Wednesday, January 22, 2014

Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”!

Chiều 20-1, suýt nữa TP.HCM mắc tai họa! Vụ tàu cánh ngầm số hiệu SG.3837 của Hãng Vina Express chở 92 người bị bốc cháy dữ dội trên sông Sài Gòn không chỉ làm hành khách hoảng loạn, mà cả người trên bờ cũng đứng tim.
Nếu chỉ thêm ít phút hành trình, tàu bốc cháy trên biển, hậu quả chắc chắn vô cùng khủng khiếp. Thật may mắn là chữ “nếu” đã không xảy ra!
Hồi đầu tháng 8-2013, trên cùng tuyến đường biển này, vụ tai nạn chìm canô gây ra cái chết tức tưởi cho chín người ở Cần Giờ vẫn còn ám ảnh người dân. Giờ lại xảy ra vụ cháy tàu kinh hoàng này. Nó như giọt nước làm tràn ly nỗi sợ hãi với ai phải ngồi trên những con tàu tử thần. Không thể điểm chính xác lại hết bao nhiêu sự cố suýt chết đã xảy ra. Ngày 26-7-2013, một chiếc tàu cánh ngầm của Hãng Greenlines chở gần 100 hành khách từ Vũng Tàu về TP.HCM đã bất ngờ chết máy, trôi tự do ở đoạn sông rộng Lòng Tàu. Do mất điều khiển, tàu đâm thẳng vào cọc tiêu, nước tràn vào khiến hành khách hoảng loạn. May mà tai nạn kịp dừng ở “suýt chết”. Sau gần một giờ tàu phục hồi được máy, về đến nơi với những gương mặt chưa hết xanh mét vì sợ hãi.
Trước đó không lâu, cũng những tàu cánh ngầm này đã tự gây tai nạn làm tám người phải nhập viện. Tai nạn xảy ra khi chiếc tàu của Hãng Greenlines từ TP.HCM đi Vũng Tàu đến đoạn sông quận 7 bất ngờ đụng tàu của Hãng Petro Express đang chở khách chiều ngược lại. Suýt chết!... Tuy nhiên, đây cũng chỉ là tạm liệt kê vài tai nạn nổi cộm. Còn bao vụ suýt chết khác mà chính người viết bài này cũng từng là nạn nhân với nước tràn vào tàu ngập đẫm cả chân, sóng đập tan cửa kính.
Khi các tuyến tàu cánh ngầm thiết lập, người dân vui mừng vì hành trình rút ngắn, việc vận chuyển cũng có vẻ nhẹ nhàng, thú vị hơn. Nhưng tâm lý này nhanh chóng bị thực tế bất an nhấn... chìm lỉm. Đặc biệt, không chỉ tuyến nóng TP.HCM - Vũng Tàu, mà cả hải trình đi các đảo như Lý Sơn, Phú Quý, Phú Quốc cũng chưa thể làm dân an lòng phó thác sinh mạng mình. Mới đầu tháng 1 này, chiếc tàu cao tốc Savanna tuyến Phan Thiết - Phú Quý bị chìm hi hữu cũng làm hành khách tuyến này tái mặt. Tàu đang neo cách bờ 1,5 hải lý với thuyền viên bảo vệ mà cũng bị sóng nhấn chìm. Nếu tàu đang chở nặng hành khách, hàng hóa hải hành trên tuyến biển xa này thì không biết hậu quả đến thế nào! Người viết bài này trên các nẻo công tác cũng từng nhiều lần thót tim với những chuyến vượt biển đầy bất an. Hiểm họa rình rập cứ lặp đi lặp lại với những chuyến tàu “lạc xoong”, nhét đầy hành khách, chở khẳm hàng hóa chao đảo hết hành trình mới biết mình còn sống.
Năm 2013, Cục Cảnh sát đường thủy thống kê cả nước xảy ra 90 vụ tai nạn giao thông đường thủy, làm chết 84 người, bị thương 10 người, chìm 96 phương tiện giao thông. Và công cụ Google chỉ trong 0,35 giây đã cho 3.670.000 kết quả với từ khóa “tai nạn chìm tàu” để tìm kiếm.
VN là đất nước của sông rạch, đại dương trải dài lãnh thổ. Biết bao tai nạn đường thủy thảm khốc đã xảy ra trên khắp địa phương. Nguyên nhân hội đủ yếu tố liều lĩnh, bất chấp pháp luật của người chủ phương tiện lẫn sự lơ là, không làm tròn trách nhiệm của cơ quan quản lý. Ông bà ta có câu nói “đừng để mất bò mới lo làm chuồng” rất sâu sắc. Đừng để thảm họa xảy ra mới giật mình than trách, điều tra này nọ trong sự muộn màng!
QUỐC VIỆT

No comments:

Post a Comment