Friday, October 17, 2014

Hồng Vệ Binh & Dư Luận Viên (phần 1)

Nguyễn Ngọc Già (Danlambao) - “Người cộng sản là những tổ sư chuyên về phá hoại. Họ có thể biến cái hồ cá thành tô súp cá dễ như chơi. Cái mà chúng tôi phải đối đầu hôm nay là biến tô súp cá đó lại trở thành cái hồ cá”- Lech Walesa, giải Nobel Hòa bình, cựu chủ tịch Công đoàn Đoàn Kết, cựu Tổng thống Ba Lan.

Đó là cách nói nhẹ nhàng. Lẽ ra, nên nói người CS phá hoại kinh khủng, như bầy chuột khổng lồ, sinh sôi lan tràn. Phá tất cả những gì trước mắt chúng thấy. Chuột không thể nhìn xa. Chính điều này làm họ nhà chuột tự chuốc lấy thảm họa do chúng gây ra lẫn nhau. Chỉ đau đớn, bởi dân lành lại hứng chịu nhiều nhất và khốc liệt nhất.

Hồng Vệ Binh 

Tên gọi này có thể xa lạ, thậm chí mới mẻ đối với thế hệ trẻ Việt Nam. Nếu tuổi trẻ Việt Nam cảm thấy xa lạ cũng không có gì... lạ với nền giáo dục nhồi sọ như đã và đang diễn ra.

Lực lượng Hồng Vệ Binh (HVB) do Mao Trạch Đông "phát kiến" và dung dưỡng. Khởi từ đơn vị đầu tiên được thành lập tại Đại học Thanh Hoa vào ngày 29/5/1966, với mục đích tiêu diệt những kẻ thù chính trị của Mao.

HVB nảy nở nhanh chóng khủng khiếp. Từ tháng 5/1966 đến tháng 8/1966, chỉ vỏn vẹn hơn 3 tháng, lực lượng này đã lôi kéo được hàng triệu người tham gia, hầu hết trong đó đều là học sinh - sinh viên.

Ngày 18/8/1966, trận "đại dịch hạch" bắt đầu, với cả triệu con chuột từ khắp nơi Trung Quốc mang bộ lông xám xịt tăm tối và dơ bẩn, tràn về Bắc Kinh yết kiến "vua các loài chuột" - Mao Trạch Đông. Xuất hiện tại quảng trường Thiên An Môn, "chi trên" của "Chuột Chủ" nổi bật với chiếc băng đỏ, chứng tỏ ủng hộ phong trào và xiển dương hành động của bầy chuột khổng lồ đang sắp hàng nghiêm cẩn phía dưới, lắng nghe cái gọi là "phát triển XHCN và dân chủ" do Mao Chủ Chuột khẩu dụ.

Thời bấy giờ, khoa học - kỹ thuật còn lạc hậu ở châu Á cũng như internet chưa hề xuất hiện. Có lẽ vì thế, tuổi trẻ dễ bị kích động bằng những lời "mây gió" và khi họ được nâng lên "chín tầng mây" thì không có gì họ không dám làm, với đầu óc đã bị "Chúa Chuột" nhồi sọ xong và hóa kiếp họ trở thành hàng triệu chú chuột dưới lốt người, với 2 chi dưới và 2 chi trên sử dụng thuần thục mọi loại võ khí để... giết người trong bộ não "quỷ chuột"!

Tất nhiên, không thể thiếu bộ phận "mỏ", đó là bộ phận sắc bén nhất, ghê tởm nhất. "Mỏ chuột" không chỉ dùng để gặm nhấm, phá phách mà còn nổi bật với biểu trưng như là "vũ khí" độc nhất vô nhị, không loại vũ khí nào sánh nổi vời thời bấy giờ tại Trung Hoa. Vũ khí đó hiệu quả ở chỗ: hạ gục tuyệt đối nạn nhân một cách đau đớn nhất lại... "bất kiến huyết". Bầy chuột dưới lốt người hiểu quá rõ "điểm yếu" con người: Lương Tri - đó là tính Người và đó cũng là tai họa khi Người buộc phải chiến đấu với Quỷ Chuột!

Rùng rùng kéo đến như đội quân bóng đêm trong bộ phim "Xác Ướp Ai Cập", đi tới đâu quyền lực bóng đêm của Mao phủ trùm đến đó. Một loại quyền năng ghê gớm trị vì trên cát, dù tạm bợ nhưng để lại hậu quả vô cùng thê thảm trong lịch sử Trung Hoa.

Phim kinh dị có thật

Cũng từ đó, mây đen vần vũ và giông bão ào ạt kéo đến bao trùm toàn bộ Đại Lục, như phim kinh dị với những tín hiệu chết chóc kinh hoàng...

Ngày 5/9/1966, một thông cáo được ban hành, khuyến khích tất cả HVB đến Bắc Kinh trong một quãng thời gian với tất cả chi phí, bao gồm ăn ở và đi lại sẽ được chính quyền chi trả. Trước đó, 22/8/1966, Mao cũng ra một chỉ thị, cấm mọi sự can thiệp từ phía cảnh sát vào hoạt động của HVB. Bất kỳ viên công an nào làm trái sẽ bị gán cho tội danh "phản cách mạng".

Từ đó, lực lượng này trở thành đội ngũ kiêu binh hùng hậu, dũng mãnh, tàn ác và tung hoành ngang dọc trong việc phá hoại tất cả những gì có thể, vào lúc bấy giờ tại Trung Hoa. Lực lượng điên cuồng này không tha cả chùa chiền, nhà thờ, tu viện Hồi giáo và các nghĩa trang, bằng cách cướp phá hoặc đập bỏ. Đặc biệt lãnh vực văn hóa đã bị họ phá tan hoang.

Chỉ riêng về con người bị tàn sát, theo một báo cáo chính thức vào tháng 10/1966, HVB đã bắt giữ 22.000 người gọi là "phản cách mạng". Nhiều người bị bắt rồi bị giết, bị tra tấn đến chết hoặc tự tử do không chịu được nhục nhã mà không rõ về số lượng. Trong tháng 8 và tháng 9 năm ấy, chỉ riêng ở Bắc Kinh đã có 1.772 người bị giết chết. Tại Thượng Hải, trong tháng 12 có 704 vụ tự tử...

Không dừng tại đó, ngày 22/7/1967, Giang Thanh (vợ thứ tư của Mao) trực tiếp bật đèn xanh cho HVB, có thể thay thế Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa, nếu thấy cần thiết. Sau khi được sự khích lệ của Giang Thanh, HVB bắt đầu cướp phá các doanh trại và các tòa nhà quân đội. Hành động này kéo dài tới tận mùa thu năm 1968, mà không bị các tướng lĩnh quân đội ngăn chặn.

Ngay cả Tử Cấm Thành nếu không có sự bảo vệ của quân đội, do Chu Ân Lai bí mật phái đến, nó cũng không còn tồn tại. Chi tiết này làm người ta liên tưởng đến các bộ phim vua chúa tranh giành thuở xa xưa, chúng ta có thể tìm thấy trong các bộ phim kiếm hiệp-dã sử của Trung Hoa.

Sự tàn phá hỗn loạn và giết chóc rùng rợn tột độ. Đó là kiếp nạn người Trung Hoa hứng chịu do HVB gây ra.

Ban đầu, khi thành lập lực lượng HVB, Mao nhằm sử dụng để thanh trừng bè phái, đấu tố những đảng viên, tướng lĩnh chống y cũng như thanh toán người dân bất đồng chính kiến lúc bấy giờ. Nhưng Mao cùng "Bè lũ bốn tên" (có Giang Thanh trong đó) đã mất kiểm soát, bởi đầu óc quá điên cuồng và độc địa, do đó, tình hình bị cuốn xoáy mãnh liệt không cưỡng nổi.

Nạn nhân điển hình với thành ngữ "Chừ tui liều mạng" [*]

Trật tự xã hội bị đảo lộn đến tận cùng trong một đất nước hoàn toàn vô chính phủ, với việc vô hiệu hóa quân đội và công an. Việc gì đến phải đến...

Nạn nhân tiêu biểu của tai kiếp này chính là Bành Đức Hoài. Mang danh là một nguyên soái và trung thành tuyệt đối với lý tưởng cộng sản, HVB cũng không coi họ Bành ra gì, với sự "bảo kê" của Mao và "bè lũ bốn tên".

Trong những tài liệu sau này, số phận của Bành Đức Hoài bị đày đọa, dẫm đạp và sỉ nhục đến không còn ra con người do HVB gây ra.

Ngày 25/12/1966, HVB giải Bành Đức Hoài đến nhà ga, vừa kéo vừa đẩy, bắt ông phải lên con tàu đi Bắc Kinh. Giữa khuya, HVB không để ông già 68 tuổi ngủ yên mà thay nhau “thét vào tai ông”, bắt khai rõ những “tội trạng phản cách mạng” ngay trên tàu. Rạng sáng 26/12, ông quá khát nước, lảo đảo lần bước vào buồng vệ sinh “vặn vòi nước, vụm hai tay vốc lên mấy vốc, ghé miệng uống ừng ực.

Ở phân đoạn khác:

Giờ đây vị nguyên soái ấy từ toa lét bước ra với hình hài tiều tụy đang bị đám HVB vô danh quát mắng, có tên giơ tay đòi đánh, ông ngẩng mặt lên nói rõ từng tiếng một:

“Ta già rồi, năm nay đã gần 70 tuổi, hồi ta còn trẻ, một mình ta đánh gục 20 người, đánh đến mức kẻ nào bỏ chạy thì bỏ chạy, kẻ xin tha mạng thì tha cho, nhưng không bao giờ ta đánh một ông già”.

Chẳng cần nghĩ tới đạo lý của câu nói ấy, đến Bắc Kinh, hơn 60 HVB theo khẩu lệnh của Giang Thanh đã lôi Bành Đức Hoài ra trước Học viện Hàng không đấu tố lần thứ nhất vào 19/7/1967.

Lúc say máu, một HVB khỏe mạnh đã nhảy luôn lên bàn mắng nhiếc, gọi ông bằng mầy: “Mầy chống Mao chủ tịch phải không?”, rồi đấm mạnh vào mặt. Ông già loạng choạng ngã xuống. Đám còn lại túa đến lôi ông dậy đánh tiếp đến ngất xỉu, đưa vào bệnh viện 267. Kiểm tra X-quang thấy sườn bên phải gãy xương số 5, nứt xương số 10, máu tụ ngực trái, tổn thương nặng ngực phải.

Sau khi Bành Đức Hoài bị bắt và bị đánh đập, tra tấn, ép buộc phải thú nhận "tội lỗi phản cách mạng" nhưng không được, chúng nhốt ông ta trong một doanh trại quân đội ở ngoại ô phía tây Bắc Kinh với điều kiện vệ sinh tồi tệ, không được chăm sóc y tế.

Từ đó đến năm 1971, tổ chuyên án tiếp tục thẩm vấn ông lạnh lùng và dã man với hơn 150 lần, dẫn đến phải nằm liệt giường, tàn phế. Bác sĩ trại giám sát biết không chữa chạy nổi mới chuyển ông vào bệnh viện Quân giải phóng. Tỉnh dậy, ông thấy tờ bệnh án treo ở đầu giường không viết tên mình (để bảo mật), thay vào đó bằng con số: “Họ tên: 145” (lấy tên giường số 5, buồng 14). Ông uất ức la to:

- Ta không phải con số 145! Ta là nguyên soái Bành Đức Hoài!.

Sau nhiều đày đọa tàn khốc, tháng 4/1973, Bành Đức Hoài được xác định là bị ung thư trực tràng ở giai đoạn cuối. Do suy nhược sau khi mổ, tâm trạng tồi tệ, mọi cố gắng của bác sĩ không cản được tế bào ung thư nhanh chóng lan rộng. Bành Đức Hoài dặn dò các cháu: "Sau khi bác chết, hãy chôn tro xương của bác về quê, chôn xuống đất, bên trên trồng một cây ăn quả, tro xương có thể làm phân bón, để bác báo đáp mảnh đất quê hương lần cuối cùng, báo đáp bà con thân thuộc". Tháng 10/1974, Bành Đức Hoài ở trong tình trạng thường xuyên bị hôn mê, chỉ dựa vào truyền dịch để duy trì sự sống. Ông ta qua đời ngày 29/11/1974, trung thành với lý tưởng cộng sản, nhưng vẫn giữ những bất đồng ý kiến với Mao Trạch Đông.

Hồng Vệ Binh tan rã

Cho đến khi, mức độ tao loạn phủ trùm Trung Quốc tựa những đập thủy điện vỡ toác, xối xả vào đầu dân chúng, tháng 12/1968, Mao cho triển khai phong trào "Tiến về nông thôn", lẹ làng đưa hàng trăm ngàn trí thức trẻ (nòng cốt của HVB) về các vùng xa xôi hẻo lánh với phương châm "sống, lao động và học hỏi kinh nghiệm của những người nông dân". Dưới chiêu bài êm ái đó, Mao đã thành công trong việc "vắt chanh bỏ vỏ" bằng việc tống khứ họ về nơi ít có thể gây loạn nhất. HVB từ đó tan rã.

Sau này, những người Trung Quốc ở tuổi 15 đến 25 trong thời Cách mạng Văn hóa thường được gọi là "Thế hệ bỏ đi" vì học hành dang dở, với quá khứ thấm đẫm máu đồng bào Trung Hoa của họ, cũng như gặm nhấm nỗi đau từ những tháng năm cuồng điên đến độ đánh mất hết lương tri và lý trí từ lá bài "Nhồi Sọ" của tên tội đồ Mao Trạch Đông.

Đó là vết nhơ không tẩy xóa được trong lịch sử tàn ác của ĐCSTQ và cũng là vết thương nhức buốt của người Trung Hoa cho đến tận ngày nay.

Bóng dáng Hồng Vệ Binh Việt Nam

Những năm xảy ra nạn HVB tại Trung Quốc, có lẽ do "may mắn", bởi thời gian đó CSVN tập trung sức người, sức của cho "sự nghiệp chống Mỹ cứu nước" đến... "người Việt Nam cuối cùng" theo lệnh Vua Chuột Mao Trạch Đông, nên đồng bào miền Bắc tránh khỏi tai kiếp này chăng???

Có lẽ vì thế, xã hội VN sau này không mặn mà lắm với tai ương khủng khiếp của dân tộc láng giềng. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa "gene quỷ chuột" không có tại VN. Nó ngấm ngầm và âm ỉ qua nhiều biểu hiện HVB miền Bắc và cả miền Nam sau này, đặc biệt đến nay vẫn còn đó.

Một hiện thân HVB gớm ghiếc nhiều người biết - Đông La. Con chuột này sẵn sàng mắng chửi không tiếc lời và kêu người khác bằng "thằng", bất kể đó là những người CS "phản nửa tỉnh nửa mê" hay "đối lập trung thành" và bất chấp tuổi tác.

Một hiện thân ghê rợn HVB nữa có tên Nguyễn Văn Minh. HVB này - nhân việc ông Lê Hiếu Đằng bỏ đảng - đã mạ lị kinh hoàng ông Đằng và tiện thể chửi luôn những người CS khác. Lời lẽ không hề cho thấy hắn còn một chút lương tri làm người nào cả. Nay ông Đằng đã mất, người viết bài này xin dẫn ra những lời của Minh Chuột với tấm thân trong lớp vải màu xanh cứt ngựa làm ô danh "người lính":

"...có một thực tế thật chua chát, nếu như không muốn nói là hèn bẩn của ông Lê Hiếu Đằng khi ông tuyên bố “ra khỏi Đảng”, “trả thẻ Đảng” [...] sao không “tuyên bố” “ra khỏi, trả luôn” sổ lương hưu, biệt thự, nhà cửa và nhiều ưu đãi mà ông có được nhờ đi theo Đảng Cộng sản. Đương nhiên là ông không dám, không thể. Trong vấn đề này thì ông Đằng cũng như không ít “nhơn sĩ, chấy thức”, “rận chủ” khác bao năm nay hàng ngày vẫn ăn lương Nhà nước, thậm chí đi làm ở cơ quan Nhà nước nhưng lại tỏ ra cấp tiến, chống phá chính Nhà nước ấy. Hành động kiểu ăn cháo đá bát này thì chỉ có bọn nhân cách mõ mới thế mà thôi..."

Tâm địa Nguyễn Văn Minh đối với một người luống tuổi, bịnh hoạn nặng nề và chuẩn bị ra đi đã giúp cho bộ mặt chuột ngang bè phô đầy đủ gene di truyền từ loài quỷ chuột mang tên HVB. 

Nếu hai con chuột Đông La - Nguyễn Văn Minh sinh ra và đủ lớn tại miền Bắc VN (vào thời HVB hoành hành bá đạo) có Hồ Chí Minh hay Lê Duẩn, Lê Đức Thọ bật đèn xanh, ai dám nói nạn kiếp HVB Việt Nam không xảy ra và ai dám bảo đảm La - Minh không hành xử với Võ Nguyên Giáp như bầy HVB Tàu cộng đã đối xử với Bành Đức Hoài, không khác một con vật???

(còn nữa)



____________________________________

[*] Thành ngữ "Chừ tui liều mạng" của tác giả Cao Đắc Tuấn. Ý nghĩa: Liều mạng chống lại "kẻ cùng phe hoặc đồng bọn. 

Bài viết được tham khảo từ tài liệu: 

- Wikipedia về "Hồng Vệ Binh", "Bè lũ bốn tên", Mao Trạch Đông, Bành Đức Hoài, Giang Thanh.

- Sáu kỳ về loạt bài "Mật lệnh sau bức tưởng đỏ" của báo Một Thế Giới
http://motthegioi.vn/quoc-te/ky-3-mat-lenh-sau-buc-tuong-do-80827.html (có ảnh Bành Hoài Đức bị đấu tố rất tàn độc và ti tiện).

- Trang blog của Nguyễn Văn Minh - (hình như?) trung tá, quân đội nhân dân = quận dận nhân đôi = quân dận nhân hai = quân hại nhân dân. Ha ha ha! 

No comments:

Post a Comment