Tuesday, June 17, 2014

Gần 100% đỗ tốt nghiệp, sao không bỏ thi cho nhẹ?

(Baodatviet.vn) - Sự giả dối, bệnh thành tích của giáo dục đã bộc lộ hết qua các kỳ thi. Nếu đỗ hết như thế sao không bỏ kỳ thi tốt nghiệp...
a
Kỳ thi tốt nghiệp THPT ở một hội đồng thi tại Hà Nội
Mở báo chí những ngày này, độc giả sướng như trên mây, gần 100% số học sinh trên cả nước đỗ tốt nghiệp THPT, riêng Hà Nội có 92 trường đỗ 100%. Tại sao học sinh giỏi giang thế mà Bộ Giáo dục và Đào tạo lại cứ trăn trở với việc cải cách giáo dục suốt nhiều năm nay?
Trên facebook của mình, nhà giáo Văn Như Cương- Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh viết: “Năm nay Hà Nội có 92 trường đỗ 100%, năm ngoái đâu chỉ chưa đến 30 trường, những năm trước còn ít nữa. Được cái là năm sau cao hơn năm trước, phù hợp với sự đi lên của giáo dục trong cả nước!
Tôi nhớ lại khoảng 10 năm trước, Hà Nội có duy nhất một trường đỗ 100%, đó là trường dân lập Lương Thế Vinh. Báo chí không đưa tin này, trong báo cáo tổng kết năm học của Sở cũng bỏ qua, không nhắc đến.Năm sau đó Hà Nội có 2 truờng đỗ 100%: ngoài Lương Thế Vinh còn có Hà Nội- Amstecdam.
Lần này báo chí có đưa tin và Lương Thế Vinh cũng được thơm lây.Tôi không nhớ chính xác (vì có quan trọng gì đâu!), năm sau đó có muơi trường, tiếp theo là cứ tăng dần…cho đến nay là 92 trường. May là Lương Thế Vinh năm nào cũng giữ mức cũ. Báo chí đăng hết tên các trường đó, Sở cũng nhắc đến trong tổng kết.Không biết sang năm Bộ có làm một cú như Bộ trưởng cũ đã làm là kéo tụt xuống chỉ còn 66% tốt nghiệp, có trường thậm chí 0%...Khó!!!”.
Hàng loạt tỉnh thành đã lần lượt công bố tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT năm nay, hầu hết các tỉnh đều có tỉ lệ tốt nghiệp tăng so với năm trước, trong đó có những tỉnh tăng từ 10-18% ở hệ giáo dục thường xuyên (GDTX). Nghệ An, Vĩnh Phúc, Lai Châu... là những tỉnh khu vực Bắc Trung bộ và Bắc bộ có tỉ lệ tốt nghiệp trên 99%. Lai Châu là một trong những tỉnh vùng sâu, vùng xa ở khu vực phía Bắc, chỉ có trên 2.500 thí sinh dự thi năm nay nhưng cũng là một tỉnh có tỉ lệ tốt nghiệp đứng đầu cả nước với 99,72% hệ THPT và 95,46% hệ GDTX đỗ tốt nghiệp.
Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có con số tổng kết sau cùng về kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2013-2014 này, nhưng chắc chắn, đó sẽ lại là một thắng lợi của toàn ngành, bởi nó đạt đúng yêu cầu đề ra “năm sau cao hơn năm trước”.
Nhưng với tư cách một công dân quan tâm tới giáo dục, tôi cảm thấy vô cùng băn khoăn, nếu chỉ căn cứ vào các con số “đẹp như mơ” về tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp sau 12 năm miệt mài học tập dưới mái trường, thì tại làm sao mà Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiều năm nay cứ phải trăn trở với các đề án cải cách giáo dục thế nhỉ?
Thiết tưởng chỉ khi nào con cháu chúng ta học dốt, không theo nổi chương trình, tỷ lệ thi đậu thấp lè tè, cha mẹ lo lắng đứng ngồi không yên, xã hội không có đủ nguồn nhân lực đạt chuẩn, thì Bộ lo việc học mới phải sốt sắng thế chứ?
Hãy ngược trở lại 10 năm trước, theo con số mà nhà giáo Văn Như Cương cung cấp, thì Hà Nội chỉ có duy nhất 1 trường đỗ tốt nghiệp 100%, thế mà chỉ sau một thập kỷ, con số này đã tăng lên 90 lần, thật là một bước đại nhảy vọt thần kỳ.
Còn nhớ việc mà cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã làm ở đầu năm học 2006 – 2007 khi phát động thực hiện cuộc vận động hai không: "Nói không với tiêu cực trong thi cử" và "Nói không với việc chạy theo thành tích” bắt buộc tất cả các cơ sở giáo dục trong cả nước phải làm theo. Kết quả là ngay cuối năm học, ở kỳ thi tốt nghiệp trung học: chỉ tính riêng hệ trung học phổ thông kỳ thi lần một chỉ có 67,5% đỗ tốt nghiệp (thậm chí có trường không đỗ học sinh nào).
Thế nhưng chỉ sau “cú sốc” đó, dần dần, giáo dục Việt Nam lại trở về đường ray cũ, thậm chí trong Hội nghị tổng kết năm học 2012-2013 vừa qua, một bí mật động trời bị phát giác. Đó là các lãnh đạo Sở để cho học sinh địa phương mình đậu tốt nghiệp với tỷ lệ cao hơn năm trước đã bị phê bình, khiển trách vì không tuân theo chỉ thị “khống chế trần tốt nghiệp” của Bộ.
Sự giả dối, bệnh hình thức của giáo dục đã bộc lộ hết qua các kỳ thi. Không biết đã có bao nhiêu ý kiến lên tiếng yêu cầu đòi bỏ kỳ thi tốt nghiệp, bởi nó tốn kém, hình thức như một vở diễn đã nhạt trò. Nhưng không vị có trách nhiệm nào của ngành dám bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, bởi ai cũng biết, đó là cái barie cuối cùng để ngăn giáo dục tuột dốc không phanh, vì nếu không thi thì học sinh sẽ không học nữa.
Chao ôi, nhưng thi để làm gì nếu như trên cả nước, con số đỗ tốt nghiệp bao giờ cũng tròm trèm 100%, nghĩa là chỉ chút xíu nữa là đạt đến sự hoàn hảo? Chuyện học hành thi cử ở ta cứ mãi bị trói chân trói tay trong một mớ mâu thuẫn bùng nhùng như vậy.
Tôi không tin một nền giáo dục trung thực, đào tạo ra những công dân đạt chuẩn lại không dám nhìn thẳng vào những yếu kém của mình. Tại sao kết quả kỳ sát hạch kiến thức 12 năm ở bậc học phổ thông đẹp mỹ miều như thế, mà cả nước lại phải trăn trở với việc cải cách giáo dục? Tại sao lại đã từng có những đề án cải cách giáo dục lên tới hơn 34 ngàn tỷ đồng cho việc này (cho dù lãnh đạo Bộ mới giải thích đó là do “anh em bị khớp trước Quốc hội nên nói thế)?
Chúng ta cần những gì để có một nền giáo dục “không bị khớp” trước thế giới đang ngày một phát triển tiến bộ, văn minh? Cần những gì để văn bằng của người Việt được chấp nhận ở những nước trong khu vực, chưa cần vươn tới đâu xa? Cần những gì để có một nền giáo dục đáp ứng kịp với những yêu cầu tối thiểu của cuộc sống hiện đại?
Đó là những bộ óc lớn, những vị tư lệnh ngành đủ tầm và đủ tài để vạch ra những đường hướng cho một cuộc cách mạng giáo dục. Và quan trọng hơn là người đứng đầu ấy phải đủ dũng cảm để đập đi những tượng đài giả dối, cắt bỏ những khối u trầm trọng trong cơ thể của ngành mình.
Tiếc thay, chúng ta vẫn đang chờ đợi một sự chuyển mình không biết bao giờ mới xuất hiện. Và trong lúc chờ đợi, thì đành phải dẹp bỏ nỗi buồn mà thư giãn với chuyện “dạy và học ngoại ngữ ở ta không giống ai trên thế giới”, với các chính sách phi thực tế như cộng điểm thi cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng hay con của người hoạt động cách mạng tiền khởi nghĩa, với những hội đồng thi chỉ có duy nhất một thí sinh.
Cứ thỉnh thoảng lại tòi ra một chính sách, một hiện tượng, một đúc kết như thế, đến dân còn “bị khớp” nữa là các vị đầu ngành của Bộ Giáo dục.
  • Mi An

No comments:

Post a Comment