Thursday, July 3, 2014

Hơn 160.000 cử nhân, thạc sỹ đang thất nghiệp


(Dân trí) - Tỷ lệ thất nghiệp tại thành thị cao gấp 2,4 lần nông thôn; hiện 162,4 nghìn người có trình độ từ đại học trở lên đang thất nghiệp; 79,1 nghìn người có trình độ cao đẳng chưa có việc làm.

Theo thống kê mới nhất từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), tính đến hết quý 1/2014, cả nước có hơn 1 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, tăng 145,8 nghìn người so với quý 4/2013.
Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị là 3,72%, cao gấp 2,4 lần nông thôn. Đáng chú ý, nhóm lao động trình độ cao tiếp tục khó khăn khi tìm việc làm, có hơn 160.000 người có trình độ từ đại học trở lên bị thất nghiệp; hơn 79.000 người có trình độ cao đẳng bị thất nghiệp.
Đặc biệt, thống kê báo cáo cũng ghi nhận tình trạng thất nghiệp thanh niên tiếp tục là vấn đề cần quan tâm. Có hơn 500 nghìn thanh niên từ 15-24 tuổi bị thất nghiệp, chiếm 6,66%. Ngoài ra, tỷ lệ thiếu việc làm ở nông thôn là 3,4%, cao gấp 1,2 lần so với cả nước.
Bên cạnh đó, trong quý 1/2014 có gần 1,3 triệu lao động thiếu việc làm. Số giờ làm việc thực tế bình quân của nhóm “lao động thiếu việc làm” là 22,3 giờ/tuần, chỉ bằng 53% so với lao động cả nước.
Nhiều cử nhân đại học cũng khó kiếm việc làm
Nhiều cử nhân đại học cũng khó kiếm việc làm
Về bảo hiểm thất nghiệp, số liệu bản tin cho biết, đến hết quý 1/2014, cả nước có 8,6 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp; 86,7 nghìn người đăng ký thất nghiệp. Trong đó 75,3 nghìn người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng; 5,6 nghìn người được hưởng trợ cấp thất nghiệp một lần…
Nhận định về tình hìnhông Gyorgy Janos Sziraczki, chuyên gia tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đánh giá, thống kê này có ý nghĩa quan trọng đối Việt Nam – quốc gia với số dân 90 triệu dân và có đến 53,7 triệu người trong lực lượng lao động, trong đó có 47,4 triệu người trong độ tuổi lao động. Trên thực tế, so với các nước trong khu vực Việt Nam không phải làm một nước có tỷ lệ thất nghiệp cao, tuy nhiên qua số liệu cung cấp, Việt Nam cần quan tâm đến chất lượng, năng suất lao động của người lao động hơn nữa để phù hợp với xu hướng phát triển của thị trường lao động.
Đánh giá thực trạng, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho rằng, đây là những thống số để các nhà quản lý và hoạch định chính sách có căn cứ cụ thể đánh giá mức độ ảnh hưởng của biến động kinh tế đến lao động trong cả nước, trong từng vùng, cũng như từng tỉnh, thành phố nhằm kịp thời đưa ra những giải pháp trong từng giai đoạn cụ thể. Bên cạnh đó, giúp các Bộ, ngành, các tổ chức có liên quan nghiên cứu chuẩn bị nhân lực đáp ứng nhu cầu của Bộ, ngành và quốc gia…
Tuy nhiên, dự báo về triển vọng thị trường lao động, chuyên gia vẫn đưa ra thông tin khả quan: Trong năm 2014, kinh tế vĩ mô tiếp tục phục hồi sẽ tạo cơ hội cho thị trường lao động chuyển biến tích cực. Nhu cầu tuyển dụng lao động tiếp tục tăng, tập trung tại những địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất. 
Phạm Thanh

No comments:

Post a Comment