Friday, October 17, 2014

Thoái thác, không nhận kiến nghị bạch hóa Hội Nghị Thành Ðô

HÀ NỘI (NV) - Những người đại diện cho Mạng Lưới Blogger Việt Namkhông thể trao kiến nghị yêu cầu bạch hóa Hội Nghị Thành Ðô cho Phòng Tiếp Dân của Quốc Hội Việt Nam tại Hà Nội và Sài Gòn.

Theo tin từ một số diễn đàn điện tử, blog và trang facebook trên mạng xã hội, hai phòng tiếp dân của Quốc Hội CSVN tại Hà Nội và Sài Gòn đã cùng đóng cửa vào ngày 16 Tháng Mười. Cảnh sát và an ninh mặc thường phục thì vây kín bên ngoài, không để những người đại diện Mạng Lưới Blogger Việt Nam lọt vào bên trong để trao kiến nghị của họ.


Những người đại diện của Mạng Lưới Blogger Việt Nam đến trụ sở của Quốc Hội Việt Nam tại Hà Nội. (Hình: Blog Dân Quyền)

Hội Nghị Thành Ðô, diễn ra năm 1990 giữa lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc, bàn về việc bình thường hóa quan hệ Việt-Trung mà hai bên trở thành thù nghịch sau cuộc chiến biên giới năm 1979. Nội dung hội nghị này được giấu kín.

Cách nay vài tháng, sau khi xảy ra xung đột về chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa, Tân Hoa Xã và Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc loan báo, tại hội nghị này, đại diện Việt Nam thỏa thuận "chấp nhận làm một khu vực tự trị thuộc chính quyền trung ương tại Bắc Kinh như Trung Quốc đã dành cho Nội Mông, Tây Tạng, Quảng Tây... Phía Trung Quốc đồng ý và chấp nhận đề nghị này và cho Việt Nam thời gian 30 năm (1990-2020) để đảng Cộng Sản Việt Nam giải quyết các bước cần thiết cho việc gia nhập đại gia đình các dân tộc Trung Quốc.”

Nội dung vừa kể khiến nhiều người Việt, trong đó có cả cán bộ và đảng viên Cộng Sản Việt Nam, choáng váng, bởi trên thực tế, rõ ràng là chế độ CSVN đã tỏ ra hết sức bạc nhược trong quan hệ Việt-Trung dẫu cho lối hành xử của Trung Quốc càng ngày càng càn rỡ. Ðó cũng là lý do không chỉ dân chúng mà ngay cả cán bộ, đảng viên CSVN cũng muốn chính quyền phải bạch hóa nội dung Hội Nghị Thành Ðô.

Hồi đầu tháng trước, có sáu viên tướng và 14 sĩ quan, đa số là đại tá của cả quân đội và công an, đã gửi thư cho chủ tịch nhà nước và thủ tướng kèm ba kiến nghị, liên quan đến việc đối xử và sử dụng “lực lượng vũ trang nhân dân.” Tại Việt Nam “lực lượng vũ trang nhân dân” bao gồm cả quân đội lẫn công an.

Kiến nghị đầu tiên là không sử dụng quân đội và công an đàn áp dân chúng khi họ bảo vệ hoặc đòi hỏi quyền lợi hợp pháp của họ như biểu tình bày tỏ tinh thần yêu nước, chống cưỡng đoạt đất đai. Làm như thế “lực lượng vũ trang nhân dân” sẽ suy yếu vì không thể dựa vào dân.

Kiến nghị thứ hai đòi hỏi cống hiến của “lực lượng vũ trang nhân dân” phải được ghi nhận thỏa đáng và gia đình của họ phải được chăm sóc chu đáo. Kiến nghị lên án việc phớt lờ cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 và những người lính đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên biển. Hai mươi sĩ quan cao cấp ký tên vào kiến nghị khẳng định đó là sai lầm và yêu cầu “đừng tái phạm.”

Kiến nghị thứ ba yêu cầu minh định kẻ thù vì “không thể mơ hồ biến thù thành bạn hoặc coi bạn là thù.”

Những người ký tên vào kiến nghị khẳng định, đối tượng tác chiến của quân đội Việt Nam phải là những thế lực có thể đe dọa chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ cả trong hiện tại và tương lai, chứ không thể là những đối thủ đã thuộc về quá khứ.

Tương tự, đối tượng khống chế của công an phải là những kẻ vi phạm hiến pháp, pháp luật, ở cả trong bộ máy cầm quyền, chứ không thể là những dân lành vô tội.

Các sĩ quan cao cấp ký tên vào kiến nghị đòi hỏi, dân chúng-những người chủ quốc gia và “lực lượng vũ trang nhân dân”-lực lượng bảo vệ quốc gia phải được biết chính xác về hoàn cảnh thực tế của quốc gia. Cũng vì vậy, nhà cầm quyền Việt Nam phải báo cáo rõ ràng về thực trạng quan hệ Việt-Trung và về những hiệp định liên quan đến lãnh thổ, biển, đảo, những hợp đồng kinh tế ảnh hưởng lớn đến an ninh và chủ quyền của quốc gia.

Họ yêu cầu chủ tịch nhà nước và thủ tướng công bố thỏa thuận tại Hội Nghị Thành Ðô. Ðồng thời khẳng định, toàn dân và toàn quân không thể chấp nhận thái độ thể hiện sự thần phục Trung Quốc và cần công khai, minh bạch thực trạng quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Sau kiến nghị vừa kể, phong trào “Chúng Tôi Muốn Biết” thành hình, nhưng mới đây, Việt Nam tìm cách ngăn chặn những người đại diện không thể chính thức trao kiến nghị đòi bạch hóa Hội Nghị Thành Ðô cho Quốc Hội Việt Nam. (G.Ð.)

10-16- 2014 3:11:15 PM
Theo Người Việt

No comments:

Post a Comment