Sinh viên Y thực tập ( ảnh minh họa)Vietnamplus
Hoài Vũ, phóng viên RFA 2014-10-16
Một số lãnh đạo trường y mới đây đưa ra đề nghị bổ sung môn văn trong việc xét tuyển vào các trường đại học trong khối y dược. Họ giải thích rằng các bác sĩ giỏi môn văn sẽ biết cách ứng xử với người bệnh và nhất là sẽ có y đức hơn. Tuy nhiên, đề nghị này gặp nhiều phản đối từ chính giới bác sĩ. Hoài Vũ có bài trình bài.
Một số lãnh đạo trường y dược đưa ra đề nghị bổ sung môn văn trong xét tuyển vào trường tại hội nghị hồi đầu tháng này. Theo đó, các trường sẽ tuyển chọn sinh viên với bốn môn Toán, Văn, Ngoại ngữ và Sinh học.
Khoa học mới là sự sống còn của ngành Y?
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đồng ý với đề xuất này và nên áp dụng ngay trong năm 2015. Theo bà môn văn sẽ giúp các cán bộ ngành y nói năng lưu loát, diễn đạt văn bản rõ ràng, đúng ngữ pháp. Bà cũng cho biết việc nói sai cũng dẫn đến tư duy sai và rằng sinh viên nếu giỏi cả ba môn Toán, Văn, Ngoại ngữ thì học ở đâu cũng giỏi, dù là trường Bách Khoa hay trường y, dược.
Những người đưa ra đề xuất thì cho rằng môn văn dạy người ta tính nhân văn. Vì thế, các em học sinh khi đã giỏi văn thì cũng dễ dàng biết rung cảm với những cuộc đời khốn khó, và vì thế sẽ thông cảm với người bệnh hơn. Đề xuất này bị chính các đại diện trong hội nghị phản đối vì không khả thi. Trên báo chí Việt Nam thì có hàng loạt các bài viết cho rằng xét tuyển môn văn là không hợp lý.
Bác sĩ Hùng, phải trải qua chín năm học trong các trường đại học y từ Hà Nội và TP HCM, nhận định rằng để theo học được ở các trường y tế, các em học sinh phải hiểu biết về khoa học, về các vấn đề liên quan tới y tế, chứ không phải là giỏi văn. Bác sĩ nói:
Giả sử, có y có đức nhưng mà dốt, không biết cái gì thì cũng chỉ là người phá hoại chứ làm gì? Giống như là có lòng nhân ái nhưng dốt thì cũng bằng con số 0Bác sĩ Hùng
Bác sĩ Hùng: Vấn đề trước mắt khi thi vào đâu phải là thi đạo đức đâu. Thi là để đánh giá về khoa học trước. Dĩ nhiên ngành y phải đi đôi với cả đạo đức thì mới làm được. Nhưng trước khi làm được như vậy thì phải đánh giá về khoa học trước. Giả sử, có y có đức nhưng mà dốt, không biết cái gì thì cũng chỉ là người phá hoại chứ làm gì? Giống như là có lòng nhân ái nhưng dốt thì cũng bằng con số 0 thôi.
Theo một khảo sát của báo Tuổi trẻ, trong số hơn 2.000 số phiếu bình chọn, có tới 65% trong số này phản đối việc xét tuyển môn văn vào các trường đại học y dược. Hiện tại, để vào trường y, các em phải thi các môn Toán, Sinh học và Hoá học. Các trường dược thì thi ba môn Toán, Vật lý và Hoá học.
Tiến sĩ Lê Chí Dũng, trưởng khoa Bệnh học tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM, cũng cho rằng hiểu biết về khoa học là quan trọng. Các môn Toán, Hoá học và Sinh học sẽ giúp các em có căn bản, dẫn tới có tư duy về khoa học tốt hơn. Ông nói:
Tiến sĩ Lê Chí Dũng: Sinh ngữ là cần thiết nhất bởi vì bác sĩ thì bắt buộc phải giỏi về ngoại ngữ, vì tiếng Anh là cần nhất. Văn thì nó cần chung cho tất cả mọi người, tất cả mọi người đặc biệt là làm sao nâng cao cái kiến thức chung của mọi người dân kể cả sinh viên.
Bản chất con người khó mà thay đổi được
Bác sĩ Hùng cũng tranh luận rằng, không phải cứ ai giỏi văn là người đầy lòng nhân ái, trắc ẩn. Trong trường y, sinh viên nào cũng phải học môn y đức và môn tâm lý. Tuy nhiên, việc dạy học các môn này cũng không hiệu quả. Trong bài thi giữa và cuối kỳ, sinh viên thường phải trả lời các tình huống giả định về việc hành xử với bệnh nhân. Các sinh viên cũng thường dựa vào logic bình thường để trả lời cho những tình huống này. Bác sĩ nói:
Vấn đề dạy thì dạy, nhưng tất cả là do suy nghĩ của mỗi con người. Người độc ác thì vẫn độc ác. Bản chất con người cũng khó thay đổi được, giáo dục chỉ là một phần thôi.Bác sĩ Hùng
Bác sĩ Hùng: Vấn đề dạy thì dạy, nhưng tất cả là do suy nghĩ của mỗi con người. Người độc ác thì vẫn độc ác. Bản chất con người cũng khó thay đổi được, giáo dục chỉ là một phần thôi.
Bộ Y tế Việt Nam có hẳn văn bản về 12 nguyên tắc y đức. Vấn đề y đức từ lâu đã trở thành vấn đề nhức nhối trong xã hội Việt Nam hiện nay. Nạn bác sĩ ăn tiền của bệnh nhân cũng như việc người nhà bệnh nhân đánh bác sĩ vì cho rằng không có y đức ngày càng tăng cao. Giới bác sĩ thì giải thích rằng họ gặp nhiều khó khăn trong công việc như áp lực cao, quả tải vì bệnh nhân quá nhiều trong khi lương quá thấp so với công sức bỏ ra.
Bác sĩ Hoàng tại bệnh viện Nhiệt đới Hà Nội cho hay ông vẫn đảm bảo y đức và rằng việc ông nhận tiền của bệnh nhân không phải là trái với đạo đức nghề nghiệp.
Bác sĩ Hoàng: Y đức nghĩa là khi bệnh nhân vào với mình họ không bị khổ hơn, đấy là y đức. Tức là mình làm được cái bệnh nhân muốn đấy là y đức. Chứ còn tôi chẳng hiểu theo 12 điều y đức, tôi thực hiện được bao nhiêu điều trong ấy. Tóm lại, bệnh nhân vào viện với mục đích chữa bệnh nhanh khỏi và chi phí ít nhất có thể. Nếu mình làm được 2 phần ấy là mình có y đức. Sống trong môi trường thị trường nên là người bác sĩ giữ được y đức ngày càng khó nữa. Nhưng mà tôi chẳng dám nói là tôi có y đức, nhưng tôi khẳng định là tôi chẳng phải là thất đức.
Dù vậy, các em học sinh muốn vào trường y cũng có thể tạm gác lo lắng về việc học giỏi môn văn. Hội nghị các đại diện trường y đã không thống nhất về việc đưa môn văn để xét tuyển đại học y. Để vào trường y, hiện giờ các em học sinh vẫn chỉ phải học tốt các môn Toán, Hoá học và Sinh học.
No comments:
Post a Comment