Sunday, November 30, 2014

Bẫy thu nhập trung bình: Việt Nam sẽ thua Lào, Campuchia?

(Baodatviet) - VN đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình và trong tương lai còn rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp.

GS.TS Lưu Ngọc Trịnh - Viện Kinh tế Chính trị Thế giới nói thẳng. 
PV: - Thưa ông Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế trong Báo cáo đánh giá KHCN và đổi mới sáng tạo vừa được công bố đã chỉ thẳng: Năng lực khoa học, công nghệ và sáng tạo của Việt Nam còn yếu, hệ thống sáng tạo quốc gia còn non trẻ và manh mún. Nếu không cải thiện năng lực đổi mới sáng tạo trong nước, Việt Nam có thể rất dễ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Ông bình luận như thế nào về nhận định này? Theo ông lý do nào khiến WB đưa ra nhận định này?
GS Lưu Ngọc Trịnh:- Tôi cho rằng, nhận định đó là hoàn toàn chính xác. Tại sao tôi nói vậy, tôi phải thừa nhận, trong đường lối chính sách, luôn chỉ đạo coi trọng khoa học công nghệ, giáo dục, con người tuy nhiên chính sách có nhiều nhưng chưa triển khai được bao nhiêu.

VN có nguy cơ dính bẫy thu nhập trung bình thấp


Biểu hiện đầu tiên là tốc độ tăng trưởng ngày càng chậm lại. Tốc độ tăng trưởng GDP ngày càng thấp, DN phá sản, tín dụng ngân hàng không tăng trưởng được; nợ xấu, sở hữu chéo chưa được khắc phục; khu vực sản xuất, DN tư nhân chết như ngả dạ, DNNN làm ăn thua lỗ liên miên.Những người trí thức, làm khoa học chưa được coi trọng thỏa đáng dẫn tới không có chính sách khơi dậy được những tư duy sáng tạo, năng động của con người VN. Đó là nguyên nhân khiến chỉ số sáng tạo của VN luôn thấp và còn có nguy cơ thấp hơn nữa.
Từ những yếu tố như vậy phải nhìn thêm gánh nặng nợ công ngày càng tăng, bội chi lớn… trong khi Lào và Campuchia họ vẫn luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng 7%/năm thì VN cứ lẹt đẹt 5%/năm.
Điều này đẩy VN rơi vào bẫy thu nhập trung bình như nhiều chuyên gia từng cảnh báo. Tuy nhiên, nếu VN không thay đổi thì tôi cho rằng VN sẽ rơi vào bẫy thu nhập dài dài thậm chí là bẫy thu nhập thấp.
Đã vậy, cơ hội để bứt phá vươn lên là rất khó, để thoát được bẫy thu nhập trung bình tốc độ tăng trưởng của VN phải đạt 10%. Điều này là không tưởng.
Muốn phát triển, thoát được bẫy thu nhập trung bình VN phải phấn đấu đến năm 2020 tốc độ tăng trưởng phải đạt 10%, điều này là không tưởng.
PV:- Trong khi doanh nghiệp 'ngại' đầu tư cho công nghệ nhưng có một thực tế đã được nhiều chuyên gia chỉ ra là thời gian qua Việt Nam trở thành 'bãi rác công nghệ' của thế giới, đặc biệt là nhập công nghệ lạc hậu của Trung Quốc. Thế nhưng việc ngăn công nghệ lạc hậu đến nay vẫn chưa có 'rào' hữu hiệu trong khi Thông tư 20 của Bộ KHCN nhằm hạn chế rác công nghệ thì không thực hiện được. Theo ông phải hiểu mâu thuẫn này như thế nào?
GS Lưu Ngọc Trịnh:- Đó là kết quả của những chính sách không xuất phát từ thực tế, không đáp ứng được yêu cầu đổi mới nếu không muốn nói những chính sách ban hành trong "phòng lạnh" nên xa rời thực tế, không hiệu quả.
Việc các chuyên gia cảnh báo VN sẽ thành bãi rác công nghệ của TQ không phải mới đây mới được nói đến, nhưng cảnh báo rồi mà không có giải pháp ngăn chặn thì còn nguy hiểm hơn. Tôi cho rằng, phải xem xét lại việc cho phép nhập khẩu những loại công nghệ, thiết bị này.
Nếu vẫn tiếp tục nhập máy móc và công nghệ của lạc hậu của TQ sẽ rất nguy hiểm. VN chắc chắn không thể phát triển với nền công nghệ lạc hậu, đó là còn chưa nói tới những nguy cơ, tác hại với môi trường. Cho nhập khẩu công nghệ lạc hậu, VN sẽ ngày càng phát triển thụt lùi, lạc hậu hơn so với thế giới.
Cần phải tỉnh táo lựa chọn công nghệ hiện đại, có thể chi phí ban đầu đắt nhưng tuổi thọ dài, khả năng tạo giá trị gia tăng cao.
Ở đây, có vai trò của nhà nước. Nhà nước phải đứng ra định hướng cho DN lựa chọn thiết bị thế nào, bên cạnh đó cần có những chính sách đối xử công bằng, hỗ trợ các doanh nghiệp có như vậy mới tránh cho VN trở thành một bãi rác công nghệ của TQ.
Tóm lại, tôi chỉ có thể nói, vấn đề của VN không hề khó chỉ đơn giản là VN chưa muốn phát triển. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ thể chế, chính sách, phải thừa nhận sự ngại thay đổi nhất nằm ở chính các DNNN, vì nó động chạm trực tiếp tới quyền lợi của nhiều người.
PV: - Trong khi chúng ta vẫn còn chưa có những tiêu chí rõ ràng cho việc nhập công nghệ thế nào là lạc hậu thì hiện nay Trung Quốc đang thực hiện thải công nghệ lạc hậu để vươn kịp với nền sản xuất thế giới. Nhiều chuyên gia cũng dự đoán rất có thể Việt Nam sẽ không tránh được việc nhập rác Trung Quốc lần hai. Cá nhân ông có lo ngại điều này? Theo ông liệu Việt Nam có thể tìm cho mình cửa thoát?
GS Lưu Ngọc Trịnh:- Không phải bàn cãi nhiều nữa, điều này là chắc chắn.
Theo quy luật chung của sự phát triển kinh tế thế giới khi TQ bước lên một trình độ phát triển công nghệ cao hơn thì sẽ chuyển công nghệ cũ, lạc hậu của một số ngành kinh tế công nghiệp sang nước ngoài.
VN là nước láng giềng có nguy cơ trở thành bãi rác lần hai cao hơn cả. Nó giống như bát nước bẩn được hắt đi, người gần nhất sẽ phải hứng nhiều nhất, người ở xa sẽ ít bị ảnh hưởng nhất. Đó là mối nguy cơ rõ rệt.  
Thứ hai, TQ đã nắm quá rõ văn hóa phong bì ở VN. TQ đưa phong bì để được việc họ còn VN nhận phong bì để được tư lợi đút túi nên mới có chuyện xuê xoa cho qua.
Trong khi, VN lại chủ yếu phát triển những ngành kinh tế tiêu hao nhiều năng lượng như xi măng, phân bón, điện... thiết bị lạc hậu sẽ kéo theo hiệu quả, năng suất, giá trị gia tăng tạo ra thấp.
Để ngăn chặn được tình trạng này, VN phải gấp rút đề ra và phải thực hiện bằng được những chính sách, tiêu chuẩn công nghệ.
Thứ hai, trong quá trình mua sắm công nghệ, thiết thế giới phải đấu thầu công khai, nhất là những dự án lớn, có vốn viện trợ, ngân sách, dự án cho DNNN. Có như vậy mới mong hạn chế được những thiết bị công nghệ lạc hậu, kém hiệu quả.
PV: - Theo ông nếu tiếp tục nhận công nghệ lạc hậu, hậu quả của nền kinh tế sẽ là gì? Và giờ ai là người có trách nhiệm với việc này?
GS Lưu Ngọc Trịnh:- Tôi cho rằng, câu trả lời ai cũng thấy rồi. VN sẽ không thể thoát được bẫy thu nhập trung bình, thậm chí là bẫy thu nhập trung bình thấp. Nền kinh tế sẽ thua cả Lào và  Campuchia.
PV:- Xin cảm ơn ông! 
  •  Lam Lam

No comments:

Post a Comment