(NLĐO)- Tôi nói hoài mà mấy em không nghe, đến nỗi ông xã tôi bực bội bảo: "Em kệ xác tụi nó đi. Nói hoài chúng ghét mà có lợi ích gì đâu?".
Mấy em công nhân ở cùng dãy trọ của vợ chồng tôi bị ngộ độc thực phẩm, nửa đêm phải nhập viện cấp cứu. Khi nghe tin, tôi biết ngay nguyên nhân nhưng không dám nói.
Tôi biết chuyện các em nhập viện có liên quan đến món gỏi cá sống mà ban chiều cả phòng đã ăn và còn đem qua cho vợ chồng tôi một dĩa. Thú thật, tôi nhìn những miếng cá tái nhợt, dù các em đã phi hành tỏi cho vô rất nhiều cùng các thứ rau thơm khác nhưng tôi biết chắc là cá không tươi nên không dám ăn. Làm gì có chuyện cá ngừ mua ngoài chợ chiều về mà còn tươi để làm món gỏi cá sống? Có lẽ nhờ cảnh giác như vậy nên vợ chồng tôi không phải nhập viện nửa đêm cùng các em.
Tuy nhiên, có chuyện này tôi nghĩ phải nói ra nhưng không biết cách nào để nói vì các em tuy còn trẻ nhưng rất bướng bỉnh, nói không nghe lời. Nhiều lần tôi khuyên cẩn thận chuyện ăn uống nhưng các em cười, bảo tôi "kỹ quá cũng chết chị ơi".
Rau xanh mua ngoài chợ về, có hôm tôi thấy các em cắt ra bỏ vô nồi nấu luôn vì "nấu lên thì con vi trùng nào cũng chết". Tôi nói trong rau mua trôi nổi, còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật rất nhiều, phải rửa, ngâm nước muối để hạn chế bớt tác hại, các em cười: "Nếu chết thì người ta chết hết rồi chị ơi". Tôi lắc đầu bó tay.
Rồi chuyện các em hay ăn rau sống. Tôi nói rau sống tuy ăn ngon, bổ nhưng vì rau của mình đa số không an toàn, không rõ nguồn gốc nên hạn chế sử dụng. Các em lại bảo "nói như chị thì nhà hàng, quán ăn người ta đóng cửa hết à? Kỹ quá cũng chết chị ơi. Ăn dơ sống lâu".
Chuyện ăn uống đã vậy, sinh hoạt cũng bầy hầy. Phòng trọ của các em đã chật chội nhưng chẳng có cô nào gọn gàng, ngăn nắp. Bước vô phòng trước tiên thì thấy giày dép vứt tứ tung. Vô thêm chút nữa thì quần áo vắt dọc, vắt ngang trên vách, trên ghế, trên bàn.
Rồi mùng, mền, chiếu gối thì vo tròn dồn đống trong góc, chẳng sắp xếp gì cả. Chỗ nấu nướng thì lỏng chỏng keo, lọ không biết chai gì đựng gì... Mấy lần tôi góp ý thì có em cười, có em khó chịu: "Mình ở tạm chớ có ăn đời ở kiếp đâu mà chị bắt phải gọn gàng, ngăn nắp, chỉn chu? Kỹ quá như chị, có sống được tới một trăm tuổi đâu?".
Có lần tôi kể cho ông xã nghe, anh nhăn mặt: "Em kệ xác tụi nó đi. Nói hoài chúng ghét mà có lợi ích gì đâu?". Tôi không chịu: "Thì tụi nhỏ như em út của mình, tụi nó còn nhỏ mà phải lăn lóc kiếm tiền nên đâu có được dạy dỗ đàng hoàng. Thấy sai mà không chỉ hóa ra mình là người xấu à?". "Nhưng em nói mà tụi nó có nghe đâu? Hao hơi tổn tiếng làm gì"- chồng tôi bực dọc bỏ đi.
Đến khi xảy ra vụ mấy đứa nhỏ bị ngộ độc phải cấp cứu, tôi thấy trong người càng bứt rứt, khó chịu. Tôi nhất định phải nói với mấy em một lần nữa để tụi nó đừng chủ quan. Tương lai tụi nó còn dài, biết yêu quý, quan tâm chăm sóc bản thân mình thì mới có sức khỏe để chăm sóc gia đình, người thân. Tôi nói chân tình có lẽ tụi nó sẽ nghe; nhất là khi hậu quả vụ ăn uống bừa bãi, kém vệ sinh còn rành rành trước mắt.
Thế nhưng tôi thật bất ngờ. Mới xuất viện mấy hôm thì đến kỳ lãnh lương, tụi nó lại "tha" về một thau lòng heo, lòng bò đã xanh đen và hì hục làm món lòng khìa nước dừa. Tôi hoảng quá la lên: "Tụi em muốn chết hay sao? Mới bệnh khỏi mà lại ăn mấy thứ ôi thiu này vô?". Mấy đứa cười ồ rồi một đứa lên tiếng: "Chừng nào chết hẳng hay chứ bây giờ thèm quá, phải để tụi em ăn cho sướng cái miệng vì mấy bữa nằm bệnh viện không được ăn".
Tôi bực bội bỏ về nhưng cả buổi chiều, buổi tối rồi những ngày sau, cái mùi thum thủm của món đồ lòng cứ ám ảnh tôi. Hay là tôi cứ nghe lời ông xã, kệ xác tụi nó đi. Bây giờ ăn cho sướng cái miệng nhưng rồi sau này khổ cái thân thì biết trách ai?
Thứ Bảy, 10:55 13/12/2014
Lê Phương
No comments:
Post a Comment