Friday, December 5, 2014

Cuộc chiến giá dầu: Mỹ hại Nga hay OPEC hại Mỹ?

cuoc chien gia dau

Cuộc chiến giá dầu đang rất quyết liệt. Bề ngoài có vẻ OPEC hưởng ứng Mỹ ghìm giá dầu để hại Nga nhưng đây cũng có thể là toan tính để OPEC hại Mỹ. Kẻ thắng người thua sẽ rất khó lường trong cuộc chiến khốc liệt này.
Hẳn những nhà làm phim Hoa Kỳ, khi sản xuất bộ phim nổi tiếng đã đạt giải Qủa cầu vàng năm 1990, sẽ chẳng bao giờ nghĩ rằng tựa đề bộ phim con cưng của họ sẽ trở thành một cái tít phản ánh đúng tình trạng mà đất nước của họ sẽ gặp phải hơn hai mươi năm sau, trong một cuộc chiến mới. 
Cuộc chiến giá dầu. Vũ công Hoa Kỳ đang phải đơn độc chiến đấu với bầy sói dữ mang tên OPEC để quyết định tương lai thị trường dầu mỏ thế giới.
Cuộc họp diễn ra tại Vienna vào ngày 27/11 của OPEC được coi như phát súng báo hiệu cho cuộc chiến trên thị trường dầu mỏ thế giới chính thức bắt đầu, giữa hai nhân vật chính: OPEC - thế lực truyền thống chi phối thị trường dầu từ trước tới nay, và Hoa Kỳ - kẻ thách thức mới nổi. 
Trong đó, biện pháp không cắt giảm sản lượng được các nhà lãnh đạo OPEC thông qua được coi như ngón đòn hiểm đầu tiên mà tổ chức đầy quyền lực này giáng vào Mỹ trong cuộc chiến mà theo họ là không cân sức này.
Không cân sức cũng phải, khi mà các nước OPEC hiện đang nắm tới gần một nửa trữ lượng dầu thế giới, ở mức trên 40%, và chi phí khai thác một thùng dầu của OPEC chỉ là gần 40 USD. 
Trong khi đó, dầu đá phiến, thứ vũ khí chủ lực đưa Mỹ lên vị thế đất nước có khả năng khai thác dầu lớn nhất thế giới phải đạt mức giá 80 USD một thùng thì mới có lãi. Về tổng trữ lượng dầu, Mỹ không bằng OPEC, về giá dầu trên thị trường thế giới, Mỹ cũng kém xa OPEC, sẽ có bao nhiêu phần trăm cơ hội để cường quốc kinh tế số một thế giới đảo ngược tình hình.
Với việc giá dầu giảm xuống dưới mức 70 USD một thùng và có xu hướng tiếp tục giảm nữa trong thời gian sắp tới, OPEC muốn đánh mạnh vào khả năng khai thác dầu đá phiến của Mỹ. 
Nếu giá dầu được giữ ở mức thấp như hiện tại một thời gian đủ dài, nó sẽ là đòn quyết định bóp chết hầu hết các doanh nghiệp khai thác dầu đá phiến của Mỹ và khiến ngành công nghiệp mới này của Mỹ sẽ cần một thời gian không nhỏ để hồi phục. 
Một khi khả năng khai thác dầu đá phiến của Mỹ bị bóp chết, không những OPEC sẽ thâu tóm được thêm thị phần trên thị trường dầu thế giới, mà còn khiến giá dầu tăng trở lại, một mũi tên trúng hai đích của các nhà lãnh đạo OPEC.
Và thực tế, Mỹ đang đối mặt với khá nhiều hệ quả khôn lường từ sức ép của chính sách ghìm giá dầu của OPEC. Nền công nghiệp then chốt đang có tới gần 3 triệu người lao động này của Mỹ đang đối diện với nguy cơ bị chèn ép và thu hẹp khả năng sản xuất có thể tạo ra những hệ lụy khó lường. 
Chính phủ Mỹ không thể công khai hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất dầu đá phiến trong cuộc chiến giá dầu với OPEC, người dân Mỹ cũng khó lòng chấp nhận tiêu thụ dầu đá phiến của các doanh nghiệp Mỹ nếu giá thành cao hơn giá dầu nhập khẩu, nhất là khi giá dầu thế giới đang thấp như hiện tại.
Nhưng điều đó không có nghĩa là OPEC chiếm lợi thế tuyệt đối trong cuộc chiến giá dầu. Bầy sói OPEC cũng đang có những vấn đề không dễ giải quyết trong nội bộ tổ chức, những vấn đề không cho phép họ có khả năng duy trì mức giá dầu thấp hiện nay quá lâu. Với Arab Saudi thì không sao, khi con sói đầu đàn trong OPEC đang có lượng dự trữ ngoại hối lên tới 750 tỷ USD và dư sức kéo dài thời gian dầu giảm giá lâu hơn nữa, nhưng với các con sói còn lại thì không. Khá nhiều thành viên của OPEC đang gặp khó khăn không nhỏ với kế hoạch ghìm giá dầu thấp khi hầu hết các nước OPEC đều phụ thuộc phần lớn vào hoạt động xuất khẩu dầu – nơi đem lại phần lớn thu nhập quốc gia.
Điển hình nhất là Iran, sản xuất dầu của nước này đã ở mức dưới hạn ngạch, chủ yếu do những lệnh trừng phạt của phương Tây, và đang cần tiền để giải quyết những khó khăn trong nước hơn bao giờ hết. Iraq và Lybia cũng đang ở trong những tình trạng tương tự. Một đặc điểm chung của hầu hết các quốc gia thuộc OPEC là những vấn đề nóng bỏng trong nước liên quan đến chính trị và tôn giáo, từ lâu dầu mỏ đã được xem như giải pháp mang lại nguồn thu quan trọng để xoa dịu những xung đột trong xã hội này.
Những xung đột xã hội này thậm chí cũng không kém cạnh ở các nước phát triển hơn trong OPEC, như UAE. Gía dầu giảm có thể khiến những chính sách an sinh xã hội với trợ cấp của nhà nước đóng vai trò chính yếu bị giảm sút, có thể khiến các phong trào xã hội bùng phát trở lại – một điều Arab Saudi lo ngại nhất. Một phong trào đối lập đủ mạnh để bùng phát ở một quốc gia có thể trở thành một làn sóng tràn ngập ngay cả chính Arab Saudi. 
Saudi có thể xuất tiền hỗ trợ cho các chính phủ khác thuộc OPEC như một động thái cần thiết để duy trì chính sách ghìm giá dầu, nhưng không thể kéo dài.
Chính vì vậy, bản thân Arab Saudi và OPEC cũng đang trong thế tiến thoái lưỡng nan. OPEC không bao giờ quên việc cắt giảm sản lượng cuối thập kỷ 70 – đầu thập kỷ 80 của thế kỷ 20 đã khiến họ mất thị phần vào tay Liên Xô, một điều sẽ tái diễn nếu OPEC cắt sản lượng dầu ở thời điểm hiện tại. 
Nhưng bản thân OPEC cũng có một giới hạn không thể vượt qua, họ không thể chịu đựng việc giá dầu giảm quá dài hoặc giá dầu giảm quá sâu. Một quan chức giấu tên của OPEC đã cho biết họ sẽ can thiệp nếu giá dầu xuống dưới mức 60 USD một thùng – một động thái thể hiện giới hạn mà OPEC không thể vượt qua. Cuộc chiến giữa vũ công Hoa Kỳ và bầy sói OPEC, vẫn chưa dễ ngã ngũ.
 
Nhàn Đàm (theo Blooberg)

No comments:

Post a Comment