Tuesday, August 26, 2014

Ðã bị giam oan lại bị đòi nộp ‘chứng từ’ mới bồi thường

BẮC GIANG (NV) - Ðại diện Tòa án Tối cao của Việt Nam yêu cầu ông Nguyễn Thanh Chấn và thân nhân nộp các “chứng từ” để chứng minh thiệt hại do bị giam oan thì mới xét bồi thường.

Ðó là diễn biến mới nhất liên quan tới vụ oan án mà ông Nguyễn Thanh Chấn là nạn nhân, khiến công chúng căm phẫn, chỉ trích hệ thống tư pháp Việt Nam kịch liệt và đòi xét lại nhiều vụ án có dấu hiệu gây hàm oan khác.


Buổi làm việc giữa đại diện Tòa án Tối cao với ông Chấn và thân nhân. (Hình: ÐSPL)

Năm 2003, ông Nguyễn Thanh Chấn, ngụ tại Bắc Giang bị cáo buộc “giết người,” “cướp tài sản.” Dù ông liên tục kêu oan và có nhiều nhân chứng, bằng chứng cho thấy ông vô tội, chưa kể ông Chấn liên tục tố giác đã bị tra tấn, ép nhận tội nhưng cuối cùng, ông vẫn bị phạt tù chung thân.
Mãi tới năm 2013, vì gia đình hung thủ có mâu thuẫn, thân nhân ông Chấn mới tìm ra thủ phạm và thủ phạm đã đầu thú. Ông Chấn được trả tự do hồi cuối năm 2013. Ðến nay, hệ thống tư pháp Việt Nam chỉ mới minh oan cho ông Chấn. Việc bồi thường thiệt hại đang được... “xem xét.”

Trong mười năm ông Chấn bị hàm oan vì “giết người,” “cướp tài sản,” mẹ, vợ, các con ông Chấn nếm trải đủ thứ tủi nhục vì mọi người dè bỉu, xa lánh. Bốn đứa con của ông Chấn không chịu được áp lực của dư luận nên nghỉ học, đi làm thuê kiếm tiền để mẹ đi kêu oan cho cha.

Nghe tin Tòa án Tối cao đòi ông Chấn và thân nhân nộp chứng từ chứng minh thiệt hại, bà Bà Thân Thị Hải, một người hàng xóm nêu thắc mắc, tìm ở đâu ra các “hóa đơn” để chứng minh những thiệt hại như vậy?

Báo chí Việt Nam tường thuật, khi nghe các viên chức của Tòa án Tối cao đòi “chứng từ,” bà Nguyễn Thị Chiến, vợ ông Chấn bật khóc. Trong mười năm ông Chấn bị giam oan, bà đã bán sạch tài sản để có tiền đi khắp nơi gửi đơn kêu oan cho chồng. Khi không còn tài sản để bán, bà Chiến vay mượn khắp nơi, chấp nhận trả lãi để tiếp tục hành trình đi tìm công lý.

Sau khi có tin về hung thủ thật sự của vụ giết người, bà Chiến tiếp tục vay mượn để đi từ Bắc Giang đến Ðắk Lắk hàng chục lần để tìm hung thủ. Chính gia đình và thân hữu của ông Chấn tìm ra hung thủ, kêu gọi hung thủ đầu thú. Hệ thống tư pháp Việt Nam chỉ làm công việc tiếp nhận đầu thú, điều tra lại và “giải oan,” phóng thích ông Chấn.

Bà Chiến bảo rằng việc Tòa án Tối cao đòi “chứng từ” về những khoản chi tiêu cho quá trình đi tìm công lý suốt mười năm đó là “đánh đố.”

Ðến nay, ông chấn vẫn chưa gặp lại một trong hai cô con gái của mình. Vợ con ông Chấn đã vay mượn khắp nơi để cô gái này được chính quyền Việt Nam đưa sang Ðài Loan làm thuê. Sau hai năm, khi hợp đồng hết hạn, cô bỏ trốn, trở thành người cư trú bất hợp pháp ở Ðài Loan, đi làm chui để tiếp tục kiếm tiền gửi về cho mẹ đi kêu oan cho cha và thanh toán nợ nần. Cô đang chờ cha và gia đình được bồi thường để có tiền nộp phạt cư trú bất hợp pháp và quay về.

Ông Chấn bảo rằng, tuy đã được giải oan, song gia đình ông càng ngày càng khốn khó và hoàn toàn kiệt quệ. Vợ ông Chấn bảo rằng, họ muốn được bồi thường khoảng 10 tỉ đồng. Ðó là những thiệt hại về tài sản do thu nhập thực tế bị mất, do chi phí giấy tờ và chi phí cho luật sư suốt quá trình kêu oan, do phải thăm thăm nuôi, do những tổn hại về sức khỏe, danh dự, tinh thần của những thành viên trong gia đình...

Ðại diện Tòa án Tối cao của Việt Nam không bận tâm đến những điều đó. Họ viện dẫn các quy định trong “Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước” và một mực đòi các “chứng từ” để dựa vào đó “hướng dẫn làm những thủ tục luật định.” (G.Ð)

08-26- 2014 3:14:02 PM
Theo Người Việt

1 comment:

  1. TRUYỀN ĐƠN TỐ CÁO.
    TỔNG BÍ THƯ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM NGUYỄN PHÚ TRỌNG NHẬN HỐI LỘ 100 LƯỢNG VÀNG ĐỂ DUNG TÚNG BAO CHE CHO NHỮNG TỘI ÁC CƯỚP CỦA - GIẾT NGƯỜI.
    Nay đã có 3497 số lần xem trang.

    ReplyDelete