Friday, October 17, 2014

Báo cáo chống tham nhũng tại Việt Nam: ‘...vẫn diễn ra phức tạp’

HÀ NỘI (NV) - Báo cáo của chính quyền Việt Nam gửi Quốc Hội về phòng chống tham nhũng khoe thành tích “có tác dụng răn đe nhất định” nhưng “vẫn diễn ra phức tạp.”

Bản báo cáo về “công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2014” mà chính quyền trung ương “vừa gửi tới các đại biểu Quốc Hội, phục vụ cho kỳ họp thứ 8 dự kiến khai mạc tuần tới” với nội dung tóm tắt như thế, giống cái điệp khúc “đến hẹn lại lên” quen thuộc từ lâu nay.


Một hội nghị chống tham nhũng ở Lạng Sơn. (Hình: langson.gov.vn)

Bản báo cáo nói rằng trong năm qua, “Viện Kiểm Sát (VKSND) các cấp đã truy tố 329 vụ/751 bị can về tội tham nhũng (tăng 20 vụ so với cùng kỳ năm trước). Cục Ðiều Tra của Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao đã khởi tố 16 vụ/14 bị can có hành vi tham nhũng trong hoạt động tư pháp.”

Theo đó “Tòa án (TAND) các cấp đã xét xử sơ thẩm 287 vụ, 675 bị cáo về các tội danh tham nhũng (tăng 9 vụ, 91 bị cáo so với năm 2013), trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 41.2 %; số bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm 21.3% (năm 2013 là 31.2%). Ðặc biệt là đã xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng được dư luận quan tâm.”

Sau khi đưa ra các chi tiết như vậy bản báo cáo “đánh giá” về tình trạng tham nhũng ai cũng biết tràn ngập từ thượng tầng đến xã ấp “sách nhiễu, vòi vĩnh” thậm chí mặc cả tiền hối lộ ngay ở chỗ gọi là cơ quan tư pháp, bản báo cáo viết rằng “tình hình tham nhũng trong khu vực công vẫn còn nghiêm trọng, diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công. Tham nhũng ngày càng tinh vi, khó phát hiện do các đối tượng tham nhũng thường có chức vụ, quyền hạn, có trình độ hiểu biết pháp luật, quan hệ rộng, liên kết với nhau thành các nhóm lợi ích.”

Không thấy nói rõ ra, chỉ đích danh địa điểm tham nhũng, nhưng bản báo cáo gián tiếp nhìn nhận nó đang diễn ra khắp nơi. Bản báo cáo kêu ca, cũng như bao nhiêu lần trước, rằng giới chức cán bộ tham nhũng “ngày càng tinh vi, khó phát hiện do các đối tượng tham nhũng thường có chức vụ, quyền hạn, có trình độ hiểu biết pháp luật, quan hệ rộng, liên kết với nhau thành các nhóm lợi ích.”

Mới ngày Thứ Tư, 15 Tháng Mười, Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang vào Sài Gòn tiếp xúc với cử tri chọn lọc của ông, kêu rằng “một bộ phận không nhỏ” tham nhũng “bây giờ không biết nằm ở đâu.”

Ông Sang kêu rằng: “Dân hỏi mãi, đảng hỏi mãi nhưng không trả lời được. Từ trung ương đến cơ sở đều lúng túng chỗ này.”

Trước ông Sang hơn tuần lễ, ngày 6 Tháng Mười, Tổng Bí Thư Ðảng CSVN Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri chọn lọc đều là đảng viên cốt cán nghỉ hưu ở Hà Nội kêu rằng cuộc chiến chống tham nhũng của chế độ “phức tạp và quá khó,” theo tường thuật của VietNamNet.

Có nghĩa là nó luồn sâu, leo cao trong guồng máy chuyên chính độc tài của chế độ. Cho nên, ông nhắc nhở rằng “đánh con chuột đừng để vỡ bình.”

Chuột là những đảng viên cán bộ tham nhũng, còn cái bình hiển nhiên ông ám chỉ tới đảng độc tài của ông. Một năm trước, trong một cuộc tiếp xúc với nhóm cử tri đó, ông đã nhìn nhận “tham nhũng như ngứa ghẻ,” “cái gì cũng phải tiền, không tiền không trôi.”

Chỉ một ngày trước tin ông chủ tịch nước than thở về tham nhũng ở Sài Gòn, báo Tuổi Trẻ tường thuật cuộc phỏng vấn ông Phí Ngọc Tuyển, cục phó Cục Chống Tham Nhũng thuộc Thanh Tra Chính Phủ. Trong cuộc phỏng vấn, ông nhìn nhận Việt Nam, “hiện đứng thứ nhì thế giới về số lượng bản kê khai tài sản với gần 1 triệu người kê khai, nhưng trong năm qua chỉ có năm người thuộc diện kê khai phải xác minh và chỉ có một người bị xử lý kỷ luật do kê khai không trung thực.”

Các lý do căn bản để tham nhũng tràn lan là vì dù có phải kê khai tài sản và khai gian, khai láo cho qua chuyện, các bản kê khai này không được công bố công khai để dân giám sát. Thêm nữa, như ông Phí Ngọc Tuyển nói: “Thanh Tra Chính Phủ không có thẩm quyền ra quyết định xác minh tài sản, thu nhập cá nhân. Việc ra quyết định xác minh thuộc thẩm quyền của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý người được xác minh.”

Nếu ông “đứng đầu cơ quan” tham nhũng lại “xác minh” thật tài sản của ông thì trở thành tay phải đánh tay trái. Giới blogger lề trái có rất nhiều bình luận về các lời phát ngôn của ông tổng bí thư cũng như ông chủ tịch nước.

Trên trang mạng Dân Làm Báo, ông Hà Sĩ Phu thuật tóm tắt lại nhận định của nhiều người về trò diệt chuột giữ bình của ông Nguyễn Phú Trọng rằng: “Thực tiễn nước ta hiện nay không có bình nào là bình ‘quý’ cả, vì bình chẳng những là nơi ẩn nấp của chuột mà còn là nơi sinh ra chuột. Cuối cùng thì chính bình còn tệ hại hơn chuột, bình mới là cái cần diệt trước rồi mới diệt được chuột.” (TN)
10-16- 2014 6:43:09 PM
Theo Người Việt

No comments:

Post a Comment