theo Infonet | 26/08/2014 08:45
Từ nền tảng kỹ thuật yếu kém, không có cơ hội giao lưu với thị trường công nghệ nước ngoài, TQ đã từng bước cải tiến công nghệ để cạnh tranh với vũ khí của Nga, châu Âu và Mỹ.
Trong hàng thập niên qua, Bắc Kinh đã nỗ lực trở thành một trong những cường quốc quân sự hiện đại nhất thế giới. Để bù đắp những thiết hụt công nghệ, Trung Quốc còn nhập khẩu thêm các công nghệ và vũ khí của nước ngoài cũng như định hướng chiến lược quân sự.
Ngành công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc cũng đang rút dần khoảng cách với các đối thủ. Thậm chí, hiện nay, một số công nghệ của Trung Quốc đã vượt cả Nga.
Chia sẻ trên National Interest, tác giả Robert Farley, trợ lý giáo sư tại Trường Ngoại giao và Thương mại quốc tế Patterson đã liệt kê 5 loại công nghệ quân sự tương lai của Trung Quốc có thể "thay đổi cuộc chơi" với Mỹ.
Tàu sân bay
Lâu nay, việc Trung Quôc có ý định xây dựng một hạm đội tàu sân bay hay không vẫn luôn là điều bí ẩn với giới chuyên gia. Tuy nhiên, khi Liêu Ninh xuất hiện, Bắc Kinh đã tỏ rõ ý định phát triển một lực lượng tàu sân bay cho riêng mình song quy mô và năng lực thực sự vẫn chưa được hé lộ.
Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc.
Sự vắng bóng của các nguồn tin về kế hoạch đóng các tàu sân bay mới của Trung Quốc cũng đã khiến giới chuyên gia chưa thể hình dung về hình dáng của những con này. Song, điều chắc chắn là chúng có thể mang theo số lượng lớn các chiến đấu cơ tàng hình và cả máy bay cảnh báo sớm.
Tuy nhiên, Hải quân Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài phát triển để có thể sáng ngang với năng lực của Hải quân Mỹ. Ngay cả tàu sân bay Liêu Ninh, Trung Quốc vẫn đang phải nghiên cứu để khắc phục mọi hoạt động trên boong tàu.
Về cơ bản, một hạm đội tàu sân bay sẽ làm thay đổi cách tiếp cận các vấn đề hàng hải của Trung Quốc. Mặc dù, đội tàu sân bay Trung Quốc không thể sánh ngang với Mỹ, nhưng Bắc Kinh vẫn sẽ từng bước tăng cường sức mạnh hải quân trong tương lai ngay khi 2 tàu sân bay mới được hạ thủy.
Tàu khu trục Type 055
Trung Quốc dường như đang có ý định xây dựng cho mình một lực lượng tàu khu trục cỡ lớn lần đầu tiên. Mặc dù, những con tàu này không thể sánh với quy mô của tàu khu trục Zumwalt của Mỹ hay Kirovs của Nga nhưng chúng sẽ vẫn đại diện cho một bước tiến nhảy vọt trong quá trình phát triển năng lực hải quân của Trung Quốc.
Tàu khu trục Type 055.
Giới phân tích ước tính tàu khu trục Type 055 của Trung Quốc có trọng lượng khoảng 12.000 tấn và có thể chuyên chở theo 128 ống phóng tên lửa thẳng đứng. Với quy mô lớn như vậy, Type 055 có thể đáp trả mọi cuộc tấn công nhằm vào lãnh thổ Trung Quốc với sự hỗ trợ của các tên lửa hành trình hoặc có thể đảm nhận nhiệm vụ kiểm soát không phận để bảo vệ lực lượng đang thực thi nhiệm vụ.
Hiện nay, Hải quân Trung Quốc cũng đang cân nhắc trang bị loại tàu này cho các căn cứ quân sự mà Hải quân Mỹ đặc biệt quan tâm. Những loại tàu lớn hơn với tầm hoạt động xa hơn có thể được triển khai tại những khu vực cách xa các căn cứ cảng trong lãnh thổ Trung Quốc.
Điều quan trọng là việc xây dựng các tàu khu trục cỡ lớn còn đại diện cho cam kết chính trị quan trọng của chính phủ Trung Quốc trong việc nâng khả năng viễn chinh cho hải quân nước này trong tương lai cũng như "hạm đội biển xanh".
Chiến đấu cơ tàng hình J-20
Chiến đấu cơ J-20 lần đầu tiên bay thử nghiệm vào tháng 1/2011. Kể từ đó, Trung Quốc đã cho ra đời một vài nguyên mẫu bổ sung. Mỗi nguyên mẫu mới được Bắc Kinh thiết kế để khắc phục các lỗi kỹ thuật liên quan tới khả năng tàng hình. Hiện nay, J-20 vẫn là máy bay tàng hình tối tân nhất trong 2 dự án mà Trung Quốc đang nghiên cứu phát triển. Trong đó, J-31, loại máy bay tàng hình có quy mô nhỏ hơn J-20, sẽ có thể được đưa vào biên chế trên các tàu khu trục của Hải quân nước này.
Chiến đấu cơ tàng hình J-20 của Trung Quốc là mối đe dọa tới các căn cứ quân sự của Mỹ và đồng minh tại châu Á - Thái Bình Dương.
Dù không biết rõ về năng lực thực sự của J-20, giới chuyên gia quân sự vẫn cho rằng chắc chắn nó sẽ là một máy bay cỡ lớn với tầm hoạt động xa và mang theo một lượng lớn vũ khí hiện đại. J-20 có thể trở thành mối đe dọa với các căn cứ quân sự của Mỹ và đồng minh tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhất là khi chiến đấu cơ tàng hình này được trang bị các tên lửa hành trình phóng từ trên không. Ngoài ra, J-20 còn có thể đảm nhận sứ mệnh đánh chặn và trinh sát tầm xa.
J-20 sẽ là thành tố mới trong "hệ thống chống tiếp cận và xâm nhập" (A2/AD) của
Trung Quốc. Hệ thống này được xem là mối đe dọa tới độ cân bằng của các cơ sở hạ tầng của Mỹ và đồng minh tại Thái Bình Dương. Mặc dù, quân đội Mỹ đã quá quen thuộc với việc sử dụng các máy bay tàng hình nhưng chắc chắn, họ sẽ còn phải đối mặt với năng lực tàng hình từ Trung Quốc.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41
Tên lửa đạn đạo liên lục địa không còn là điều mới mẻ với nhiều quốc gia bao gồm Trung Quốc. Nhưng DF-41 sẽ giúp Trung Quốc chuyển từ khả năng phòng thủ tối thiểu sang phát động đòn phản công thứ hai. Nếu sản xuất số lượng lớn DF-41, Bắc Kinh có thể cân bằng mối quan hệ hạt nhân với Mỹ và Nga cũng như vô hiệu hóa mọi hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia của Washington.
Tên lửa DF-41 có thể mang 10 đầu đạn hạt nhân.
Những tin đồn liên quan tới sự phát triển của DF-41 đã xuất hiện từ nhiều năm qua nhưng Trung Quốc mới chỉ lên tiếng xác nhận về sự tồn tại của hệ thống tên lửa này cách đây vài tháng. Khác với những loại tên lửa trước đây, DF-41 được trang bị năng lực MIRV hay nói cách khác là phương tiện chứa nhiều đầu đạn dẫn hướng độc lập. Theo đó, module MIRV có thể chứa nhiều đầu đạn hạt nhân khác nhau với số lượng lên tới 10 đầu đạn. Khi tấn công mục tiêu, các đầu đạn sẽ tách riêng đánh vào những mục tiêu khác nhau. Do đó, việc đánh chặn sẽ cực kỳ khó khăn.
Đặc biệt, nếu Trung Quốc quyết định tích hợp các đầu đạn truyền thống vào DF-41 cùng hệ thống dẫn hướng chính xác nhằm tấn công các mục tiêu di động, Bắc Kinh có thể xóa sổ "vùng miễn nhiễm" mà nhóm tàu sân bay của Mỹ đang hoạt động trên khắp thế giới. Tuy nhiên, việc Trung Quốc sử dụng DF-41 trong một cuộc chiến thông thường sẽ buộc Mỹ phản công và khả năng dẫn tới một cuộc đụng độ hạt nhân căng thẳng.
Đơn vị 61398
Theo Bộ Tư pháp Mỹ và nhiều tổ chức trên thế giới, quân đội Trung Quốc đang nắm trong tay một lực lượng tình báo mạng hùng hậu. Đơn vị 61398 bị nghi là thủ phạm tấn công hàng loạt các mục tiêu lớn với nhiều phương thức cải tiến nhằm đánh cắp thông tin và quấy rối.
Trung Quốc nắm trong tay lực lượng chiến binh mạng hùng hậu và kỹ năng cao.
Bộ Tư pháp Mỹ nhấn mạnh quân đội Trung Quốc đã đánh cắp bí mật của các công ty tư nhân nước này sau đó chuyển dữ liệu cho các công ty do chính phủ Trung Quốc điều hành. Về mặt dân sự, những thông tin này sẽ giúp Trung Quốc tăng sức cạnh tranh thương mại. Còn trong lĩnh vực quân sự, Bắc Kinh có thể thu thập nhiều thông tin bí mật về các hệ thống vũ khí của Mỹ.
Đặc biệt, việc ngăn chặn hoạt động của đơn vị 61398 dường như là không thể bởi họ đang nhận sự hỗ trợ từ chính phủ Trung Quốc. Do đó, năng lực của đơn vị 61398 chắc chắn sẽ ngày càng được cải thiện qua thời gian.
No comments:
Post a Comment