Run sợ khi đến bệnh viện
Tôi là người tỉnh lẻ, từng đến chữa bệnh ở Bệnh viện Da
liễu TP.HCM, Bệnh viện Hòa Hảo, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình
TP.HCM. Thú thật tôi rất sợ mỗi khi bước vào cổng bệnh viện vì “cò” kè,
giang hồ vây bủa. Nhiều lần tôi vào khám bệnh nhưng phải nói là vào thăm
bệnh nhân, hoặc giả làm người câm điếc mà tuôn ào vào, vì nếu nói vào
khám bệnh và bước vào cổng bệnh viện thì đố mà yên thân. Người dân chúng
tôi từ tỉnh lẻ thiết tha mong lãnh đạo bệnh viện và các cơ quan chức
năng có biện pháp để chúng tôi được bình yên đi khám bệnh, không phải
run sợ khi bước vào cổng bệnh viện.
HÀ MINH
Ai giúp bệnh nhân?
Bệnh viện bó tay, công an khó xử, thế còn ai giúp bệnh
nhân đây? Chẳng lẽ phải chờ chủ tịch UBND TP và giám đốc Sở Y tế xuống
trực tiếp ứng cứu? Tại sao những cái ác lộng hành ban ngày ban mặt như
thế tồn tại một thời gian dài mà ban giám đốc bệnh viện và chính quyền
địa phương cũng chịu thua? Hay là có vấn đề khác ở đây?
LÝ TÀI
Côn đồ không mạnh
Nếu bệnh viện “nói không” với bọn côn đồ, côn đồ làm gì
lộng hành được? Tôi thấy bà bán bánh mì trên đường Điện Biên Phủ
(TP.HCM), lúc đông khách khi thấy khách hàng chen lấn không theo lượt,
bà liếc nhìn nửa con mắt, ra hiệu người kế tiếp tiến lên mua hàng, rất
công bằng với mọi người. Tôi nói cực đoan quá không? Tôi từng đi khám ở
bệnh viện rất đông người xếp hàng. Côn đồ cho người nhảy vào hàng giành
chỗ. Tôi đuổi ra vì tôi đang rất cần lấy số để khám bệnh điều trị cho
chồng tôi nhưng họ cứ chen vào. Tôi than phiền với bảo vệ thì bảo vệ nói
việc nhiều không xuể. Sau đó tôi lại thấy bảo vệ uống cà phê đá do côn
đồ mua. Người ta dẹp bỏ ý thức giữ trật tự, công bằng chỉ vì một ly cà
phê? Vậy nên những người nhà quê muốn cho xong việc mà đi về, vì đi xe
đò tốn tiền, ở lại thì ở đâu, chỉ còn cách phục tùng côn đồ để có số thứ
tự sớm. Một tay côn đồ gạ bán số, tôi nói không có tiền mua, kệ tôi.
Tôi nghĩ vụ côn đồ lộng hành này không phải côn đồ mạnh mà chỉ vì bệnh
viện yếu mà thôi.
NGUYỄN THỊ GÁI
Phải xử nghiêm
Là người dân TP.HCM, tôi thật sự bức xúc khi cảnh chèo
kéo, giành giật kiểu xã hội đen này vẫn còn và có chiều hướng ngày càng
xấu xí hơn. Tôi nghĩ ở đây có trách nhiệm của công an địa phương. Nếu
công an mà còn nói “khó” thì chúng tôi biết tin vào ai để bảo vệ mình
đây? Tôi đang rất trông chờ vào lời nói của một vị lãnh đạo nào đó cứng
rắn và quyết liệt hơn kiểu như: “Nếu công an phường khó xử thì tôi sẽ xử
anh trước”, y như cách chỉ một vụ trộm máy ATM không được xử lý đến nơi
đến chốn mà một phó công an phường ở Hà Nội bị xử lý nóng. Chỉ có như
vậy mới đẩy lùi được nạn cò mồi, trấn lột ở các bệnh viện.
LÝ QUỐC CƯỜNG
* Ông Trần Văn Hùng (phó phòng hành chính Bệnh viện đại học Y dược TP.HCM):
Chưa có quy định xử phạt
Để ngăn chặn “cò” lừa gạt người bệnh, Bệnh viện Đại học
Y dược TP.HCM luôn có đội ngũ tình nguyện viên là các sinh viên ở các
trường đại học tới để hướng dẫn quy trình khám bệnh cho bệnh nhân. Ngoài
ra, trong quá trình bốc số khám bệnh, người dân sẽ được các bảo vệ,
nhân viên bệnh viện đứng xen kẽ để sắp xếp vị trí, đồng thời sẽ kịp thời
ngăn chặn được các đối tượng bên ngoài lợi dụng sơ hở lừa gạt người
dân. Nếu phát hiện nghi vấn “cò” xuất hiện, đội ngũ này sẽ nhanh chóng
theo dõi để kiểm tra. Bên cạnh đó, trong quá trình xếp hàng, bệnh viện
cũng phát loa cảnh báo cho người dân về việc tránh nghe lời “cò”, giữ
gìn cẩn thận tài sản mang bên người.
Dù vậy, nhiều lúc “cò” vẫn cứ xuất hiện và ngày càng
tinh vi. Cụ thể, “cò” còn thuê cả người ngoài vào xếp hàng lấy số để
tránh sự phát hiện của bệnh viện. Tuy nhiên khi thấy “cò”, nhân viên sẽ
không phát số thứ tự, mặc dù trường hợp này các đối tượng “cò” sẽ giãy
nảy, chửi bới, thậm chí đe dọa cả nhân viên bệnh viện.
Bệnh viện đã phối hợp với Công an Q.5 theo dõi và truy
quét “cò”. Đầu năm 2013, lực lượng công an đã bắt được 22 “cò” bệnh
viện, vài tháng sau đó tiếp tục mời thêm nhiều đối tượng khác lên làm
việc. Tuy nhiên, “cò” vẫn tiếp tục hoạt động là do quy định xử phạt “cò”
chưa có nên khi được thả “cò” lại hành nghề.
L.TH.HÀ - Đ.PHÚ ghi
No comments:
Post a Comment