Vincent Ni BBC Hoa ngữ 4 tháng 10 một 2014
Các cuộc biểu tình và xô xát tiếp diễn kéo dài ở Hong Kong có thể xem là chưa từng có nhất là kể từ khi thuộc địa của Anh này được trả về cho Trung Quốc hồi năm 1997 và thậm chí còn có thể sánh ngang với cuộc biểu tình chống lại sự cai trị của thực dân Anh hồi năm 1967.
Mặc dù những người biểu tình trẻ tuổi Hong Kong tràn đầy lý tưởng và nhiệt huyết đã giành được nhiều sự cảm thông và ủng hộ của cộng đồng và truyền thông quốc tế, dư luận ở Trung Quốc vẫn rất chia rẽ.
Dân đại lục bực bội
Trong khi có một số người thông thạo và tinh vi trên mạng đã bày tỏ tình đoàn kết bằng cách đưa ảnh người biểu tình Hong Kong lên mạng Internet, vượt qua hàng rào kiểm duyệt của Bắc Kinh thì vẫn có những người nhún vai và thậm chí bực bội với cách mà người dân Hong Kong đòi dân chủ.
“Vấn đề thật sự của Hong Kong là đa số người dân không biết gì về mô hình phát triển đã thay đổi và do đó không có sự chuẩn bị tâm lý cho công cuộc tái cơ cấu kinh tế. Thái độ của nhiều người ở Hong Kong thậm chí còn có thể được xem là liều mạng,” một blogger ẩn danh của Trung Quốc viết và lời bình luận này đã lan truyền chóng mặt trên mạng.
Quan điểm kiểu này đã không được các cơ quan truyền thông quốc tế nhắc đến một cách rộng rãi. Các nhà báo nước ngoài có sự nghi ngờ với những phản ứng kiểu này giống như là đây là quan điểm này của người thuộc chính quyền Trung Quốc hay là của một nhóm những người theo chủ nghĩa dân tộc ngoan cố đã bị tẩy não.
Tuy nhiên, những quan điểm này không thể bỏ qua. Thật ra, đối với chính quyền ở Bắc Kinh, những ý kiến như thế này giúp họ tin là cách xử lý của họ đối với cuộc biểu tình ở Hong Kong là đúng đắn.
Người dân Hong Kong ngày càng bất mãn với việc Bắc Kinh có khuynh hướng kiểm soát nhiều khía cạnh của xã hội tự do của họ trong vòng một thập niên qua. Tuy nhiên điều này xảy ra cùng lúc với sự chia rẽ ngày càng sâu sắc giữa dân Hong Kong và dân đại lục.
Thay đổi vị thế
Nhờ vào sự bùng nổ kinh tế của Trung Quốc mà những người dân ‘Hai Lúa’ nghèo khổ ở đại lục đã thay đổi vị thế trước những người dân Hong Kong một thời giàu có và cạnh tranh với cuộc sống mà họ hãnh diện vốn được đặt dưới nền pháp trị – điều mà người dân đại lục không có.
Sau khi Hong Kong được trao trả về cho Trung Quốc hồi năm 1997, hàng triệu du khách từ đại lục đã băng qua biên giới để đổ về đặc khu tư bản này của Trung Quốc mà đối với họ còn mới mẻ. Tiền của họ đã dẫn đến những hậu quả không mong muốn.
Vì người dân đại lục chưa từng trải nghiệm qua một xã hội pháp trị quy củ và vì cảm giác ta đây với túi tiền dường như vô hạn mà họ kiếm được trong giai đoạn Trung Quốc chuyển đổi, cách xử sự của họ đã khiến cho người dân Hong Kong cảm thấy khó chịu.
Hồi năm ngoái, tranh cãi xung quanh việc một bé gái từ đại lục đại tiện trên đường phố Hong Kong càng làm chia rẽ hai phần của Trung Quốc. Người dân đại lục thì than phiền rằng ở Hong Kong quá thiếu nhà vệ sinh công cộng trong khi người Hong Kong thì cho rằng dân đại lục quá kém văn minh.
“Cảm giác của nhiều người dân Hong Kong rằng họ ở một đẳng cấp cao hơn và có đặc quyền hơn đang bị thách thức nghiêm trọng,” Tiến sỹ Enze Han, một giảng viên cao cấp tại Trường Nghiên cứu châu Á và phương Đông ở London, nhận định.
Bản sắc Hong Kong
Còn ở đại lục, người dân ở đây cho là người Hong Kong ‘ghen tỵ’ với họ.
Mùa hè năm ngoái, bà Trương Tú Lan, 48 tuổi, người trở thành đại gia nhờ đầu tư ở Thượng Hải hồi những năm 2000, đến Hong Kong. Bà nhận xét: “Dân Hong Kong không thích người đại lục chúng tôi bởi vì họ không có khả năng kiếm tiền và tiêu tiền như chúng tôi.”
“Quan trọng hơn, họ kiêu ngạo quá. Nếu tôi nói tiếng Quan thoại với họ thì họ sẽ nhìn tôi bằng con mắt khác,” bà Vương nói với tôi hồi tháng trước, “Họ gọi tôi là Đại lục khách (một cách gọi có hàm ý khinh miệt là dân đại lục thô kệch).”
Tiến sỹ Han cho rằng tất cả những điều này thể hiện một bản sắc khác của người Hong Kong. Đó là bản sắc phân biệt giữa người Hong Kong với dân đại lục. Cũng chính bản sắc này là điều đã thúc đẩy thanh niên Hong Kong xuống đường bảo vệ lối sống của họ, xã hội họ và đất nước của họ.
“Tất cả những yếu tố này cộng lại đã dẫn đến sự hình thành của bản sắc bản địa rất đặc trưng của Hong Kong – một bản sắc đi gần đến chỗ phủ nhận họ không phải là người Trung Quốc,” ông Han nói thêm.
Mặc dù về công khai thì giới lãnh đạo Trung Quốc thì nói ‘quyền tự trị Hong Kong’ trong khi ở hậu trường, Chủ tịch Tập Cận Bình và các cố vấn của ông đang theo dõi tình hình Hong Kong rất sát sao.
‘Hong Kong là của Trung Quốc’
Ông Triệu Lôi, một trong những cố vấn của Chính phủ Trung Quốc, viện trưởng Viện Các vấn đề Hong Kong, Đài Loan và Macau thuộc Trường Đảng Trung ương Trung Quốc, một cơ quan nghiên cứu chiến lược hàng đầu của Đảng Cộng sản, nói:
“Khi chúng ta nhìn vào Hong Kong, chúng ta nên tự hỏi rằng Hong Kong đang đứng ở đâu trong bối cảnh Trung Quốc.
Hong Kong là một bộ phận của Trung Quốc. Hong Kong đi cùng Trung Quốc. Điều đó không thể khác được. Hong Kong phải là Hong Kong của Trung Quốc.”
Khi mà phong trào ‘Chiếm Trung Hoàn’ bắt đầu âm ỉ, truyền thông nhà nước của Trung Quốc đã đăng nhiều bài xã luận và phỏng vấn lặp đi lặp lại rằng mặc dù theo hệ thống ‘một đất nước, hai chế độ’, Bắc Kinh vẫn có tiếng nói cuối cùng trên hầu hết tất cả các vấn đề của Hong Kong.
Ông Triệu cho rằng mặc dù phong trào dân chủ ở Hong Kong đã giành được nhiều cảm tình và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, Bắc Kinh nhìn nó với ánh mắt đầy lo lắng.
“Có một câu ngạn ngữ Trung Quốc thế này: chuyện nhà đừng đem ra nói bên ngoài. Các nhà dân chủ như các ông Anson Chan và Martin Lee đương nhiên có quyền làm gì các ông ấy muốn nhưng việc các ông ấy kêu gọi các nước khác tham gia chuyện trong nhà đã làm vấn đề thêm phức tạp,” ông Triệu nói.
Điều này cũng có thể thấy rõ trong cách truyền thông Trung Quốc đưa tin về sự kiện ở Hong Kong.
‘Bàn tay đen’
Một bài báo dường như là phóng sự điều tra đăng trên tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã mô tả chi tiết Mỹ đã hậu thuẫn người biểu tình Hong Kong như thế nào và Mỹ đã lợi dụng toàn bộ cuộc biểu tình này ra sao.
Nhân dân Nhật báo gọi sự can thiệp của Mỹ là ‘bàn tay đen’.
Kể từ khi Đặng Tiểu Bình đưa ra mô hình ‘một nhà nước, hai chế độ’ hồi năm 1984, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã xem đây là cách để giải quyết các vấn đề lãnh thổ lâu đời của Trung Quốc.
Các vùng lãnh thổ này bao gồm Hong Kong, Macao, Đài Loan, Tân Cương và Tây Tạng.
Kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Hong Kong bùng nổ, đâu đâu cũng nghe đồn đoán rằng mô hình này sẽ chấm dứt. Nhưng vào ngày 27/9, Chủ tịch Tập Cận Bình lặp lại rằng Trung Quốc sẵn sàng cho Đài Loan quy chế tương tự.
Điều này cho thấy ông Tập không có ý định thay đổi mô hình ‘một đất nước, hai chế độ’.
“Cuộc khủng hoảng ở Hong Kong sẽ khiến Bắc Kinh phải suy nghĩ lại chính sách của họ,” ông Triệu nói. Nhưng thay vì ca ngợi sự dấn thân vì xã hội của giới trẻ Hong Kong, ông Triệu nói rằng Bắc Kinh nên có lập trường cứng rắn khi đối diện với yêu cầu đòi phổ thông đầu phiếu theo kiểu phương Tây của người biểu tình.
“Không nên có lộ trình cho con đường đi đến dân chủ ở Hong Kong,” ông nói, “Nền dân chủ ở Hong Kong không thể so sánh với Anh hay Mỹ. Thật ra thì người dân Hong Kong đã có dân chủ nhiều hơn người dân đại lục.”
No comments:
Post a Comment