Saturday, December 13, 2014

Khi Mỹ “đầu hàng” trước OPEC trong cuộc chiến giá dầu

Cuoc chien gia dau

Có vẻ như cuộc đọ sức giữa hai đối thủ sừng sỏ là Mỹ và tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC do Arab Saudi cầm đầu đã đi đến hồi kết sớm hơn dự kiến. Mỹ không thể đua đòi được với OPEC trong cuộc chiến giá dầu.
Giá dầu trên thị trường thế giới đã có một trong những pha trượt dốc ngoạn mục nhất trong 5 năm trở lại đây khi rớt xuống chỉ còn 58 USD/thùng, vượt ra khỏi hầu hết mọi dự đoán của giới chuyên gia. Giá dầu tụt quá sâu không còn là một lời thúc giục các doanh nghiệp dầu đá phiến Mỹ giảm sản lượng như trước nữa, mà đã trở thành một tối hậu thư bắt buộc.
Trước đó, OPEC đã đưa ra một tối hậu thư cho Mỹ trong cuộc đọ sức giữa hai đối thủ trên thị trường dầu, được cho là có thời hạn trong vòng 6 tháng, được giám đốc điều hành tập đoàn dầu Kuwait phát biểu trước giới truyền thông. 
Trong đó, 6 tháng được xem là giới hạn mà OPEC do Ả Rập Saudi dẫn đầu có thể chịu đựng trong bối cảnh giá dầu tiếp tục giảm, nếu Mỹ có thể cầm cự được qua giai đoạn này thì kẻ thách thức mới nổi này sẽ là người chiến thắng. Nhưng có vẻ như thời hạn này đã trở nên quá thừa thãi, không chỉ với Mỹ, mà còn vượt ra khỏi dự đoán của chính OPEC.
Sở dĩ như thế, là vì phiên giao dịch kịch tính đẩy giá dầu xuống mức 58 USD/thùng ngày hôm qua được cho là cũng đã vượt ra khỏi sự tính toán của OPEC. Trước đó, mức giá được OPEC ấn định được xem là giới hạn của sự suy giảm giá dầu của tổ chức này là 65 USD/thùng. Một khi giá dầu tụt xuống dưới mức 65 USD thì OPEC sẽ có sự can thiệp. 
Đây được xem là giới hạn mà các quốc gia khác trong OPEC có thể chấp nhận, nếu giá giảm sâu hơn bản thân OPEC cũng sẽ đối mặt với nhiều rắc rối, với các thành viên khác là ngân sách giảm trầm trọng còn Saudi cũng phải đối mặt với việc gánh nặng hỗ trợ tài chính với các nước này ngày càng tăng.
Giá dầu giảm mạnh trong ngày hôm qua, được xem là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố hơn là do những động thái của OPEC và Ả Rập Saudi. Trước đó, quốc gia đứng đầu OPEC này cũng đã triển khai các biện pháp mạnh mẽ để cạnh tranh thị phần dầu trên thị trường thế giới như giảm giá cho các đối tác châu Á 2 USD mỗi thùng, mức giảm mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây. 
Việc Saudi giảm giá dầu đơn lẻ có tác động tới giá dầu, nhưng chưa đủ lớn để tạo nên một pha trượt giá lớn đến thế, đó vẫn chỉ được xem là động thái cạnh tranh thị phần với Mỹ.
Tác nhân chủ yếu gây ra sự tụt giá chóng mặt ấy, được cho là từ dự báo nhu cầu dầu mỏ của IEA vào năm tới. Trong đó, thay vì những dự đoán lạc quan về sự tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ vào năm tới do sự hồi phục kinh tế toàn cầu, IEA đã đưa ra dự báo mới nhất trong đó nhu cầu dầu của thế giới vào năm tới không những không tăng mà còn suy giảm khá đáng kể. 
Cơ quan này đã đưa ra con số giảm 230.000 thùng/ngày của nhu cầu dầu mỏ trong năm tới. Dự báo có phần bi quan này được xem là kết quả tổng hợp của việc bức tranh kinh tế thế giới vẫn sẽ còn khá ảm đạm trong năm tới, khi mà các nỗ lực hồi phục của EU và Nhật chưa có dấu hiệu khả quan, còn Trung Quốc thì đang chuẩn bị rơi vào một đợt suy giảm tốc độ tăng trưởng đáng kể.
Pha trượt giá nằm ngoài khả năng dự đoán của các chuyên gia, vì thế đang gây ra tác động không nhỏ cho cả hai đối thủ là Mỹ và OPEC. Giá dầu tụt quá sâu đang thực sự là một cú sốc với những nhà khai thác dầu đá phiến của Mỹ, nếu như trước đó các hãng này vẫn còn có thể cầm cự do lợi nhuận tích trữ được trong giai đoạn trước khi giá dầu tụt thì giờ đây mức giá 58 USD/thùng gần như đã đạt đến giới hạn chịu đựng của họ. 
Các chuyên gia dự báo khá nhiều các hãng khai thác dầu đá phiến hoạt động trong vòng 2 năm qua sẽ phải giảm sản lượng nghiêm trọng hoặc ngưng khai thác trong tuần này. Các hãng khai thác lớn hơn có thể duy trì hoạt động do có quy mô tài chính tốt hơn, họ cũng hướng tới việc các hãng khác phải giảm sản lượng sẽ khiến giá cả hồi phục một phần nào.
OPEC hiển nhiên là những người được lợi nhất trong tình thế hiện tại, nhưng cũng không phải là không có rủi ro. Giá dầu tụt quá sâu đang là một đòn chí mạng vào các doanh nghiệp của Mỹ, thậm chí còn lớn hơn những gì OPEC dự đoán và việc các doanh nghiệp dầu đá phiến của Mỹ phải giảm sản lượng là điều sớm muộn. Nhưng việc giá dầu tụt xuống mức 58 USD/thùng cũng gây ra những khó khăn không nhỏ cho Ả Rập Saudi và các thành viên khác.
Trước đó, 65 USD/thùng được xem là mức giá mà OPEC có thể chấp nhận được và sẽ duy trì, nếu giá tụt xuống dưới mức này thì OPEC sẽ phải can thiệp để tránh việc ngân sách của hầu hết các thành viên khác ngoại trừ Saudi gặp vấn đề trầm trọng. 
Khi dầu chỉ còn 58 USD/thùng như hiện nay và được dự báo sẽ tụt xuống mức 55 USD/thùng trong tuần tới, gánh nặng hỗ trợ các thành viên còn lại của Ả Rập Saudi sẽ càng tăng thêm trong khi chờ giá dầu tăng trở lại do các doanh nghiệp Mỹ giảm sản lượng.
Trong cuộc chiến giá dầu với Mỹ, về lâu dài thì có vẻ như OPEC đã thắng, nhưng cũng có vẻ như tổ chức này sẽ phải bỏ ra cái giá không nhỏ để có được chiến thắng đó.

05:18 14-12-2014

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)

No comments:

Post a Comment