Larry Ong 5 Tháng Mười Hai , 2014
Tòa án tối cao của Hồng Kông đã ban hành lệnh giải tỏa khu vực chính của người biểu tình Chiếm Trung Tâm vào hôm 1/12, sau đêm xảy ra cuộc đụng độ bạo lực giữa cảnh sát với người biểu tình ủng hộ dân chủ.
Lệnh cấm của Tòa án được đưa ra sau khi các các công ty Trách nhiệm Hữu hạn xe buýt Tốc hành Trung Quốc gửi đơn kiện chống lại người biểu tình chiếm đường Harcourt, Trung tâm Connaught và hầu hết đường Cotton Tree Drive tại quận Admiralty, Hồng Kông.
Sau buổi điều trần vào ngày 11 và 17/11, Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao Thomas Au đã thông qua đơn khiếu nại của các nguyên đơn tố cáo những người biểu tình chiếm đóng các tuyến đường trong hơn hai tháng qua làm rối loạn trật tự công cộng và phê duyệt lệnh cấm tạm thời vào ngày 1/12.
Điều đáng nói ở đây, quyết định mới của tòa án được ban hành đúng với thời điểm vừa diễn ra cuộc đụng độ giữa cảnh sát với người biểu tình bên ngoài trụ sở Chính phủ ở Admiralty vào đêm hôm trước.
Vào khoảng 9 giờ tối (theo giờ Hồng Kông) hôm 30/11, các lãnh đạo của Liên đoàn Sinh viên Hồng Kông (HKFS) đã kêu gọi người biểu tình tập trung tại các địa điểm biểu tình ở quận Admiralty, bao vây tòa nhà Chính phủ để ngăn Trưởng Đặc khu là ông Lương Chấn Anh và các viên chức đến làm việc vào buổi sáng hôm sau. Hàng nghìn người đã tràn xuống và chiếm đóng đường Lung Wo, con đường chính bị chiếm đóng gần hai tháng qua.
Cảnh sát nhanh chóng được điều đến để gây áp lực và bắt giữ người biểu tình, khiến cuộc chiếm đóng tiến thoái nhiều lần. Đường Lung Wo được giải tỏa vào khoảng 02:30 sáng, nhưng bị người biểu tình chiếm lại vào lúc 3:30 giờ sáng, lại bị giải tỏa vào 07:30 sáng, sau khi số lượng lớn cảnh sát dồn ép người biểu tình trở lại khu trại chính của họ trên đường Harcourt.
Tất cả các biểu ngữ treo trên cầu bắc qua trụ sở Chính phủ ở Trung tâm Admiralty sẽ bị gỡ bỏ.
9:25 – 01 tháng 12 2014
Theo một tuyên bố của cảnh sát, 40 người đã bị bắt và ít nhất 40 người bị thương, 17 người trong số đó là các sĩ quan cảnh sát.
HKFS thừa nhận, họ đã không thành công trong nỗ lực nhằm tăng cường các cuộc biểu tình khi đánh mất các địa điểm biểu tình chính ở quận Mong Kok trong thời gian gần đây, cũng như việc ủng hộ của cộng đồng giảm xuống đối với việc tiếp tục chiếm đóng.
“Hành động này nhằm mục đích làm tê liệt hoạt động của Chính phủ”, AP dẫn lời Tổng thư ký HKFS Alex Chow. “Chính phủ đã phải ngừng hoạt động… Chúng tôi tin rằng cần phải tập trung gây áp lực lên trụ sở của Chính phủ, biểu tượng quyền lực của Hồng Kông”.
Tuy nhiên, Chow cũng lưu ý “kế hoạch này đã hoàn toàn thất bại, vì ngay cả những nơi đã chiếm đóng được đã ngay lập tức bị cảnh sát giải tỏa”, theo Reuters.
Sau đêm đó, HKFS và các lãnh đạo sinh viên của nhóm Scholarism đã xin lỗi đám đông ở Admiralty vì kế hoạch tùy tiện của họ. Joshua Wong cũng tuyên bố anh và hai thành viên nữ khác sẽ bắt đầu tuyệt thực cho tới khi Chính phủ đàm phán với những người biểu tình đòi cải cách dân chủ ở Hồng Kông.
Những người biểu tình đã hoài nghi về kết quả kế hoạch này vì cho rằng, cuộc chiếm đóng của họ đã diễn ra hơn 60 ngày qua song chính phủ vẫn kiên quyết từ chối tham gia vào cuộc đối thoại với sinh viên.
Gia tăng áp lực
Cùng lúc, Chính phủ Hồng Kông nắm lấy cơ hội để gia tăng áp lực lên những người biểu tình đang xuống tinh thần.
Sau khi Tòa án tối cao ban hành lệnh cấm, trong cuộc họp báo, Trưởng Đặc khu là ông Lương Chấn Anh đã ám chỉ cảnh sát cần có hành động mạnh mẽ hơn nữa. Ông nói:
“Trước đó tôi đã nhấn mạnh rằng, việc Chiếm Trung Tâm là hành động bất hợp pháp nhưng nó không có tác dụng. Bây giờ [công chúng] càng yêu cầu cảnh sát cần phải giải tỏa mặt bằng”.
“Từ bây giờ, cảnh sát sẽ thực thi luật pháp mà không cần phải do dự. Một số người đã hiểu nhầm việc nhẫn nại của cảnh sát là sự yếu đuối”.
Chính phủ cũng tái khẳng định mong muốn tham gia vào các kế hoạch của Bắc Kinh nhằm đạt được cải cách dân chủ cho Hương Cảng.
Trong một thông cáo báo chí, Chính phủ nhấn mạnh rằng “cải cách hiến pháp phải được hướng dẫn bởi các luật cơ bản và các quyết định của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc”.
Chính phủ của ông Lương cũng bác bỏ lời kêu gọi nền dân chủ hoàn thiện hơn của sinh viên, cho rằng đó là việc “xây lâu đài trên cát” và tuyên bố, yêu cầu của họ đơn thuần chỉ làm “trì hoãn sự phát triển của hiến pháp và nền dân chủ của Hồng Kông”.
Bắt đầu từ cuối tháng 9, sinh viên đã baixk hóa biểu tình yêu cầu phổ thông đầu phiếu thực sự trong cuộc bầu cử chọn Trưởng Đặc khu vào năm 2017. Ngay sau đó, chính quyền Trung Quốc từ chối và đưa ra tuyên bố, các ứng cử viên phải được chọn lựa thông qua một ủy ban thân Bắc Kinh và người dân Hồng Kông có chỉ được chọn lựa trong số ít các đại biểu nói trên.
No comments:
Post a Comment