ĐĂNG BỞI  - 
Trong thời gian gần đây, Bộ trưởng Bộ Y Tế, Nguyễn Thị Kim Tiến đã có rất nhiều những phát ngôn nhận được sự ủng hộ từ dư luận.
Giám đốc BV học tiến sĩ làm gì?
Ngày 20.1, theo tường thuật của báo Pháp luật TP.HCM, bà Tiến phân tích, ở nhiều nước trên thế giới, cán bộ quản lý y tế không phải là bác sĩ, tuy nhiên ở Việt Nam thì lãnh đạo bệnh viện hay lãnh đạo Sở Y tế phải là bác sĩ, tuy nhiên không cần phải học hàm, học vị cao.
“Giám đốc bệnh viện đi học làm luận án tiến sĩ để làm gì? Người làm quản lý phải khác, giám đốc phải giỏi quản lý hành chính, quản lý nhân sự, tiền nong, quản lý hạ tầng, biết cách đoàn kết anh em trong bệnh viện, biết cách điều hành bệnh viện” - bà Tiến nói.
Theo bà Tiến thì lãnh đạo bệnh viện cũng như lãnh đạo Sở Y tế không nhất thiết là tiến sĩ hay giáo sư. “Những người giỏi, giáo sư, tiến sĩ đi làm hết công tác quản lý còn thời giờ đâu cho công tác chuyên môn. Giáo sư - tiến sĩ thì nên làm công tác chuyên môn đi chữa bệnh, giảng dạy, nghiên cứu, có như vậy mới tận dụng được trí tuệ của người giỏi” - bà Tiến nhấn mạnh.
Quan điểm của bà Tiến nhận được nhiều sự ủng hộ của độc giả, bạn có tên Nguyễn Sỹ Hiến chia sẻ: "Tôi rất tán thành chủ trương của Bộ trưởng Tiến. Bệnh viện cần bác sỹ chuyên khoa cấp I, II chứ không cần nhiều Tiến sỹ. Hiện nay có nhiều phòng khám có thạc sỹ mới 24, 25 tuổi, ra trường không có việc làm, cho nên học nên cao để kiếm việc. Chính vì vậy mà khám và chữa bệnh không đạt hiệu quả".
Anh Hiếu còn lấy ví dụ cụ thể: "Con trai tôi 15 tuổi bị viêm mũi mà hết bệnh viên này, phòng khám nọ ở trung tâm Thủ đô mà chả thạc sỹ, tiến sỹ nào chữa được. Thiết nghĩ công tác đào tạo chuyên sâu là quan trọng đối với bác sỹ chuyên khoa".
Bên cạnh đó, độc giả An Linh cũng đồng tình: "Bộ trưởng nói quá đúng. Đề nghị bác sỹ chỉ hành nghề bác sỹ, không hành nghề quản lý, vừa phí bác sỹ, vừa không làm tốt công việc. Hãy cố gắng để bác sỹ tự hào mình là bác sỹ giỏi, sống bằng nghề của mình, chứ leo lên chức trưởng khoa, giám đốc bệnh viện làm gì".
Nhiều độc giả cùng chung quan điểm đã là người quản lý, lãnh đạo thì phải giỏi về quản lý, lãnh đạo, không cần phải bằng cấp nhiều về chuyên môn. Thực trạng hiện nay nhiều nơi đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, chuyên khoa chỉ là bổ sung bằng cấp để làm lãnh đạo thôi. 
Độc giả Dinh Thanh cho hay: "Ngành y tế nên tiên phong thực hiện trước, để chúng ta tân dụng được năng lực thực có để nâng cao chất lượng điều trị, phục vụ nhân dân tốt hơn. Nhưng nhìn rộng ra không chỉ ở lĩnh vực Y tế đâu. Chuẩn hoá cán bộ, tạo mác, làm đẹp hồ sơ là động cơ để nhiều tổ chức gửi đi, người học thì thấy quá dễ nên cứ thế mà học. Đào tạo ở nước ta loạn cào cào và quá dễ giải có hệ thống".
Những lời nói thật của Bộ trưởng Tiến
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có rất nhiều lời gan ruột khi ngành y tế đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, trong khi tình trạng bệnh nhân ngày càng tăng nhanh.
Tại phiên giải trình Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội chiều 17/4/2013, Bộ trưởng Tiến cho hay có đến 60% bệnh nhân điều trị tại bệnh viện tuyến trên mắc các loại bệnh nhẹ, có thể khám chữa bệnh tại bệnh viện tuyến cơ sở. Trong khi tuyến trung ương thì “đến thăm là thấy khổ tâm, bệnh viện như trại tị nạn”. 
Theo bà Tiến, cùng gói dịch vụ như ở Việt Nam, người dân các nước phải chi 80-120 USD cho thẻ bảo hiểm y tế, trong khi VN chỉ phải chi 30 USD. Mệnh giá thẻ thấp, viện phí không cho tăng (năm 2012 đã tăng nhưng mới tính 4/7 cấu thành của viện phí), nên bảo hiểm phải đặt trần khám chữa bệnh.
Tuy nhiên theo các đại biểu Quốc hội, vấn đề là tuyến tỉnh, tuyến huyện “trần” chi phí rất thấp, trong khi trung ương hầu như không có trần, khiến bệnh nhân chuyển tuyến thì tuyến dưới bội chi và tuyến dưới phải gây khó khăn cho bệnh nhân chuyển tuyến.
Tính đến hết năm 2012, đã có trên 66% dân số có bảo hiểm y tế, nhưng theo bà Tiến, gần 34% còn lại là bức tường đá, người tham gia bảo hiểm y tế diện tự nguyện, có bệnh mới tham gia. Thế nhưng tuyến xã quá nhiều thủ tục rườm rà khiến người dân thà nộp tiền cho xong hơn là khám bảo hiểm, dẫn đến việc vận động nhóm tự nguyện tham gia bảo hiểm y tế rất khó khăn, cho thấy chặng đường tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân còn rất dài.
Trước đó, liên quan đến vụ việc 3 trẻ sơ sinh tại Quảng Trị tử vong ngày 20/7 sau khi tiêm vắc xin viêm gan B, cùng thời gian đó, ngày 21/7, Bộ trưởng Tiến có chuyến công tác tại tỉnh Quảng Trị để tham dự lễ khởi công xây dựng nhà tháp chuông tại huyện Gio Linh...
Tại đây, khi phóng viên đề nghị Bộ trưởng phát ngôn về việc 3 trẻ sơ sinh tử vong sau tiêm vắc xin viêm gan B, bà đã từ chối trả lời với lý do “đã có đoàn công tác của Bộ Y tế nắm bắt thông tin và trả lời báo chí”.
Nữ Bộ trưởng còn khẳng định: “Sẽ không có bao che, mà công khai, minh bạch nguyên nhân. Trách nhiệm của ai sẽ xử lý người đó. Lỗi của vắc xin thì xử vắc xin; lỗi do người tiêm, xử người tiêm; lỗi do kỹ thuật xử lý kỹ thuật”.
Nhiều người khen Bộ trưởng thật thà nhưng lại hoang mang “lỗi của vắc xin thì xử vắc xin”… Vậy, làm thế nào “xử” được vắc xin?
Ngày 27/5, bên hành lang phiên họp Quốc hội, Bộ trưởng Kim Tiến đã trả lời báo chí về vấn đề giảm tải bệnh viện, đầu tư cho ngành y tế…
Liên quan đến tình trạng quá tải bệnh viện kéo dài nhiều năm nhưng việc khắc phục vẫn diễn ra rất chậm, 3-4 bệnh nhân vẫn phải nằm ghép giường, phóng viên có đặt vấn đề, Bộ Y tế đưa ra thời điểm cụ thể giải quyết vấn đề này.
Bộ trưởng Tiến đã không ngần ngại trả lời rằng: “Câu hỏi này cũng phải dành cho Nhà nước vì Bộ Y tế không thể xây nhà được và cũng không có tiền làm nhà, xây bệnh viện hay mua trang thiết bị.
Một vấn đề khác cũng gây nhức nhối là về nhân lực, Bà Tiến cũng thừa nhận: “Nhân lực y tế còn thiếu ở tất cả các tuyến nhất là các tuyến y tế cơ sở, chính sách còn nhiều bất cập”.
Trong khi đó, từ đầu năm 2013, ngành y tế đã gặp nhiều khó khăn, các bệnh truyền nhiễm bùng phát, diễn biến phức tạp.
Chia sẻ này thật khác với những gì mà vị đầu ngành y trả lời phỏng vấn trước đó rằng về số lượng nhân lực y tế, số lượng bác sĩ ra trường hàng năm hiện nay tăng lên rõ rệt (năm 2013 là khoảng 6.000 bác sĩ).
Cho đến nay, những chia sẻ của Bộ trưởng Tiến đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ của bạn đọc, phải chăng đây là những lời gan ruột nên dành được thiện cảm?
Theo DVO