Tuesday, November 11, 2014

Phong tướng – Tranh giành cái danh hay mở đường tệ nạn?

Thiên Điểu
* Tác giả gửi bài cho VNTB



Phong hàm để cho có

Mấy năm gần đây, chính quyền liên tục mở các đợt phong hàm cho rất nhiều sĩ quan cao cấp. Nhiều đến nỗi có người nói "ra đường là gặp tướng" (!).

Ai cũng biết: Tưởng thưởng, vinh danh cho người có công là việc đúng. Nhưng đợt phong tướng lần này thì bên Công an và bên Quân đội lại có những phát ngôn thể hiện rõ ganh tỵ, sợ thua chị kém em…

Vấn nạn danh vị có lẽ đã có từ rất lâu, ngay khi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định phong hàm vị tướng đầu tiên của chế độ lá phong hàm Đại tướng cho ông Võ Nguyên Giáp năm 1948. Thực chất lần phong hàm này chính Chủ tịch Hồ Chí Minh tuy đã lý giải “Đánh thắng Đại tá phong Đại tá; đánh thắng Thiếu tướng phong Thiếu tướng; thắng Trung tướng phong Trung tướng; thắng Đại tướng phong Đại tướng”. Nhưng chủ ý thực sự phía sau là để có “tướng ngồi với tướng”, chuẩn bị cho cuộc đàm phán Việt – Pháp sau đó. Nghĩa là để chứng tỏ một cái danh cho có thuần túy chính trị.

Từ đó tới nay, nhà nước Việt Nam đã phong hàm thêm cho rất nhiều tướng lĩnh. Không tính các tướng lĩnh đã nghỉ hưu thì trong Quân đội và Công an hiên nay thì mỗi bên đều có tới hàng trăm người mang hàm cấp tướng các loại.

Nếu nhìn nhận vấn đề phong hàm như một nhu cầu, một tưởng thưởng xứng đáng, hợp lý thì có vẻ như việc phong hàm thể hiện sự lớn mạnh vượt bậc của các lực lượng vũ trang. Nhưng với số lượng hơn 1.000.000 sĩ quan, binh sĩ cho cả hai lực lượng chính là Công an và Quân đội thì số lượng tướng của Việt Nam có lẽ đứng đầu thế giới về tỷ lệ tướng lĩnh trên tỷ lệ quân. Nếu đem đối chiếu với các quy định về việc phong hàm, thăng cấp thì hầu như 100% tướng lĩnh Việt Nam từ sau 1975 đến nay đều thăng hàm trước thời hạn. Đặc biệt là sau 1990 đến nay thì tốc độ phong hàm càng nhanh, một điều hết sức khó hiểu là nó lại được diễn ra trong thời bình hoàn toàn.

Ra đường gặp tướng!

Trước việc phong hàm một cách ồ ạt, thực trạng ngành vũ trang Việt Nam đang thật sự “loạn tướng” khi mà số lượng sĩ quan mang hàm tướng quá nhiều. Cấp bậc quân hàm càng cao, chức vụ càng cao, đương nhiên là chế độ bổng lộc cũng theo đó mà tăng lên. Trong khi quyền lực và trách nhiệm thì vẫn như cũ – vì biên chế và phạm vi quyền lực phụ thuộc ở vị trí trách nhiệm (chức vụ) chứ không phải ở quân hàm.

Điều đó mâu thuẫn với thực tế của một đất nước nhỏ bé, đói nghèo như Việt Nam hiện nay. Nó tạo ra một thứ hư danh vô nghĩa và đưa đến vấn nạn cạnh tranh quyền lực mà đặc biệt, với chính sách cho phép các lực lượng vũ trang tham gia hoạt động kinh doanh thì nó là một phần của nguyên nhân đẻ ra lợi dụng chức quyền, tham nhũng..

Một nghịch lý khác: Trong lúc kinh tế xã hội ngày càng đi xuống, nợ công và lạm phát đang xô đẩy toàn xã hội vào cơn khốn khó chưa tìm ra lối thoát thì bộ máy nhà nước lại “phát phì” nhân sự và phong hàm liên tục, đến mức nhiều người phải thốt lên: “Ra ngõ là gặp tướng” !

Phong tướng để làm gì? Vinh danh, tưởng thưởng hay chỉ là động tác phỉnh phờ mua lòng trung thành từ cái danh là tướng?

Phong tướng để làm gì khi mà ngay một sĩ quan cao cấp trong cơ quan chính trị Bộ Quốc phòng đi giảng chỉ kêu gọi “Phải kiên quyết bảo vệ sổ hưu” ?

Phong tướng làm gì khi mà biển đảo, chủ quyền quốc gia liên tục bị xâm hại nhưng không thấy một phát ngôn nào chính danh xứng đáng mặt một tướng lĩnh?

http://www.ijavn.org/2014/11/phong-tuong-tranh-gianh-cai-danh-hay-mo.html

No comments:

Post a Comment