Thursday, July 3, 2014

Mũ bảo hiểm, làm sao biết chất lượng?

 Hòa Ái, phóng viên RFA 2014-07-03
000_Hkg8493755-305.jpgMột điểm đổi mũ bảo hiểm giả tại Hà Nội do Ủy ban quốc gia về an toàn giao thông tổ chức hồi năm 2013.AFP

Hoang mang, lo lắng

Thông tin về thông tư quy định xử phạt người đội mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn có hiệu lực từ đầu tháng 7. Tuy nhiên, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ tuyên bố thông tin này là không chuẩn khiến người tham gia giao thông hoang mang, lo lắng.
Hôm 30 tháng 6, truyền thông trong nước đồng loạt loan tin kể từ ngày 1/7/2014 lực lượng chức năng tiến hành xử phạt đối với người tham gia giao thông trên các phương tiện như xe gắn máy, xe mô tô, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, không cài quai đúng quy cách và mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng theo đúng quy định chuẩn. Mức phạt tiền dao động từ 100 đến 200 ngàn đồng.
Thị trường mũ bảo hiểm ở VN đồng loạt tăng giá trước thông tin này. Các chủ tiệm kinh doanh mũ bảo hiểm cho báo chí biết một ngày họ có thể bán được đến 300 cái thay vì chỉ 4-5 cái như trước đây. Nhiều người tham gia giao thông đổ xô mua mũ bảo hiểm đúng chất lượng quy định với tâm lý chung là không muốn mình bị phạt. Cô Thảo, ở Đồng Tháp nói với đài ACTD cách lựa chọn để mua được 1 cái mũ bảo hiểm đúng chuẩn quy định:
Mấy anh nói mũ giả thì cũng phải chịu thôi vì tôi mua theo đầy đủ tiêu chuẩn báo đài thông tin nghị định đưa ra, tôi căn cứ vào đó để mua.
-Cô Thảo
“Thường bây giờ mũ theo chuẩn là phải có đủ lớp nhựa cứng bên ngoài, ở trong có một lớp đệm mềm để bảo vệ, và có đóng tem bảo đảm chất lượng thì là mũ mua được. Còn những mũ không có đóng tem bảo đảm chất lượng là không đạt chất lượng. Người bình thường thì người ta cầm cái nón, nhìn cái tem, có tem thì sẽ mua”.
Thế nhưng, để trả lời câu hỏi của Hòa Ái làm thế nào nhận biết đâu là tem giả hay tem thật thì cô Thảo cho rằng đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý thị trường. Và giả định trong tình huống lực lượng chức năng như Cảnh sát Giao thông (CSGT) không công nhận chiếc mũ bảo hiểm của mình được đóng tem thật thì cô Thảo sẽ nói gì:
“Mấy anh nói mũ giả thì cũng phải chịu thôi vì tôi mua theo đầy đủ tiêu chuẩn báo đài thông tin nghị định đưa ra, tôi căn cứ vào đó để mua. Còn mấy anh nói mũ giả thì mấy anh truy lại nhà sản xuất, nhà cung cấp”.
Cô Thảo cho biết thêm trong tình cảnh như vậy thì không thể đôi co với CSGT và chỉ có cách duy nhất là phải đóng phạt mà thôi.

Nên phạt ai?

000_Hkg8493751-250.jpg
Một điểm đổi mũ bảo hiểm giả tại Hà Nội do Ủy ban quốc gia về an toàn giao thông tổ chức hồi năm 2013. AFP PHOTO.
Chỉ trong ngày 30/6 nhiều độc giả phản hồi ý kiến trên báo chí rằng không có lý do gì để xử phạt người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm không đúng chất lượng quy định mà phải quản lý, xử phạt triệt để các công ty sản xuất, những người kinh doanh sản phẩm mũ bảo hiểm kém chất lượng với lập luận nếu không có nhà sản xuất thì lấy đâu ra để mua những chiếc mũ như vậy. Anh Bình ở Sài Gòn cho rằng quy định phạt này không mang lại hiệu quả thực tiễn cho đời sống của người dân. Anh Bình nói:
“Đó chỉ là hình thức trị ngọn chứ không phải trị gốc, không giải quyết được vấn đề. Nếu thực lo cho người dân đừng cho bán những cái mũ đó, ai bán thì bắt phạt”.
Trong khi đó, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường TPHCM-ông Nguyễn Văn Bách lên tiếng vẫn còn người tiêu dùng có nhu cầu mua và sử dụng mũ bảo hiểm giá rẻ, không đảm bảo chất lượng với tâm lý để đối phó khi tham gia giao thông.
Đó chỉ là hình thức trị ngọn chứ không phải trị gốc, không giải quyết được vấn đề. Nếu thực lo cho người dân đừng cho bán những cái mũ đó, ai bán thì bắt phạt.
-Anh Bình
Vì sao người tiêu dùng lại phải đối phó cũng như đối phó với ai? Tại sao người tham gia giao thông không ý thức đội mũ bảo hiểm đúng chất lượng để bảo vệ cho mình khi rủi ro tai nạn xảy ra? Trao đổi với đài RFA, nhiều người phân trần không phải không ý thức mà lắm lúc phải chở người này người khác một cách đột xuất nên phải tạt vào mua những chiếc mũ bảo hiểm không quá đắt giá để không bị CSGT phạt. Bên cạnh đó, việc bảo quản và gìn giữ 1 chiếc mũ bảo hiểm đắt tiền cũng không phải là dễ, đi đâu làm gì cũng phải kè kè một bên vì sợ mất nên cứ mua một cái mũ bảo hiểm mà người bán bảo đảm chất lượng đúng quy định nhưng có giá “mềm”.
Trước sự phản ứng gay gắt của người dân về thông tin xử phạt người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên tuyên bố trong buổi họp báo thường kỳ hôm mùng 1/7 rằng báo chí đăng tải thông tin này không chính xác khiến người dân không an tâm, nói thêm rằng mũ bảo hiểm kém chất lượng là trách nhiệm của cơ quan chức năng chứ không bắt người dân phải chấp nhận.
Trong khi những người dân ở thành thị có nhu cầu đi lại nhiều vẫn còn hoang mang không biết có phải đây là cách Nhà nước dùng truyền thông để kích cầu, rồi đến bao giờ thông tin xử phạt lại có hiệu lực và phải loay hoay tìm mua chiếc mũ bảo hiểm đúng chuẩn theo quy định thì bà Sáu, 1 nông dân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, lâu lắm mới được người nhà chở ra chợ bằng xe gắn máy, lặng lẽ dùng chiếc “nón bảo hiểm Piaggio”, được sản xuất ở Ý, do cháu bà ở nước ngoài mang về tặng, làm chậu trồng hành vì bà Sáu cho rằng chất lượng của nó không đảm bảo do không có tem như quy định của chính quyền.

No comments:

Post a Comment