Nam xuất cảng sang châu Âu được miễn thuế. Cho đến nay, với Việt Nam, EU vẫn là thị trường xuất cảng hàng đầu. Việt Nam xuất cảng sang châu Âu các loại sản phẩm điện tử khác, sản phẩm dệt may, giày dép, nông sản.

EU còn là đối tác thương mại đứng hàng thứ nhì của Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc. Năm ngoái, quan hệ thương mại hai chiều Việt Nam – EU đạt 36 tỉ Mỹ kim. Riêng năm ngoái, EU đã đầu tư vào Việt Nam 656 tỉ Mỹ kim.

Theo báo giới, ngoài trao đổi về việc củng cố và phát triển quan hệ thương mại, đại diện Việt Nam và EU còn trao đổi về tình hình biển Đông. Trong một tuyên bố chung, Việt Nam và EU nhấn mạnh rằng, hai bên động thuận là “các tranh chấp lãnh thổ cần được giải quyết một cách hòa bình trên tinh thần hợp tác và tôn trọng luật pháp quốc tế”. Ông Barroso cho biết EU ủng hộ việc ASEAN hoàn thiện và đạt được một Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) để có những ràng buộc  chính thức về pháp lý.

Từ 2012, khi Việt Nam và EU bắt đầu đàm phán về Hiệp định Tự do mậu dịch, nhiều tổ chức quốc tế và nghị viên của Nghị viện châu Âu đã kêu gọi EU nên xem tiến bộ về nhân quyền tại Việt Nam như một trong những nội dung cần nêu ra trong quá trình thương lượng. Hồi thượng tuần tháng 4 vừa qua, Nghị viện châu Âu thông qua một Nghị quyết, yêu cầu Ủy ban châu Âu nêu các lo ngại về nhân quyền khi thương lượng về Hiệp định Tự do Thương mại với Việt Nam.

Nghị quyết này thúc giục Ủy ban châu Âu lấy các tiến bộ cụ thể trong việc cải thiện nhân quyền, đặc biệt là các tiến bộ về tự do ngôn luận, tự do thông tin, tự do tôn giáo làm điều kiện để ký kết Hiệp định Tự do mậu dịch với Việt Nam.

Nghị viện châu Âu thúc giục Ủy ban châu Âu tiến hành đánh giá về tác động nhân quyền trước khi đúc kết đàm phán Hiệp định Tự do mậu dịch với Việt Nam. Đồng thời phải tránh các tác động ngược của những chính sách thương mại - đầu tư đối với nhân quyền.

Bên cạnh sự thúc hối vừa kể, nhiều chuyên gia kinh tế bày tỏ hy vọng những hiệp định như Hiệp định Tự do mậu dịch với EU, Hiệp định hợp tác Kinh tế chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP), sẽ giúp Việt nam thoát khỏi sự lệ thuộc gần như hoàn toàn vào Trung quốc về kinh tế. Một nguy cơ khiến Việt Nam mất sự tự chủ về chính trị.

Sau khi mâu thuẫn về chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc gia tăng, người ta lo ngại Trung Quốc sẽ gây áp lực bằng cách cắt đứt quan hệ kinh tế, khiến kinh tế Việt Nam suy sụp.

Sự lo ngại này phát xuất từ những yếu tố như năm 2013, xuất cảng của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ tăng 7% nhưng nhập cảng từ Trung Quốc tăng 28%. Tốc độ gia tăng của nhập cảng từ Trung Quốc gấp 4 lần so với tốc độ xuất cảng và chênh lệch về cán cân thương mại trong quan hệ với Trung Quốc càng lúc càng lớn.

Hồi trung tuần tháng 12 năm 2013, tại một hội nghị bàn về việc thực hiện thỏa thuận thương mại tự do, Bộ Công Thương Việt Nam xác nhận, chỉ trong 10 năm, từ 2001 đến 2012, nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc đã tăng 76 lần, từ 210 triệu Mỹ kim hồi 2001, thành 16 tỷ Mỹ kim vào năm 2012.

Tháng 6 năm 2013, sau khi có thống kê cho biết, bốn tháng đầu năm 2013, Việt Nam chi 40.2 tỷ Mỹ kim cho việc nhập cảng, trong đó có tới 10 tỷ Mỹ kim chỉ để nhập cảng nguyên liệu, vật liệu, phụ liệu, hàng hóa của Trung Quốc, ông Võ Trí Thành, một chuyên gia kinh tế, khẳng định, điều đó cho thấy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam càng ngày càng phụ thuộc vào nguyên liệu, vật liệu, phụ liêu của Trung Quốc.

Nếu Trung Quốc ngừng xuất cảng chúng sang Việt Nam, sẽ có hàng loạt doanh nghiệp Việt Nam hấp hối vì không kịp ứng phó. Lúc đó, ông Thành than rằng, cả khả năng cạnh tranh lẫn công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam quá yếu, vì vậy Việt Nam đang phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc cả về hàng trung gian lẫn hàng tiêu dùng cuối cùng. (G.Đ)
08-25- 2014 3:49:36 PM
Theo Người Việt

No comments:

Post a Comment