Thursday, July 3, 2014

Thư gửi con trai út của ông Thủ tướng


Sài Gòn, ngày 04 tháng 7 năm 2014.

Chào anh Nguyễn Minh Triết,

Tôi viết lá thư này gởi anh, bởi vì:

- Anh là con trai út của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Theo văn hóa Nam bộ, thông thường con trai út được gia đình cưng hơn, cũng như ít nhiều được lắng nghe hơn.

- Anh là người thuộc thế hệ trẻ với tuổi 25.

Tôi không quan tâm đến việc học hành ở Anh quốc của anh, dù đó là bằng cấp thật đi chăng nữa. Bởi lẽ, những năm sau này, tôi ngày càng ê chề [*] với lớp người gọi là "trí thức" (bất chấp họ có bằng cấp tại Mỹ, Châu Âu, Úc, Singapore v.v... hay Việt Nam, Trung Quốc cũng vậy). Do đó, công bằng mà nói, tôi thấy ba anh - ông Nguyễn Tấn Dũng - nếu có coi khinh "trí thức" kiểu như thế, cũng không có gì khó hiểu.

Tôi cũng không có ý định mon men đứng sau lưng "nhà nước" để đồng tâm "đoàn kết" theo lời kêu gọi của những ông (bà) "trí thức" gần 2 tháng qua, mặc dù nghe nói họ đã tập hợp được hơn 15.000 chữ ký [**] để yêu cầu "nhà nước" Việt Nam kiện Trung Cộng ra tòa quốc tế. 

Chắc anh Triết cũng biết Tướng Quân "ngồi đan sọt mà lo việc nước"?

Nói ra, sợ mấy ông (bà) "trí thức" cười, chứ nói thiệt với anh Triết, chuyện ông Phạm Ngũ Lão là chuyện cách đây hơn 700 trăm, bây giờ Tướng Phạm Ngũ Lão có ngồi đan rổ đan rá hay dệt bao bố chắc chẳng ai màng. Thậm chí, người ta còn tới sờ đầu ông Tướng đó, coi có ấm đầu hay không mà ngồi lo việc nước giữa đàng giữa sá để lính đâm lủng đùi, máu chảy ròng ròng mà chẳng hay biết. 

Bàn chuyện nước chuyện non thời nay, hình như cứ phải "tầm": giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, học giả, chuyên gia v.v... 

Tôi hơi dông dài về "trí thức" để muốn nói với anh, dù là dân quèn, nhưng tại sao chúng tôi không có quyền góp ý kiến cho quê hương mình? Miễn làm sao, ý kiến đó không trái đạo lý, trái pháp luật và đặc biệt không dính dáng đến bạo lực hay khủng bố, phải không anh? Bị gì tôi khoái ông Đỗ Trung Quân với câu: "Quê hương mỗi người chỉ một như là chỉ một mẹ thôi". 

Tôi ít học, nhưng tôi cũng có quyền lo cho Mẹ theo cách của tôi chứ, phải không anh Triết? Chứ theo kiểu bây giờ, thì làm gì có Tướng Quân Phạm Ngũ Lão? Làm gì có Hưng Đạo Vương? Nói vậy là mấy ông "trí thức" nói tôi trèo cao đòi làm Phạm Ngũ Lão, Hưng Đạo Vương nữa cho coi. 

Thiệt ra, ý tôi là làm cách nào cũng được, miễn là ôn hòa, miễn là bảo vệ "Mẹ chúng ta" an toàn, mạnh khỏe, yên vui thì cứ dùng, cớ sao cứ phải nhất quyết đi... kiện là tối ưu? 

Đừng so sánh với Philippines, bởi "chính trị so sánh" (comparative politics) chưa được nghiên cứu kỹ, cho đến nay.

Kiện trong trường hợp Việt - Trung bây giờ, thiển nghĩ, suy cho cùng cũng là một dạng đàm phán có bên thứ ba (tòa) làm trọng tài (giả sử Trung Quốc chấp nhận). Trong khi đó, ông tiến sĩ Lê Trung Tĩnh nói [1]: "...Vì làm sao kiên trì đàm phán với một đất nước, một đối tác, một bên khác mà họ không chấp nhận, thậm chí là có tranh chấp trên quần đảo Hoàng Sa. Làm sao đàm phán với một người mà họ không chấp nhận đàm phán nữa...". Do đó, "đàm phán" thông qua luật quốc tế trong trường hợp này, nhất định không giải quyết được vấn đề nghiêm trọng hiện nay. 

***
Tôi viết thư này cho anh Triết để muốn nói về sử dụng chuyên môn ngoại giao. Thời gian qua, hình như các chuyên viên cao - trung cấp, học giả, chuyên gia, đặc biệt Bộ Ngoại giao có vẻ không để tâm lắm về chuyên môn này. 

Anh thử nghĩ cách dưới đây của tôi. Nó không phải mới mẻ gì, nhưng trước hết, trong bất kỳ cuộc đấu tranh nào, nhất là trước đối phương vừa mạnh, vừa giàu, lại vừa hung bạo, cần phải giành thế chủ động và dùng mưu kế, may ra mới khống chế được cục diện. Đặc biệt văn hóa Trung Hoa thông qua nhiều tác phẩm nổi tiếng (Tam Quốc Chí, Xuân Thu Chiến Quốc, Thủy Hử v.v...) chúng ta thấy họ rất quan tâm đến mưu chước các loại, cũng như rất đắc chí khi lừa đối thủ vào tròng nhẹ nhàng mà không phải trả giá quá nhiều. Công hàm 1958 cũng là một kiểu lừa như vậy.

Trong các loại văn bản quốc tế chấp nhận, tôi chú ý đến văn bản chính thống có tên "Giác Thư". Nghĩa gốc của "Giác" có nghĩa là đánh thức, nhắc nhở phía bên kia thực hiện một việc gì đó. Chúng ta cũng thường thấy như: giác ngộ, cảnh giác, tự giác v.v... tất cả những chữ "giác" như thế đều cùng một ý nghĩa đánh thức (hoặc làm cho thức tỉnh) để hành động một việc.

Trong tuyến bố ngày 04/9/1958 của Trung Cộng, điều 1 viết rằng:

"Bề rộng lãnh hải của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc là 12 hải lý. Điều lệ này áp dụng cho toàn bộ lãnh thổ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc bao gồm phần đất Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Đài Loan (tách biệt khỏi đất liền và các hải đảo khác bờ biển cả) và các đảo phụ cận, quần đảo Penghu, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa và các đảo khác thuộc Trung Quốc"

Do đó, tôi đề nghị anh suy nghĩ những biện giải dưới đây của tôi:

1. Trong "Giác Thư", do ba anh - ông Nguyễn Tấn Dũng - ký chính thức, cần nêu rõ: 

1.1 Công hàm của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, thay mặt Chính phủ VNDCCH, phát hành dựa trên Tuyên bố của nước CHNDTH là điều không có gì bàn cãi. (Dù có muốn cãi cũng không cãi được, vì mọi việc đã phơi bày quá rõ, phải không anh Triết?).

1.2 Công hàm của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng không những công nhận các đảo có tên cụ thể, mà còn công nhận "các đảo khác" thuộc về Trung Quốc. Do đó, với tư cách là những người kế nhiệm và kế thừa, thay mặt nhà nước CHXHCNVN, chúng tôi nhận thấy, không thể hiểu cụm từ "các đảo khác" mang ý nghĩa như thế nào.

1.3 Do vậy, yêu cầu những người có trách nhiệm cao nhất của quý quốc vui lòng diễn dịch cụm từ "các đảo khác" một cách rõ ràng, nhằm để lãnh đạo của nước CHXHCNVN có căn cứ minh bạch để xem xét và nghiên cứu.

1.4 Giác Thư (này) sẽ là căn cứ để làm rõ trách nhiệm đôi bên: CHNDTH - CHXHCNVN, những quốc gia láng giềng với mối giao hảo tốt đẹp được vun đắp bấy lâu nay.

1.5 Kể từ ngày phát hành cho đến ngày... tháng... năm..., chúng tôi mong muốn nhận được phúc đáp của quý quốc [***]

1.6 Sau thời hạn nêu trên:

1.6.1 Nếu nhận được phúc đáp đúng theo yêu cầu, chúng tôi sẽ nghiên cứu và trả lời dứt khoát đến quý quốc.

1.6.2 Nếu chúng tôi không nhận được phúc đáp hoặc nhận được phúc đáp không rõ ràng, nghĩa là không có những tên gọi riêng từng đảo trong "các đảo khác" cùng tọa độ cụ thể trên biển, điều này đồng nghĩa, nước CHXHCNVN hoàn toàn phủ nhận giá trị tuyên bố của quý quốc lập ngày 04/9/1958.

1.6.3 Việc phủ nhận tuyên bố ngày 04/9/1958 của quý quốc cũng đồng nghĩa, nhà nước CHXHCNVN phủ nhận toàn bộ giá trị công hàm của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

***

Anh Triết mến!

Trong vài tuần qua, chắc anh cũng biết phía Trung Cộng "phát hành" thêm "4 không được" cùng với nó là dư luận lan truyền, Trung Cộng chống việc "kiện tụng" từ phía Việt Nam. Đó coi như là một kiểu "không được"... thứ năm, xuất phát từ bành trướng Bắc Kinh.

Anh có thấy đó là một chiêu thức "chế dầu vào lửa" không? Một cách "chế dầu" rất khôn và rất thâm? Nó làm cho dư luận VN càng dậy sóng. 

Người càng nóng giận càng mất bình tĩnh. Càng mất bình tĩnh càng không giải quyết tốt mọi việc.

Không những vậy, với dư luận cho rằng Việt Nam "không được" kiện Trung cộng, đó dường như là chiêu "tương kế tựu kế" mà tập đoàn Tập Cận Bình đang giăng bẫy. Đó là chiêu thức đắc dụng, thường hữu hiệu đối với những ai mang tính kiêu ngạo, bướng bĩnh và thích làm ngược lại để chứng tỏ chân lý thuộc về mình. Tôi cho là nhà họ Tập đắc chí nếu Việt Nam tiến hành kiện. Điều này cho thấy có vẻ ba anh càng dính sâu vào bẫy, nếu nghe theo quân sư đi kiện Trung Cộng.

Nếu thật vậy, có thể nói, sai lầm tiếp nối sai lầm cho những tư tưởng giáo điều và ngạo mạn bằng đầu óc tiểu nông. Sa đà vào kiện tụng, như con chim sa vào chiếc bẫy lồng lộng mà cứ ngỡ bay giữa trời xanh.

***

Có thể những gì tôi viết ra cho anh, một số người (tất nhiên kể cả các ông (bà) "trí thức") cho là "ấm đầu" hay "tưng tưng". Nhưng thử hỏi họ, hãy chỉ ra cho tôi những nội dung nào (trên đây) là vi phạm pháp luật (kể cả pháp luật quốc tế); là không đúng chuẩn mực trong chuyên môn ngoại giao và nó có phạm vào bạo lực không?

Phía Trung cộng không công bố rõ "các đảo khác" nghĩa là họ thua. 

Tôi thách Trung cộng nêu rõ "các đảo khác" ở đâu, tên gì, nếu họ đủ khả năng và can đảm chỉ ra đâu đó.

Anh Triết nên nhớ nhắc ba anh luôn phải giành thế chủ động và không nên tin vào những người thiếu hiểu biết (như Phạm Quý Ngọ hay Nguyễn Văn Hưởng trước đây). Cũng như cẩn trọng về tình hình nội gián, có thể đầy dẫy ngay trong nội bộ cấp cao ĐCSVN hiện nay.

Đất nước này, một ngày nào đó nếu mất đi, ngay cả những người như anh sẽ không yên thân, dù có bó tay quy hàng. Tôi tin anh hiểu rõ điều này. Cần luôn giành thế chủ động, không bao giờ chạy theo đuôi tập đoàn Tập Cận Bình hay dính bẫy "tương kế tựu kế".

Lời nhắn gởi cuối cùng: Tôi có viết 3 phần "Nguyễn Tấn Dũng có thể cứu nước" [2], hy vọng anh có đọc qua.

Hãy suy nghĩ, bởi anh là tuổi trẻ. Nữ tù nhân lương tâm Đỗ Thị Minh Hạnh cũng nói [3]: "Phải có giới trẻ. Giới trẻ là nền tảng".

Tại sao người ta ca ngợi Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản tuổi 15 mà không thể ngợi ca Nguyễn Minh Triết ở tuổi 25?


No comments:

Post a Comment