Tuesday, November 11, 2014

Việt Nam làm từ thiện cho nước ngoài: Đi ngược thế giới!

(Baodatviet) - Việt Nam đang có chính sách trợ cấp cho người tiêu dùng nước ngoài, nếu cứ tiếp tục bán rẻ thóc gạo như thế này.

Đó là nhận xét của TS Đào Thế Anh, thành viên của Liên minh nông nghiệp, Phó chủ tịch Hội khoa học phát triển nông thôn (PHANO), Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, khi bàn về những chính sách hỗ trợ sản xuất lúa gạo.
Theo TS Đào Thế Anh, Việt Nam đã có nhiều chính sách hỗ trợ đầu vào cho sản xuất nông nghiệp nhưng nông dân hiện lại không có năng lực mặc cả, tất cả đều phụ thuộc vào thương lái, doanh nghiệp xuất khẩu.
Việt Nam đi ngược thế giới
Từ trước tới nay, Việt Nam có rất nhiều chính sách trợ giúp đầu vào cho nông dân sản xuất lúa, như miễn thuế đất, miễn giảm thủy lợi phí, thúc đẩy cơ giới hóa hay đầu tư cho nghiên cứu... Những chính sách này phần nào giúp hạ chi phí sản xuất, tuy nhiên, hai yếu tố quan trọng là phân bón và thuốc trừ sâu, có chí phí chiếm tỷ trọng cao nhất, mỗi thứ chiếm 25-30% trong đầu vào thì nhà nước lại không trợ cấp cho nông dân.
Phân bón và thuốc trừ sâu đều nằm trong tay các công ty, mà hiện nay giá phân bón lại đang có xu hướng tăng, nông dân sử dụng ngày càng nhiều trong khi nhà nước lại không có giải pháp can thiệp về giá. Đó là chưa kể tới chất lượng phân bón Việt Nam cũng chưa quản lý được, phân bón giả, chất lượng kém góp phần làm tăng chi phí sản xuất của người nông dân.
TS Đào Thế Anh
TS Đào Thế Anh
Trên thế giới, nhiều nước hỗ trợ giá thành cho sản xuất nông nghiệp bằng cách điều tiết giá, khống chế đầu vào, trong đó có giá phân bón, tuy nhiên, Việt Nam không làm điều này. Ở Thái Lan, để duy trì năng suất, chi phí giống của nông dân rất cao bởi họ mua giống xác nhận, chất lượng cao trong khi chi phí phân bón thấp hơn. Còn Việt Nam thì ngược lại, nông dân sử dụng giống phổ biến, giá rẻ còn chi phí phân bón lại cao để chạy theo năng suất.
Một vấn đề quan trọng khác đối với sản xuất lúa là nông dân cần các hỗ trợ để có thể bán được sản phẩm với giá có lợi nhất cho nông dân,  tức là hỗ trợ đầu ra, thì tại Việt Nam trong thời gian qua hầu như chưa có giải pháp nào hữu hiệu.
Nông dân Việt Nam không có năng lực mặc cả do thiếu tổ chức, cho nên việc định giá đều phụ thuộc vào doanh nghiệp xuất khẩu, mà chủ yếu các doanh nghiệp nhà nước. Các doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam không chịu đầu tư để tìm kiếm thị trường gạo chất lượng cao mà chỉ chăm chăm vào những thị trường gạo đảm bảo an ninh lương thực chất lượng thấp, khi đấu thầu bao giờ cũng bỏ giá thấp để thắng thầu, bởi vậy không thể nào nâng cao giá bán trên thị trường.
Hiện nay, tại các nước sản xuất lương thực đều có các hợp tác xã hay hiệp hội trong đó nông dân đóng góp cổ phần để đầu tư vào sấy thóc, sau đó giữ trong kho chung, khi nào được giá thì bán chứ không ai chở thóc về nhà. Nông dân của họ được nhà nước hỗ trợ để làm chủ được sản phẩm của mình là thóc. Nông dân Việt thường quen với việc gặt xong bán lúa tươi ngay tại ruộng cho thương lái, không ai trữ thóc cả. Thóc nằm trên tàu của các thương lái, trong khi năng lực sấy của doanh nghiệp chưa đủ do vậy chất lượng giảm dần khi họ chưa bán được cho doanh nghiệp xay xát.
Cách đây mấy chục năm, nông dân ĐBSCL vẫn sấy hoặc tự phơi lúa, các hợp tác xã cũng có kho chứa thóc nhưng nay đã bỏ đi, chỉ có doanh nghiệp đầu tư vào khâu sấy. Hiện nay, doanh nghiệp chỉ lo dự trữ gạo cho phần xuất khẩu của họ chứ không thể đầu tư đủ năng lực để lo cho cả vùng sản xuất. Nếu cứ duy trì cách làm này sẽ không thay đổi được vị thế mặc cả của nông dân và giá lúa gạo lúc nào cũng thấp.
Để làm điều này cần có vốn nhưng các hợp tác xã hầu như không được vay vốn, họ không có quan hệ như doanh nghiệp tư nhân nên đành chịu. Ngân hàng thương mại hiện nay chỉ cho vay ngắn hạn (1 năm), các doanh nghiệp muốn đầu tư kho cũng rất khó khăn, phải đi huy động bên ngoài. Bản thân các ngân hàng thương mại ít chịu làm tín dụng với nông dân, nếu có chỉ là tín dụng ngắn hạn vì ít rủi ro hơn.
Chính sách mua lúa tạm trữ cũng ít tác động đến giá vì khối lượng mua quá ít so với tổng sản lượng. Kinh nghiệm chính sách của các nước cũng cho thấy nếu muốn sử dụng biện pháp này sẽ phải chi phí rất lớn đối với nhà nước và có lẽ không phù hợp với Việt nam vào lúc này.
Như vậy, có thể nói mục tiêu của trợ cấp sản xuất lúa để đem lại thu nhập cho nông dân không đạt được vì còn phụ thuộc đầu ra, đầu ra không giải quyết được nên nông dân không có thu nhập. Ngay cả mục tiêu duy trì giá thấp lương thực trong nước để đảm bảo an ninh lương thực cũng chưa chắc đạt được, người dân trong nước vẫn phải ăn gạo giá đắt hơn nhiều so với giá gạo xuất khẩu.
Vậy ai sẽ là người được hưởng lợi khi gạo Việt Nam bán giá rẻ trên thế giới? Đó là người tiêu dùng của các nước đang phát triển nhập gạo, nói cách khác Việt Nam đang làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực cho thế giới.
Có một nghiên cứu quốc tế so sánh giá lúa gạo thế giới, trong đó cùng loại gạo 25% tấm thì gạo của Việt Nam giá thấp nhất và là đại diện cho biến động giá lương thực nội địa của các nước đang phát triển như châu Phi. Có thể nói là chúng ta đang có chính sách trợ cấp cho người tiêu dùng nước ngoài, nếu cứ tiếp tục bán rẻ thóc gạo của chúng ta như thế này.
Có một điều rất buồn cười trong cách làm tiếp thị gạo của Việt Nam. Trong khi Thái Lan luôn tách riêng tấm và gạo, gạo chất lượng cao được họ bán với giá cao, còn tấm bán riêng với giá rẻ, thậm chí tại châu Phi, giá tấm của Thái Lan gần bằng giá gạo 25% tấm.
Nhưng Việt Nam không làm thế. Mặc dù năng lực xay xát của Việt Nam thừa sức làm ra gạo 5% tấm nhưng vì hợp đồng của Vinafood mang về yêu cầu gạo 25% tấm, thế nên doanh nghiệp lại phải trộn thêm tấm vào gạo cho dễ bán, vô hình chung kéo tất cả giá xuống thấp. Sự ngược đời này cực kỳ sai lầm, cho thấy sự hạn chế về cách tổ chức chuỗi giá trị lẫn chiến lược thị trường của Việt Nam.
Hỗ trợ đầu ra cho nông dân
Nhiều ý kiến cho rằng phải tính đúng các giá đầu vào để nông dân không có cơ sở sản xuất lúa rẻ tiền nữa, thay vào đó phải hướng vào sản xuất lúa chất lượng cao và đắt tiền. Tuy nhiên, cách này rất khó thực hiện bởi lúa xuất khẩu chỉ chiếm 50% sản lượng lúa của ĐBSCL, 20% sản lượng lúa của toàn quốc. Trong khi đó, chính sách là chính sách chung, miền bắc, miền trung vẫn rất cần hỗ trợ đầu vào để đảm bảo an ninh lương thực trong nước.
Theo tôi, trước tiên, nhà nước cần điều tiết giá phân bón vì đó là yếu tố quan trọng nhất của đầu vào và khuyến nông cần thay đổi cách làm hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón hợp lý và các yêu cầu chất lượng của thị trường.
Nông dân Việt thường quen với việc gặt xong bán lúa tươi ngay tại ruộng cho thương lái, không ai trữ thóc
Nông dân Việt quen với việc gặt xong bán lúa tươi ngay tại ruộng cho thương lái
Thứ hai, nhà nước tập trung hỗ trợ nông dân đầu ra và khâu sau thu hoạch để tăng vị thế mặc cả. Hãy đào tạo năng lực quản lý hợp tác xã cho nông dân, cho hợp tác xã vay vốn. Hiện công tác đào tạo nghề cho nông dân ở Việt Nam rất lúng túng, có tiền nhưng không biết đào tạo cái gì. Thay vì phải đào tạo nông dân làm gì sau thu hoạch, cách quản lý kho, máy sấy thế nào để trở thành nông dân chuyên nghiệp thì người ta lại đi đào tạo nông dân sửa chữa đồng hồ, xe máy...
Chúng ta cũng cần có những người lãnh đạo nông dân có kinh nghiệm, năng lực để tổ chức nông dân. Chúng ta cần những chương trình khuyến nông hỗ trợ về thị trường, về thương hiệu cho nông dân vì đây là những kỹ năng nông dân cần nhất hiện nay.
Thứ ba, phải chú trọng chiến lược marketing của cả chuỗi giá trị. Nghị định 109 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo khống chế các doanh nghiệp xất khẩu, trong đó đưa ra những tiêu chuẩn rất "to": phải có kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc (lúa) và một cơ sở xay xát thóc công suất tối thiểu 10 tấn/giờ.
Cái này chỉ phù hợp với các doanh nghiệp lớn, trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu gạo chất lượng hiện nay hầu hết là doanh nghiệp nhỏ. Không ai như Việt Nam, vì sợ không quản lý được nên cấm tất, trong khi lẽ ra phải quản lý theo sản phẩm cuối cùng. Hãy cứ cho xuất khẩu gạo chất lượng cao, còn nếu thiếu gạo giá rẻ thì nhập, không thể vì thiếu mà đóng cửa gạo chất lượng.
Một nghiên cứu của Cần Thơ cho thấy, 75% doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam không đầu tư vào marketing, 25% còn lại đầu tư vào marketing rất ít. Đối với doanh nghiệp nhà nước, tôi đi khảo sát thấy họ rất mù mờ chuyện nghiên cứu marketing, ngoại ngữ, chỉ có một số thị trường quen thuộc cứ nhảy vào đấu thầu nên khó mà mở rộng ra các thị trường chất lượng. Vì thế, rất cần sự năng động các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Về quy mô sản xuất, phải tích tụ ruộng đất nhưng không phải theo hướng bán đất. Một nghiên cứu ở ĐBSCL gần đây cho thấy, nông dân có thể bỏ ruộng ra thành phố kiếm việc làm nhưng không ai muốn bán đất cả. Vì thế, để có có những cánh đồng lớn, cần hướng thúc đẩy thị trường cho thuê mượn ruộng đất và sẽ do hiệp hội nông dân và chính quyền địa phương tham gia quản lý công khai. Bên cạnh đó tăng quy mô sản xuất thông qua quản lý của các hình thức hợp tác của nông dân cũng là một hướng cần thúc đẩy mạnh.
  • Thành Luân (ghi)

No comments:

Post a Comment