HÀ LINH 17/10/14 06:44
(GDVN) -Hiệu trưởng chuyên quyền, thiếu minh bạch thu chi, có nhiều khoản thu lạ đời, khó hiểu…đến mức thu cả tiền "ủng hộ nhân dân đảo Gạc Ma" thì giáo viên cũng chịu!
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam vừa nhận được phản ánh của tập thể giáo viên trường THPT Nguyễn Hữu Tiến – huyện Hóc Môn, TP.HCM về những việc lùm xùm, bê bối trong cách điều hành của Hiệu trưởng Đào Thị Kim Nhi, xảy ra tại ngôi trường này đã lâu nhưng vẫn chưa được cơ quan nào giải quyết dứt điểm.
Trường THPT Nguyễn Hữu Tiến, huyện Hóc Môn, TP.HCM (ảnh: website trường) |
Cụ thể, theo phản ánh của cô Bạch Thị Thanh Duyên và rất nhiều giáo viên khác đang giảng dạy tại trường THPT Nguyễn Hữu Tiến, theo quy chế chi tiêu nội bộ năm học 2013 – 2014 và những năm học trước tại trường, số tiền học phí buổi thứ 2 thu được của các học sinh sẽ được chi cho: 65% dành cho giáo viên trực tiếp đứng lớp, 15% chi cho các bộ phận phục vụ gián tiếp, 20% chi cho các hoạt động khác.
Thế nhưng, thông tin với phóng viên, cô Duyên khẳng định, nhà trường đã không làm đúng quy định này khi kế toán của trường trích 40% của số tiền này để lập quỹ riêng không rõ ràng, không có chứng từ, chỉ chi 65% của 60% còn lại (mỗi tiết chỉ trả 65.000 đồng cho GV dạy khối 10, 11, 75.000 đồng cho GV dạy khối 12), chi cho bộ phận gián tiếp là 40% (của phần 60%) dùng để cho thi lại, khen thưởng học sinh đậu ĐH, bồi dưỡng học sinh giỏi, tiền trả dư giờ dạy…
Những thông tin phản ánh với PV từ phía các giáo viên trường Nguyễn Hữu Tiến (ảnh: H.L) |
Qua 4 lần tổ chức những cuộc họp với các giáo viên của trường, hiệu trưởng Đào Thị Kim Nhi mới đồng ý trả thêm cho mỗi giáo viên tham gia giảng dạy 51.000 đồng/tiết học. Khi các giáo viên đòi truy thu số tiền cho những năm học trước, thầy hiệu phó Dương Năm trả lời rằng: Số tiền đã qua thì cho qua luôn, không thể truy thu lại được, mong các thầy cô thông cảm.
Những khoản thu lạ đời, khó hiểu
Ngoài khoản thu tiền học phí hai buổi, mỗi tháng, cô Hiệu trưởng Kim Nhi còn cho thu thêm của học sinh khối lớp 10, 11 là 50.000 đồng/HS/tháng, khối lớp 12 là 70.000 đồng/HS/tháng. Nghiêm trọng hơn, năm ngoái, cô Nhi bắt mỗi HS khối lớp 12 cuối năm phải đóng thêm 200.000 đồng/HS thì mới được lấy phiếu báo danh để dự thi tốt nghiệp THPT.
Việc thu thêm tiền này đã vô tình đưa phụ huynh học sinh vào thế là nếu không có tiền đóng cho con thì không có phiếu báo danh để đi thi, HS thì bị rơi vào trạng thái khủng hoảng tâm lý trước ngày thi, Hiệu trưởng nói với các phụ huynh là thu thêm tiền để bồi dưỡng giáo viên dạy lớp 12, nhưng trên thực tế hoàn toàn không có chuyện này xảy ra.
Mỗi học sinh của trường phải đóng tiền quỹ hội phụ huynh học sinh là 170.000 đồng/HS/năm học. Hiện trường có tới 1.300 học sinh, tức tiền quỹ hội này lên đến 221 triệu đồng, nhưng khi một số lớp học xảy ra tình trạng quá nóng bức, nhất là thời tiết vào những ngày hè, thì cô Hiệu trưởng kiên quyết không cho lắp quạt máy.
Bảng công khai thu chi tài chính tiền thu học phí 2 buổi của học sinh khối lớp 12 (ảnh: H.L) |
Chỉ đến khi giáo viên và phụ huynh lên tiếng quá gay gắt, thì cô Đào Thị Kim Nhi mới tuyên bố: Lớp nào nếu muốn hết nóng thì phải tự đi mua, tự thuê thợ về để gắn quạt. Do vậy, các lớp học phải tự trang bị quạt, mỗi lớp một kiểu, trông rất nhếch nhác, mà trường chỉ mới thành lập được 10 năm.
Quạt cho HS không có, quạt cho giáo viên hư cũng không sửa hay thay mới, hoặc nếu có sửa thì cũng phải sau vài tháng. Quạt trần của lớp học thì cũ kỹ, rung lắc liên tục nhìn cũng thấy rất nguy hiểm cho học sinh.
Năm ngoái, cô Nhi thu tiền của mỗi lớp học 200.000 đồng tiền mua xích đu, được 10 lớp đóng, có 2.000.000 đồng để mua. Nhưng đã 1 năm nay thì cũng chẳng ai nhìn thấy chiếc xích đu này ‘đi về đâu’. Năm nay, cô Hiệu trưởng lại tiếp tục vận động phụ huynh đóng tiền mua máy chiếu với: lớp 10 đóng 400.000 đồng/HS, lớp 11 đóng 300.000 đồng/HS và lớp 12 đóng 200.000 đồng/HS.
Nói đóng khoản thu này là tự nguyện, nên chỉ có 3/32 lớp của trường đồng ý đóng, chỉ đạt được 50% kinh phí dự trù để mua, nên cho tới nay vẫn chưa thể mua máy chiếu. Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Hữu Tiến đã thông báo sẽ tiếp tục vận động khoản thu này, để cho tiến hành lắp đặt máy chiếu ở lớp học.
Tại báo cáo tài chính 2014 của trường có thông báo mua 20 máy vi tính với tổng số tiền là 190 triệu đồng, nhưng chờ mãi không thấy máy, giáo viên đem thắc mắc này hỏi thầy Hiệu phó Dương Năm thì được trả lời là chưa đem về vì không có chỗ để. Thấy các giáo viên truy vấn đề này nhiều quá, một thời gian sau, thầy Hiệu phó mới đem số máy vi tính này về trường, nhưng lạ thay lại để ở phòng Hiệu phó, vì thầy trả lời “Do không có phòng máy vi tính”. Các giáo viên thắc mắc: “Nếu không có phòng máy vi tính thì mua máy làm gì cho tốn tiền?”
Phiếu lương tháng 5/2014 có ghi rõ: Đóng góp 100.000 đồng ủng hộ nhân dân đảo Gạc Ma |
Một vấn đề nữa, theo phản ánh của các học sinh khối lớp 12 (đã tốt nghiệp) với giáo viên, các em muốn lấy giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời (3 bản), để đi thi ĐH đã phải đóng 50.000 đồng, rút sổ sinh hoạt Đoàn tại trường phải đóng 44.000 đồng/HS.
Ngoài ra, trong phiếu chi lương tháng 5/2014 cho cán bộ, công nhân viên, giáo viên của trường có ghi rõ “ủng hộ nhân dân đảo Gạc ma (quần đảo Trường Sơn) 100.000 đồng”. Các giáo viên của trường THPT Nguyễn Hữu Tiến đây rõ ràng là một điều quá vụng về (không rõ vô tình hay cố ý) khi nhà trường ghi đáng lý ra phải là Trường Sa thì lại ghi là Trường Sơn.
“Cho tới nay, không ai biết số tiền đóng góp này đi về đâu, sử dụng vào mục đích gì, vì không thấy ai thông báo cho giáo viên rõ ràng cả” – cô Duyên nhấn mạnh.
Với mong muốn được nghe tiếng nói khách quan, đa chiều, trong cả buổi chiều ngày 16/10, PV đã liên tục liên hệ với cô Đào Thị Kim Nhi – Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Hữu Tiến qua điện thoại, đề nghị có một buổi làm việc cụ thể xung quanh các phản ánh của giáo viên.
Tuy nhiên, cô Nhi đã nhắn tin lại cho PV từ chối lời đề nghị này, và hẹn gặp PV sau khi có kết quả thanh tra của Sở GD&ĐT TP.HCM.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc các diến biến tiếp theo của vụ việc này.
No comments:
Post a Comment