HÀ NỘI (NV) - Vì các qui định pháp luật hiện hành không rõ ràng nên giới hữu trách không thể làm gì khi giới chủ ngoại quốc lăng mạ hoặc thực hiện những hành vi làm nhục công nhân Việt Nam.
Ðó là tâm sự của một nhà báo qua bài “Tao cứ chửi đó, chúng mày làm gì tao?”, vừa đăng trên tờ Người Lao Ðộng.
Một vụ đình công ở Sài Gòn. (Hình: Người Lao Ðộng)
“Tao cứ chửi đó, chúng mày làm gì tao?” là câu mà một người ngoại quốc làm việc trong một công ty ngoại quốc, tọa lạc ở quận 12, Sài Gòn, liên tục lập đi, lập lại với những công nhân đình công để phản đối lối quản lý hà khắc của công ty ngoại quốc này.
Không riêng công nhân của công ty vừa kể mà giới hữu trách Việt Nam cũng không thể làm gì những người ngoại quốc thô lỗ, trịch thượng như thế.
Tác giả “Tao cứ chửi đó, chúng mày làm gì tao?”, kể thêm, hồi cuối tháng 9, ông Kim Young Wan, “chuyên gia” công ty SJ Globol của Nam Hàn, mở xưởng tại quận 12, Sài Gòn không chỉ chửi, đuổi ra ngoài mà còn đòi hành hung một số công nhân Việt Nam phản đối công ty SJ Globol không giải quyết thỏa đáng những quyền lợi chính đáng khi họ nghỉ việc. Ông Kim Young Wan vốn không xa lạ gì với các viên chức ngành Lao Ðộng-Thương Binh-Xã Hội ở quận 12 vì ông đã nhiều lần đánh, chửi công nhân người Việt song khi báo giới chất vấn, tại sao lại không làm gì cả, những viên chức này đáp lại: “Không có qui định, làm sao xử lý!”
Tác giả “Tao cứ chửi đó, chúng mày làm gì tao?”, kể thêm chuyện, cũng hồi tháng 9, sau khi các “chuyên gia” Trung Quốc, làm việc trong một công ty giày ở Hải Phòng liệng giày vào mặt một nam công nhân, dí bàn ủi làm phỏng tay một nữ công nhân khác, viên chức ở Hải Phòng chỉ buộc các “chuyên gia” này “xin lỗi” và nói riêng với báo giới rằng, chỉ có thể làm như thế vì “pháp luật lao động không qui định.”
Do thường xuyên bị “chuyên gia” ngoại quốc lăng mạ nhưng không ai “xử lý” vì “không có qui định,” 6,000 công nhân làm việc cho công ty Ivory Việt Nam ở Thanh Hóa đã đình công suốt một tuần.
Tác giả “Tao cứ chửi đó, chúng mày làm gì tao?” viết thêm, tuy Luật Lao Ðộng có nghiêm cấm”ngược đãi người lao động” và “phân biệt đối xử với phụ nữ, xúc phạm danh dự và nhân phẩm phụ nữ” nhưng thế nào là ngược đãi thì lại “không được cụ thể hóa.” Còn “xúc phạm danh dự, nhân phẩm” thì chẳng riêng phụ nữ mà ngay cả đàn ông cũng bị tổn thương, cũng cần được bảo vệ.
Ngoài Luật Lao Ðộng, còn có một nghị định để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động song nghị định này quên hẳn, không đặt định cách thức chế tài những hành vi “xúc phạm danh dự, nhân phẩm” của công nhân Việt Nam. Thành ra từ công nhân tới viên chức Lao Ðộng-Thương Binh-Xã Hội, không ai làm được gì những “chuyên gia” ngoại quốc luôn miệng thách thức: “Tao cứ chửi đó, chúng mày làm gì tao?” (G.Ð)
11-042014 5:07:13 PM
No comments:
Post a Comment