Friday, December 5, 2014

Mỹ như tuyên bố "Chiến tranh Lạnh" lần hai với Nga

(Baodatviet) - Dự luật số H.Res. 758 mà Hạ viện Mỹ vừa thông qua không khác gì một lời tuyên bố bắt đầu cuộc chiến tranh lạnh lần thứ hai với nước Nga

Dự luật H.Res. 758
Ngày 4/12, Hạ viện Mỹ thông qua Dự luật số H.Res. 758, cáo buộc Nga “gây hấn chính trị, kinh tế và quân sự, vi phạm chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ” với Ukraine, Gruzia và Moldova; vi phạm luật pháp quốc tế, với tỉ lệ phiếu 411/10.
“Mỹ, châu Âu và các đồng minh của chúng ta phải tạo một áp lực mạnh mạnh mẽ lên Tổng thống Putin để ông ta thay đổi cách hành xử”, hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Adam Kinzinger - người bảo trợ nghị quyết cho biết.
Dự luật kêu gọi Nga ngừng hỗ trợ lực lượng dân quân địa phương ở miền đông Ukraine và hủy bỏ quyết định sáp nhập Crimea vào Nga; yêu cầu Moscow rút binh sĩ được Mỹ cho là “đang hiện diện” tại Ukraine, Gruzia và Moldova .
Quốc hội Mỹ cũng yêu cầu tổng thống Obama viện trợ thêm vũ khí và huấn luyện cho quân đội Ukraine, trong bối cảnh chính quyền Kiev “rõ là rất cần hỗ trợ quân sự khẩn cấp”, hạ nghị sĩ Ileana Ros-Lehtinen nói với tạp chí The Hill.
Hạ viện Mỹ thống nhất thông qua Dự luật H.Res. 758
Hạ viện Mỹ thống nhất thông qua Dự luật H.Res. 758
Lời tuyên bố Chiến tranh Lạnh
Cựu nghị sĩ đảng Cộng hòa Dennis Kucinich bình luận, Dự luật trên chẳng khác gì “Tuyên bố Chiến tranh Lạnh” chống lại nước Nga; với việc “kể lể” cả một tràng dài những “trách móc cả mới và cũ” nhằm kết tội Moscow.
Nhìn nhận việc Dự luật yêu cầu cần phải cô lập Nga hơn nữa, “kêu gọi Tổng thống Obama tham vấn Quốc hội xem xét lại bố trí lực lượng, khả năng sẵn sàng chiến đấu cũng như trách nhiệm của lực lượng vũ trang Hoa Kỳ cùng lực lượng các nước thành viên NATO…”, ông Kucinic coi đó là thông điệp “sẵn sàng chiến tranh với Nga”.
Cựu nghị sĩ đảng Cộng hòa nhận định, quan hệ nguội lạnh Nga – Mỹ thời gian qua sẽ tiếp tục xấu đi sau việc Hạ viện Mỹ thông qua Dự luật H.Res.758.
“Mở rộng NATO, hậu thuẫn đảo chính ở Ukraine thông qua việc sử dụng thỏa thuận hội nhập châu Âu để đưa NATO tiến vào Ukraine sát biên giới Nga… đó là tất cả những chính sách của Mỹ nhằm thay thế cho công cụ ngoại giao”, ông Kucinich nói.
Trong khi đó, Dự luật H.Res.758 được Hạ viện Mỹ thông qua chỉ ít giờ sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc bản Thông điệp Liên bang 2014 trước lưỡng viện Quốc hội, chỉ trích chính phương Tây thực thi chính sách “ngăn chặn” chống Nga.
Hơn 1.000 người đã được mời tới nghe Thông điệp Liên bang của Tổng thống Putin.
Hơn 1.000 người đã được mời tới nghe Thông điệp Liên bang của Tổng thống Putin.
“Các chính sách trừng phạt không phải mới được tạo ra ngày hôm qua. Nó đã luôn được tiến hành đối với đất nước của chúng ta, trong nhiều thập niên, nếu không muốn nói là nhiều thế kỷ. Mỗi khi ai đó coi Nga đang trở nên quá hùng cường và độc lập, các chính sách đó lộ diện ngay tức thời”, ông Putin nhấn mạnh.
Tuy nhiên, dù chỉ trích những chính sách của phương Tây, đồng thời nhấn mạnh chính sách của Nga với Ukraine và bán đảo Crimea là không thể thay đổi, ông Putin vẫn khẳng định Nga sẵn sàng đối thoại và tiếp nhận mọi sự hợp tác với châu Âu và Mỹ.
"Nước Nga không chọn con đường bị cô lập, và sẽ tiếp tục hợp tác với Mỹ cùng châu Âu, bất chấp cuộc khủng hoảng Ukraine. Mục tiêu là loại bỏ các rào chắn chứ không phải là dựng chúng lên" - Tổng thống Nga nói trong Thông điệp Liên bang.
Có thể thấy Nga vẫn đang để ngỏ cánh cửa bình thường hóa quan hệ với phương Tây. Nhưng với Dự luật H.Res.758 vừa được thông qua, mọi nỗ lực cứu vãn mối quan hệ hai quốc gia này đã chấm dứt.
Đỗ Phong (Tổng hợp)

No comments:

Post a Comment