Friday, October 31, 2014

Tổng lực đối đầu Mỹ, Trung Quốc tự bắn vào chân?

(Baodatviet) - Bôi xấu, dọa nạt và bằng mọi cách đẩy Mỹ khỏi châu Á nhưng Trung Quốc lại đang tự biến mình thành kẻ đáng ghét hơn trong khu vực.

Trong bài viết “Trung Quốc trông chờ vào chiến tranh phi truyền thống để giành địa vị thống trị toàn cầu” đăng trên chuyên trang phân tích World Review, tác giả người Đức Vaughan Winterbottom đã chỉ ra chiến thuật của Trung Quốc trong cuộc chiến với Mỹ hiện nay. Tác giả này cũng chỉ ra rằng những “chiêu thức” mà Trung Quốc đang thi triển đang phản lại chính họ.

Hỉnh ảnh sử dụng trong bài viết của Winterbottom với chú thích: Trung Quốc đang tiến hành chiến tranh truyền thông để tạo sự ủng hộ của công chúng.
Hỉnh ảnh sử dụng trong bài viết của Winterbottom với chú thích: Trung Quốc đang tiến hành chiến tranh truyền thông để tạo sự ủng hộ của công chúng.

Mở đầu bài viết, Winterbottom phân tích những hành động mang tính đối đầu của Trung Quốc trên Biển Đông và Hoa Đông kể từ năm 2008 đã khiến nhiều người kết luận rằng chiến lược dài hạn mà Bắc Kinh đang theo đuổi là tìm cách thay đổi cán cân quyền lực khu vực thông qua các biện pháp quân sự.

Tuy nhiên, nhận định này là quá đơn giản. Trung Quốc đang tiến hành nhiều loại hình chiến tranh phi truyền thống nhằm giành lấy quyền bá chủ khu vực mà không cần phải sử dụng tới sức mạnh quân sự. Một trong những mục tiêu sâu xa nhất của Bắc Kinh là chia rẽ Mỹ và các đồng minh trong khu vực, qua đó biến mình thành thế lực tối cao ở châu Á.

Không những vậy, Trung Quốc còn nuôi tham vọng gây ảnh hưởng đáng kể tới các thể chế quy mô quốc tế rồi trở thành người làm luật (rule-maker), chứ không phải là người thi hành luật (rule-taker).

Winterbottom dẫn một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ công bố hồi tháng 4/2014, chỉ ra rằng quan điểm truyền thống như trong Binh pháp Tôn Tử về “khuất phục kẻ địch mà không cần đánh” cùng với chiến thuật "du kích" dưới thời Đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền, đã phác họa rõ nét hơn những chiến lược mà Trung Quốc sử dụng nhằm đạt được mục tiêu dài hạn là đánh bật Mỹ khỏi châu Á. Báo cáo này đã vạch ra ba chiêu thức chiến tranh phi truyền thống, gồm chiến tranh tâm lý, truyền thông và pháp lý, mà Trung Quốc đang sử dụng để đạt được các mục tiêu chiến lược.

Theo Lầu Năm Góc, chiến tranh tâm lý của Bắc Kinh là những nỗ lực gây ảnh hưởng hoặc cản trở khả năng ra quyết định của đối phương, tạo sự nghi ngờ và chống đối lãnh đạo, đánh lừa đối thủ và cố gắng làm nhụt ý chí chiến đấu của đối phương.

Về chiến tranh truyền thông, Trung Quốc liên tục tiến hành các hoạt động gây ảnh hưởng lâu dài đến nhận thức và thái độ của dư luận, tạo ra sự ủng hộ của dư luận trong và ngoài nước.

Cuối cùng, báo cáo cho rằng với chiến tranh pháp lý, Trung Quốc tìm cách khai thác và bóp méo các khía cạnh luật pháp trong nước cũng như quốc tế nhằm đạt được những mục đích chính trị hoặc thương mại.
Trung Quốc muốn tự mình tạo ra luật? Ảnh: Lính hải quân Trung Quốc tập trận ở ngoài khơi Thượng Hải hồi tháng 5/2014
Trung Quốc muốn tự mình tạo ra luật? Ảnh: Lính hải quân Trung Quốc tập trận ở ngoài khơi Thượng Hải hồi tháng 5/2014

Trung Quốc thường xuyên sử dụng các chiêu thức chiến tranh tâm lý và pháp lý khi liều lĩnh làm leo thang căng thẳng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Kể từ năm 2008, Trung Quốc đã liên tục tăng cường các động thái gây hấn trên những vùng lãnh hải tranh chấp (và cả không tranh chấp).

Bắc Kinh còn táo bạo hơn khi đơn phương tuyên bố thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mới, bao gồm cả vùng trời phía trên khu vực đang tranh chấp với Nhật Bản, và thành lập cái gọi là "Thành phố Tam Sa" nhằm củng cố hơn tuyên bố chủ quyền với phần lớn Biển Đông - bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo tác giả người Đức, những chiêu thức của Trung Quốc đang gây ra những tác dụng ngược, mà trước hết là tâm lý chống Trung Quốc ngày càng dâng cao. Dẫn chứng được nêu ra là làn sóng phản đối Trung Quốc tại Nhật Bản cho thấy có tới hơn 90% số người được hỏi có thái độ tiêu cực đối với Trung Quốc.

Đây chính là thất bại của chiêu thức chiến tranh truyền thông mà Trung Quốc tiến hành. Việc siết chặt kiểm soát truyền thông có thể có tác dụng với dư luận trong nước song có vẻ như hoàn toàn vô nghĩa trong môi trường truyền thông bên ngoài.

Không những thế, những căng thẳng gần đây trong khu vực thậm chí còn khiến các cam kết của Washington đối với châu Á ngày càng được chú ý. Nguy cơ từ Trung Quốc cũng khiến các nước trong khu vực ngày càng nghiêm túc hơn trong việc cân nhắc mối liên minh với Mỹ trước nguy cơ bùng phát chiến tranh.

Về dài hạn, Trung Quốc có thể nhấn mạnh vào việc cắt giảm mạnh chi tiêu quốc phòng của Mỹ và tốc độ hiện đại hóa nhanh chóng của quân đội Trung Quốc như là một dấu hiệu cho thấy sự trỗi dậy “không thể tránh được” của Trung Quốc.

Winterbottom kết luận rằng cuối cùng thì các nước trong khu vực cũng phải đối mặt với lựa chọn là đứng về phía Trung Quốc hay đứng về phía các nền dân chủ lớn trong khu vực là Nhật Bản, Ấn Độ và Australia, những nước cũng quyết tâm chống lại Trung Quốc bằng cách chia sẻ các trách nhiệm “bảo vệ” với Mỹ.

Thứ Bảy, 01/11/2014 07:08
  • Đông Triều

No comments:

Post a Comment