Cảnh sát Hồng Kông tiến lên giải tán biểu tình sau khi đã dỡ bỏ các rào cản tại Mongkok ngày 17/10/2014. REUTERS/Carlos Barria
Đức Tâm-Ngày 17-10-2014 16:35
Từ lâu nay, cảnh sát Hồng Kông luôn tự hào là lực lượng giữ gìn trật tự an ninh tốt nhất Châu Á, chinh phục được tình cảm, sự tin cậy của người dân. Nhưng, sau các vụ bạo hành, trấn áp người biểu tình đòi dân chủ trong những ngày vừa qua, uy tín của cảnh sát Hồng Kông bị sứt mẻ nghiêm trọng.
Kể từ ngày 28/09, thời điểm phong trào đấu tranh đòi dân chủ ở Hồng Kông trở nên sôi sục và quyết liệt hơn, cảnh sát Hồng Kông bị cáo buộc bạo hành, không vô tư, phục vụ các ý đồ chính trị.
Vụ đánh đập dã man một người biểu tình đã bị bắt, được truyền hình Hồng Kông loan tải càng làm xấu thêm hình ảnh của cảnh sát. Bên cạnh đó, cảnh sát Hồng Kông còn bị tố cáo đã nhắm mắt làm ngơ để cho những kẻ côn đồ, mafia địa phương, trà trộn vào người biểu tình và đánh đập họ.
Trước đó, tình hình đã khá căng thẳng khi cảnh sát dùng dùi cui, lựu đạn cay trấn áp người biểu tình trong tay chỉ có cây dù để chống đỡ.
Theo bà Surya Deva, giáo sư luật tại City University Hồng Kông, được AFP trích dẫn, « lòng tin giữa cảnh sát và người biểu tình đã bốc hơi. Cội nguồn của sự bạo lực này là việc chính phủ đã sử dụng cảnh sát để giải quyết một vấn đề chính trị ».
Cảnh sát Hồng Kông được thành lập năm 1844, ba năm sau khi Anh Quốc quản lý lãnh thổ này. Trong một thời gian dài của thế kỷ XX, cảnh sát Hồng Kông nổi tiếng với các vụ tham nhũng. Trong những năm 1960, ai cũng biết là cảnh sát thông đồng, nhận hối lội của mafia địa phương.
Mọi việc đã thay đổi kể từ năm 1974. Cùng với việc thành lập một ủy ban độc lập chống tham nhũng, giám sát các cơ quan chính quyền, đội ngũ cảnh sát Hồng Kông từng bước được « quét dọn ». Nhiều nhân viên cảnh sát tay nhúng chàm đã phải ra trước vành móng ngựa, một số khác bị buộc phải về hưu.
Vào lúc cảnh sát ở nhiều nước Châu Á được biết đến với các vụ bạo hành, tham nhũng, công cụ của chế độ độc tài toàn trị, thì từ hơn hai thập niên qua, cảnh sát Hồng Kông được coi là tấm gương của sự liêm khiết, làm việc có hiệu quả cao.
Hồng Kông với hơn 7 triệu dân, được đánh giá là một trong những thành phố an toàn nhất thế giới, rất ít các vụ trộm cướp, xâm phạm tới tài sản và thân thể, cho dù tình trạng bất bình đẳng xã hội rất cao và mật độ dân cư lớn. Theo các số liệu chính thức, số vụ trộm cắp tại Hồng Kông là 8,6 trên 100 ngàn dân, trong khi đó, tại New York là 243,7 và Paris là 789,8.
Đối với nhiều nhà quan sát, hình ảnh, uy tín tốt đẹp này giờ đây đã tan vỡ.
Bà Claudia Mo, dân biểu Đảng Công Dân, thuộc phong trào dân chủ Hồng Kông giải thích : « Chúng tôi thừa nhận rằng Hồng Kông được coi là một trong những thành phố chắc chắn, an toàn nhất trên thế giới. Thế nhưng, đây là vấn đề lòng tin. Nếu người dân không còn tin tưởng vào cảnh sát nữa, thì sẽ nẩy sinh nhiều vấn đề ».
Kể từ sau các vụ trấn áp, người biểu tình ở Hồng Kông khi đối mặt với cảnh sát, thường hô câu « Hắc Cảnh – Hak Ging », một cách chơi chữ, dựa theo bộ phim nói về « Xã hội đen – Hak se wui » ; thành ngữ tiếng Quảng này thường được dùng để chỉ các băng đảng tội phạm, mafia ở Hồng Kông.
Một nữ sinh viên biểu tình nói với AFP : « Cái mất lớn nhất đối với cảnh sát là lòng tin của công dân ».
Cảnh sát Hồng Kông đáp lại là họ vẫn cố gắng kiềm chế trước thái độ rất quyết liệt của sinh viên biểu tình muốn chiếm giữ thêm các địa điểm khác, gây xáo trộn cuộc sống của người dân.
Chuyên gia Sonny Lo, thuộc Viện Giáo dục Hồng Kông cho rằng cảnh sát rơi vào tình thế bị kẹt về chính trị, giữa một bên là áp lực của người biểu tình không chịu giải tán và bên kia là chính phủ từ chối nhượng bộ. Theo bà, « tình hình phải được giải quyết bằng một giải pháp chính trị. Cảnh sát không được quan tâm đến vấn đề chính trị ». Cảnh sát chỉ là một công cụ của Nhà nước, chứ không phải của một chế độ.
No comments:
Post a Comment