ĐĂNG BỞI  - 
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, dù chỉ có một tuyến TP.HCM - Vũng Tàu nhưng những năm gần đây, trung bình mỗi năm tàu cánh ngầm (TCN) chuyên chở hơn 900.000 lượt hành khách.
Tuy nhiên, đảm nhận vai trò vận chuyển lại là những TCN đã quá già cỗi. Đó cũng là lý do TCN liên tục gây tai nạn.
Gỉ sét, chắp vá và già cỗi
Vụ cháy TCN Vina Express trên sông Sài Gòn (đoạn chảy qua P.Tân Thuận Đông, Q.7) chiều 20/1 không còn là một vụ tai nạn hy hữu. Theo thống kê của Sở GTVT TP, chỉ tính riêng năm 2013, TCN đã có đến 14 vụ tai nạn, sự cố.
Cũng như những vụ trước, vụ tai nạn lần này cho thấy cả chất lượng TCN lẫn công tác quản lý an toàn đi lại của hành khách hiện nay rất kém. Khi tàu cháy, hành khách mới quờ quạng tìm áo phao.
Nhiều người không kịp mặc áo, không biết bơi nhưng cũng phải liều nhảy khỏi tàu. Rất may vụ tai nạn xảy ra gần bờ nên không có thương vong. Hầu hết hành khách được đưa lên bờ đều hoảng hốt: “Nếu tai nạn xảy ra giữa biển, chắc đã chết hết”.

Ngày 21/1, trong vai hành khách, chúng tôi lên chuyến TCN Vina Express 8 đi TP.HCM - Vũng Tàu. Nội thất bên trong tàu được trang bị khá mới, nhưng quan sát kỹ bên ngoài, có thể dễ dàng nhận ra những chỗ chắp vá trên thân tàu.
Tàu được trang bị rất nhiều áo phao nhưng suốt chuyến đi chẳng ai mặc. Theo tìm hiểu của chúng tôi, con tàu này được đóng cách nay hơn 20 năm, tàu hai máy, sức chở tối đa 132 người, khoảng năm 2005 đã được nâng cấp lại.
Tương tự, trên con tàu Greenlines 123N SG-4774 đi hành trình ngược lại, hành khách cũng chẳng ai mặc áo phao. Toàn bộ áo phao trên tàu được chất trên kệ cao và trong một góc tủ của tàu, được che chắn khá kín.
Chất lượng con tàu cũng không khá hơn. Nhiều chỗ kính bị vỡ, một số vị trí trên thân tàu gỉ sét, bong sứt. Tàu này cũng được đóng đã gần 20 năm, hai máy, sức chở khoảng 123 người. Năm 2011, tàu đã được tân trang lại bằng cách thay máy chính.
Bao giờ được “trẻ” hóa?
Theo Sở GTVT TP.HCM, hiện TP.HCM có ba đơn vị tham gia khai thác dịch vụ vận tải TCN gồm: Công ty cổ phần (CT CP) Dòng Sông Xanh (Greenlines Express), CT CP tàu tốc hành Vina (Vina Express) và CT TNHH vận tải Quang Hưng (Petro Express) với tổng cộng 14 phương tiện có sức chở từ 71 đến 132 hành khách.
Tuyến vận tải hành khách đường thủy TCN TP.HCM - Vũng Tàu nằm ngay trên luồng hàng hải có chiều dài 77km nên tồn tại nhiều nguy hiểm.
Thế nhưng, phần lớn TCN hiện nay đều đã quá cũ kỹ vì không có quy định niên hạn sử dụng. Điển hình, chiếc tàu bị cháy ngày 20/1 (Vina Express 1) được đóng khoảng năm 1994, năm 2005 được thay máy chính. Khoảng bảy năm gần đây, tuyến TP.HCM - Vũng Tàu đã xảy ra khoảng 35 vụ tai nạn, sự cố do TCN gây ra làm hai người chết. Có nhiều nguyên nhân gây ra như: tự động chết máy, sóng đánh vỡ kính, bể ống dầu…
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện việc đảm bảo an toàn đối với TCN chỉ căn cứ vào việc đăng kiểm. Theo đó, cứ đến hạn đăng kiểm, các CT phải đưa phương tiện đến kiểm tra chất lượng.
Nếu tàu đạt chất lượng theo quy định, sẽ được đơn vị đăng kiểm cấp giấy chứng nhận và đưa vào hoạt động. Phương tiện nào kiểm định nhiều lần mà vẫn không đạt chất lượng thì đơn vị đó tự loại thải. Riêng quy định về niên hạn là không có.
Một cán bộ cơ quan đăng kiểm cho biết, việc thiếu quy định này khiến các TCN hiện nay hầu hết đều là tàu chắp vá, hư đến đâu, chủ tàu sửa đến đó. Nhiều tàu máy đã thuộc hàng “bán ve chai” nhưng xác tàu vẫn được chủ tàu giữ lại, mua máy mới lắp vào chạy tiếp.
Trước những bất cập trên, Sở GTVT TP.HCM đã kiến nghị rút ngắn thời gian giữa hai lần đăng kiểm; không cho phép nhập khẩu đối với phương tiện đã qua sử dụng trên 10 năm, không cho phép tàu một động cơ hoạt động…
Vừa qua, Bộ GTVT đã chấp thuận rút ngắn thời gian giữa hai lần đăng kiểm từ một năm xuống còn sáu tháng, đồng thời tổ chức kiểm tra những TCN một máy đạt yêu cầu mới cho hoạt động. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có quy định niên hạn sử dụng đối với TCN.
Theo PNO