Đăng Bởi -
Trong quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư được tận thu đá bán ra thị trường.
Tận thu hàng chục triệu m3 đá; 10 năm sau hồ... có nước!
Từ cổng vào đến khu vực khai thác đá khoảng 1 km, một con đường mới mở vừa rải đá xanh chạy xuyên qua rừng cây. Để mở con đường này, hàng trăm cây bị hạ, nhiều nhánh cây xanh còn vương vãi trên đường. Các xe ben đang hối hả lấy đá từ mỏ vừa nổ mìn để mang đến khu vực nghiền cách đó khoảng 500 m.
Trong vai người có nhu cầu mua đá, chúng liên hệ với ông Chức, người quản lý mỏ đá, hỏi mua đá để làm công trình ở Trà Vinh. Ông Chức cho biết:
“Các mỏ ở Biên Hòa hết đá rồi, chỉ có đây là số một. Tôi xuất đá đi Trà Vinh rất nhiều. Đá ở đây không phải đá phong hóa mà toàn là đá gốc. Ở đây tôi có đến 28 ha (theo hồ sơ dự án chỉ có 20 ha - PV), trữ lượng 15 triệu m3 đá nguyên khai, tương đương 20 triệu m3 đá thành phẩm, không có sức mà làm. Từ đây ra sà lan chỉ có 2 km. Chỉ riêng khu này thôi tôi đã lấy được 4 triệu m3. Loại đá mấy anh yêu cầu rất dễ làm, giá 200.000 đồng/m3 ra đến sà lan. Cả triệu m3 tôi cũng ký hợp đồng cung cấp cho mấy anh. Loại đá nguyên liệu này ít người bán lắm, tôi xay ra đá 1x2 bán rất có lời. Do trữ lượng nhiều nên tôi bán thôi” - ông Chức khẳng định.
Chúng tôi hỏi ông Chức dự án làm hồ chứa nước nhưng khai thác đá với số lượng lớn như vậy là lách luật rồi. Bởi vì khai thác hết đá phải mất ít nhất 10 năm, đồng nghĩa 10 năm sau hồ mới có nước? “Không có lách. Tôi làm dự án làm hồ chứa nước nhưng tận thu đá này. Đúng rồi, phải mất hơn 10 năm mới có nước, chúng tôi làm hồ nước cho tương lai mà…” - ông Chức nói.
Theo giá UBND tỉnh Đồng Nai tính thuế là 85.000 đồng/m3 đá, với trữ lượng gần 20 triệu m3 thì tổng số tiền tận thu từ mỏ đá ở sân bay Biên Hòa khoảng 1.700 tỉ đồng.
Trong quá trình thi công có thể tận thu hàng ngàn tỉ đồng từ mỏ đá trong sân bay Biên Hòa. |
Ô nhiễm
Anh Thành người có nhà gần mỏ đá cho biết ở đây phải nghe tiếng nổ mìn kèm dư chấn nhỏ từ khu mỏ vào buổi sáng hoặc trưa. Gần đây, vài nhà cấp bốn của dân xuất hiện vết nứt, rạn dài trên tường nhà. Nhà anh đã xây và ở bốn năm nay không sao cả nhưng gần đây cũng xuất hiện vết nứt. “Một số hộ dân phản ánh và gửi đơn lên xã, phía công ty khai thác có tiếp xúc với dân để giải quyết. Ba căn nhà hàng xóm cũng xuất hiện vết nứt gần đây đã bán lại cho mỏ đá để làm đường…” - anh Thành cho biết.
Không chỉ vậy, hằng ngày bụi từ hàng chục chuyến xe chạy ra vào mỏ đá khiến bụi bắt đầu phủ khu vực nhà anh. Theo anh Thành, phía mỏ đá cho biết khi con đường vận chuyển từ mỏ đá ra hoàn thiện thì không chỉ 20-30 chuyến như hiện nay mà 500 lượt xe ra vào/ngày và kéo dài khoảng 10 năm. Anh Thành cho biết xã Bình Hòa là xã xây dựng theo mô hình nông thôn mới. Nếu hằng ngày có 500 lượt xe ra vào thì người dân sẽ bị ảnh hưởng nặng tiếng ồn và bụi bặm.
Trung Dung – Ái Nhân (theo PLO, tựa do Một Thế Giới đặt lại)
Ông Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Khoáng sản - Than Đông Bắc:
Làm hồ hay chủ yếu khai thác đá?
Dự án làm hồ chứa nước phục vụ sinh hoạt, dự kiến khi nào hồ chứa nước, thưa ông?
Dự án này kéo dài hơn 10 năm, lúc nào đào có hồ thì mới chứa nước. Khi có nước thì phục vụ phòng cháy chữa cháy ở sân bay chứ không phải dùng trong sinh hoạt, tắm rửa, ăn uống.
Có con kênh lớn từ sông Đồng Nai vào sân bay hoàn toàn có thể phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy. Làm hồ với diện tích 20 ha với độ sâu 60 m để chữa cháy, liệu có hợp lý không?
Hợp lý hay không tùy theo góc nhìn của từng người.
Thưa ông, mục đích dự án ngoài hồ chứa nước sinh hoạt, chữa cháy còn có mục tiêu tạo cảnh quan môi trường sinh thái. Mục đích này có hợp lý không?
Không có mục đích làm hồ cảnh quan. Đâu phải là khu du lịch mà phải tạo cảnh quan cho khách xem.
Có ý kiến cho rằng mục đích làm hồ chứa nước là phụ, còn tận thu đá mới là chính?
Dự án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt chứ không phải ý kiến người này, người kia nói về dự án.
Người dân gần mỏ đá phản ánh gần đây nhà họ bị nứt, đường nhỏ xe ben ra vào thường xuyên làm ảnh hưởng đến môi trường sống của họ?
Chúng tôi vừa được cấp thẩm quyền phê duyệt cho nhận bàn giao và sẽ mở rộng con đường hiện hữu để đi. Nhà báo phải đi thực tế, đi cùng chúng tôi xem nổ mìn có bị ảnh hưởng đến nhà dân không. (Tuy nhiên, đến ngày hẹn chúng tôi liên hệ, ông Thắng cho biết đã đi công tác, hẹn lại tuần sau - PV)
Xin cám ơn ông!
Ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai:
Nếu ở khu đó, tôi cũng lo ngại!
Người dân ở gần mỏ đá lo lắng môi trường sống của họ ô nhiễm là đúng. Bản thân tôi nếu có nhà ở đó cũng lo. Hồ chứa nước không phải phục vụ cho người dân TP Biên Hòa để sử dụng mà chủ yếu trong khu vực sân bay. Sở cũng đặt vấn đề tại sao sông Đồng Nai lớn nằm cạnh sân bay và có con rạch vào thẳng sân bay mà không lấy nước mà lại làm hồ lớn để chữa cháy. Chủ đầu tư nói khi cần thiết sẽ lấy nước phục vụ cho công tác quân sự, sông Đồng Nai nhiều tàu thuyền qua lại nên chủ động lấy nước ở trong hồ.
Đây là công trình hồ chứa nước của quân đội nên địa phương không can thiệp nhưng khi vận chuyển đá ra thị trường để tiêu thụ thì sẽ ảnh hưởng đến môi trường. Trước mắt, chủ đầu tư phải làm con đường để bảo đảm việc vận chuyển không lầy lội, ảnh hưởng đến người dân. Khi vận chuyển đá thì phải làm các thủ tục đánh giá tác động môi trường theo đúng phê duyệt và cung cấp ĐTM (đánh giá tác động môi trường) để chúng tôi giám sát. Quá trình thực hiện dự án và vận chuyển đá tiêu thụ ra thị trường sẽ ảnh hưởng đến môi trường. Vấn đề là thực hiện giải pháp tối ưu nhất giảm thiểu việc ô nhiễm môi trường.
No comments:
Post a Comment