Tuesday, June 17, 2014

Ngư dân mặc thêm “áo giáp” cho tàu ra Hoàng Sa

 - 

Ngư dân mặc thêm “áo giáp” cho tàu ra Hoàng Sa
Nhiều con tàu cá được ngư dân bọc thép xung quanh, chống chọi với những va chạm mạnh trên biển, nhất là với những hành động hung hăng của tàu Trung Quốc khi đâm tàu cá ngư dân trong thời gian qua.
Trong những ngày qua, trước hành động ngang ngược của Trung Quốc khi liên tục đâm va vào tàu cá của ngư dân Việt Nam ở Hoàng Sa, nhiều ngư dân đã tự “bọc thép” cho tàu của mình, chống chọi lại những va đập trên biển.
Tại cơ sở đóng tàu Nghĩa Phú (huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) trong những ngày qua có hàng chục chủ tàu cá yêu cầu được gia cố thêm những tấm thép dày, áp vào xung quanh thân tàu.

Ngư dân đã tự “bọc thép” cho tàu của mình, chống chọi lại những va đập trên biển, nhất là với tàu Trung Quốc.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, một thợ đóng tàu tại cơ sở đóng tàu Nghĩa Phú cho biết, trong những năm trước, nhu cầu bọc sắt xung quanh tàu không được ngư dân chú trọng.
Nhưng trong thời gian qua, nhất là khi Trung Quốc liên tục có hành động đâm va vào tàu cá Việt Nam, nhiều ngư dân yêu cầu chúng tôi làm thêm khoản bọc sắt xung quanh thân tàu cho chắc chắn.
“Trung bình một tàu cá được làm thêm phần bọc sắt như vậy sẽ thêm chi phí nhiều hơn khoảng 100-150 triệu đồng so với việc đóng tàu gỗ thông thường. Tùy theo chất lượng chủng loại và độ dày của lớp bọc mà giá có thể giao động cao hơn”, ông Lâm cho biết.

Mô hình bọc thép xung quanh tàu vỏ gỗ như thế này đang được triển khai ở nhiều nơi
Theo quan sát của chúng tôi, “áo giáp” của tàu là những tấm inox nguyên chất hoặc những lá thép có độ dày từ 3-7mm, kích thước khoảng 30-80cm được đúc thành hình chữ L, áp sát vào cạnh trên của thân tàu – nơi dễ xảy ra những va chạm nhất.
Không riêng ở xã Nghĩa Phú, tại nhiều cơ sở đóng tàu khác như Mộ Đức, Bình Sơn, Đức Phổ… rất nhiều ngư dân cũng đang triển khai mô hình bọc thép xung quanh tàu vỏ gỗ như thế này.
Ngư dân Nguyễn Văn Thành, ngụ xã Bình Châu, huyện Bình Sơn cho biết, để có một tàu vỏ thép đòi hỏi ngư dân phải bỏ khoảng 5-6 tỉ đồng. Đây là chi phí rất lớn. Trong khi đó, để đầu tư tàu vỏ gỗ cùng kích thước chỉ tốn khoảng 3 tỉ đồng.
“Do đó, nhiều ngư dân như tôi, sau khi đầu tư tàu vỏ gỗ, mới sáng kiến ra hình thức bọc thép xung quanh tàu vỏ gỗ để tăng tuổi thọ tàu, đồng thời chống chọi lại với những va đập mạnh trên biển”, ông Thành nói.

Các tàu vỏ gỗ được ngư dân bọc sắt xung quanh, với chi phí khá cao
Ông Lê Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Ngãi cho biết, mô hình tàu vỏ gỗ bọc sắt được ngư dân Quảng Ngãi áp dụng từ vài năm nay. Nhất là các tàu cá công suất lớn đi các vùng biển xa.
Mô hình này đang được bà con nhân rộng nhiều nơi, đặc biệt trong điều kiện xảy ra nhiều va chạm trên biển hiện nay.

Nhiều tàu công suất lớn sau khi đóng hoàn thiện sẽ được bọc thép xung quanh
Tuy nhiên, so với tàu vỏ sắt thì đây chỉ là giải pháp tình thế trước mắt để ngư dân đảm bảo an toàn, bảo vệ tài sản và tính mạng khi hành nghề trên biển.
Từ An

No comments:

Post a Comment