Saturday, December 13, 2014

Nợ: Cả nước đang chờ một văn bản hướng dẫn

(PL)- Trong thời gian qua, hàng ngàn người bức xúc vì cho người khác vay tiền nhưng không thu hồi được nợ vì chủ nợ không biết người vay ở đâu mà đòi: Gọi điện thoại thì “không liên lạc được”, đến nhà thì không gặp, tìm đến chỗ làm cũng biệt tăm…
Sốt ruột, người cho vay tố cáo với công an là mình bị lừa. Sau một thời gian nghiên cứu, công an trả lời cho chủ nợ đó là quan hệ dân sự, kiện ra tòa mà đòi. Kiện ra tòa, tòa triệu tập, “bị đơn” không đến, cũng chẳng biết ở đâu!
Cũng có trường hợp tòa án thấy có dấu hiệu hình sự, chuyển hồ sơ nhưng công an cho là quan hệ dân sự. Có nơi công an khởi tố bị can nhưng viện kiểm sát không phê chuẩn. Có nơi công an nhận đơn tố giác thì triệu tập hai bên đến để “hòa giải”, yêu cầu trả nợ theo lộ trình nhưng sau đó người vay không thực hiện cam kết, công an cũng không dám khởi tố vì sợ oan sai.
“Của đau, con xót”, có người tổ chức người nhà hoặc thuê người đi “siết nợ” và thế là người của phía chủ nợ bị khởi tố về tội cướp tài sản hoặc cưỡng đoạt tài sản. Nhiều người ngán ngẩm than: Đã mất tiền còn bị tù tội. Nguyên nhân của tình trạng này không chỉ do người dân không am hiểu pháp luật mà có phần do việc xử lý của các cơ quan tiến hành tố tụng không đến nơi đến chốn, làm cho người dân bức xúc, “tự xử”, không còn tin vào pháp luật.
Tình trạng này đang là vấn đề nhức nhối cho xã hội nhưng các cơ quan chức năng bó tay!

 Sổ đỏ là một trong những vật thế chấp thông dụng để vay mượn tiền. Ảnh minh họa
Chung quy cho tình trạng trên là do điểm a khoản 1 Điều 140 Bộ luật Hình sự quy định vay mượn tiền… rồi bỏ trốn để chiếm đoạt thì mới là tội phạm. Nhưng thế nào là “bỏ trốn” để chiếm đoạt thì mỗi người hiểu một khác. Người bảo “bỏ trốn” là phải bỏ đi khỏi địa phương, sống chui lủi như các trường hợp có lệnh truy nã. Tuy nhiên, đa số ý kiến cho rằng “bỏ trốn” để chiếm đoạt quy định tại Điều 140 là chỉ trốn tránh chủ nợ, còn đối với người khác thì không cần phải trốn. Cơ quan điều tra có gọi thì họ đến rất đúng giờ!
Nhớ lại những năm 1990 của thế kỷ trước, tình trạng vỡ tín dụng xảy ra trên cả nước và người dân chỉ cần báo cho công an thì lập tức người vay tiền bị bắt và bị xét xử về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Nhiều người phải vào tù, có nhiều trường hợp bị oan vì các cơ quan tiến hành tố tụng đã “hình sự hóa các quan hệ dân sự”. Khi sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự (năm 1999), Quốc hội đã rất quan tâm đến tình trạng “hình sự hóa” các quan hệ dân sự nên ban soạn thảo đã xây dựng cấu thành cơ bản của tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo hướng chống tình trạng “hình sự hóa” các quan hệ kinh tế, dân sự.
 Sau đó tình trạng “hình sự hóa” giảm hẳn nhưng nhiều người đã lợi dụng quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự để vay tiền, để ký các hợp đồng kinh tế, hợp đồng dân sự, hết hạn cứ ỳ ra không trả, nói là vì làm ăn thua lỗ, vì bị người khác chiếm đoạt… Có vụ con nợ ôm tới hàng trăm tỉ đồng, đẩy hàng ngàn người dân vào tình trạng sống dở chết dở. Nhiều gia đình dùng sổ đỏ để thế chấp cho ngân hàng vay tiền rồi cho vay lại với lãi suất cao hơn, rốt cuộc lãi chẳng thấy đâu mà đến hạn không trả nợ được ngân hàng thế là mất luôn cả nhà; mấy bác cán bộ về hưu có chút tiền dành dụm cả đời, nay bỗng chốc trắng tay, uất nhưng chẳng biết làm sao!
Các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương cũng bức xúc muốn giải quyết để người dân không bị thiệt nhưng lại sợ! Nhiều địa phương đã phản ánh tình trạng này về trung ương nhưng chờ mãi vẫn chẳng thấy có hướng dẫn! Thiết nghĩ đã đến lúc các cơ quan tiến hành tố tụng ở trung ương cần khẩn trương hướng dẫn để địa phương có căn cứ xử lý những trường hợp chây ỳ trả nợ đang gây bức xúc cho xã hội.
 Chủ Nhật, ngày 14/12/2014 - 07:00
ĐINH VĂN QUẾ

No comments:

Post a Comment