Friday, October 31, 2014

Thêm 2 blogger Việt Nam bị đề nghị truy tố vì điều 258

Ông Nguyễn Hữu Vinh, người sáng lập trang anh Ba Sàm
Thêm hai blogger trong nước bị đề nghị truy tố về tội danh ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước’ bất chấp sự chỉ trích và phản đối mạnh mẽ đối với điều luật 258 Bộ luật Hình sự Việt Nam mà cộng đồng quốc tế cho là vi phạm các quyền tự do căn bản của công dân.
Cơ quan an ninh điều tra của Việt Nam nói ông Nguyễn Hữu Vinh (sinh năm 1956), chủ nhân trang blog Ba Sàm nổi tiếng, và người đồng sự Nguyễn Thị Minh Thúy (sinh năm 1980) từ tháng 9 năm ngoái đến lúc bị bắt hồi tháng 5 năm nay đã phổ biến nhiều bài viết trên hai trang blog ‘Dân quyền’ và ‘Chép Sử Việt’ có nội dung chống nhà nước.
Bản kết luận điều tra cáo buộc những thông tin ông Vinh và bà Thúy đăng tải là ‘sai sự thật, không có căn cứ, tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chính sách của đảng, pháp luật của nhà nước’, ‘đưa ra cái nhìn bi quan một chiều, gây hoang mang lo lắng, làm ảnh hưởng đến lòng tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo đất nước của đảng, chính phủ…’
Tuy nhiên, cơ quan điều tra không nêu rõ những bài viết đó không đúng sự thật điểm nào hoặc làm ‘ảnh hưởng’ ‘lòng tin’ nhân dân cụ thể ra sao.
Kết luận điều tra cũng không đề cập tới trang Ba Sàm do ông Vinh sáng lập vào năm 2007, trái với các thông tin báo chí nhà nước đồng loạt đăng tải khi hai blogger này bị bắt nói rằng vụ án có liên quan trực tiếp đến trang Ba Sàm.  
Thậm chí, báo Pháp luật Việt Nam hôm 10/5 từng tố cáo “Nguyễn Hữu Vinh còn kết nối quan hệ với Việt Tân – một tổ chức ở Mỹ chuyên chống Việt Nam – thông qua ‘cầu nối’ Đinh Ngọc Thu – một thành viên của Việt Tân, nhận sự chỉ đạo trực tiếp, đạo diễn của Thu cho những bài viết chống Việt Nam trên trang blog của mình.”
Bà Đinh Ngọc Thu, một cộng sự của ông Vinh tại Mỹ đảm trách điều hành trang Ba Sàm, phản ứng trước nội dung kết luận điều tra của cơ quan an ninh Việt Nam:
“Những thông tin cơ quan an ninh điều tra đưa ra buộc tội anh dính tới điều 258 là hoàn toàn không đúng. Bản kết luận điều tra này tôi thấy rất lạ, hoàn toàn không có chữ nào nhắc tới trang Ba Sàm, khác với thông tin báo chí trước đây đã đưa, hoàn toàn mâu thuẫn với tất cả những thông tin mà báo chí đã đăng tải từ trước tới giờ.”
Theo kết luận điều tra của Bộ Công An ngày 30/10, ‘đây là vụ án nghiêm trọng’ ‘xảy ra trong tình hình các thế lực thù địch trong và ngoài nước đang gia tăng sử dụng internet.’
Văn bản đề nghị truy tố viết rằng hai blogger Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy ‘không khai nhận hành vi phạm tội’, ‘cần phải xử lý nghiêm trước pháp luật.’
Đại diện pháp lý của ông Vinh và bà Thúy cho biết chưa có đủ cơ sở chứng cứ buộc tội thân chủ của ông và rằng vụ án có nhiều sai phạm cần phải được làm rõ trước pháp luật.
Luật sư Hà Huy Sơn:
“Có nhiều điều chúng tôi sẽ nói trong vụ án này. Có nhiều vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng theo Bộ luật Tố tụng Hình sự Việt Nam. Kết luận của cơ quan điều tra chưa có cơ sở khẳng định rằng những chứng cứ đó liên quan đến ông Vinh và bà Thúy. Dựa theo luật Việt Nam, chưa có cơ sở khẳng định đây là những chứng cứ của vụ án để mà cáo buộc họ.”
Blogger Ba Sàm và thư ký Minh Thúy bị cáo buộc vi phạm điều 258 giữa lúc ngày càng gia tăng các nỗ lực từ giới hoạt động trong và ngoài nước, quốc tế, và các tổ chức bảo vệ nhân quyền trên thế giới mà gần đây nhất là cuộc quốc tế vận của các blogger Việt Nam ra trước Liên hiệp quốc vận động buộc Việt Nam hủy bỏ điều luật này.
Luật sư Hà Huy Sơn là người tham gia nỗ lực đó. Ông cũng là một trong số ít luật sư trong nước tham gia nhiều vụ án 258 trước nay.
Luật sư Sơn chia sẻ:
“Tôi sẽ đấu tranh cho việc hủy bỏ điều 258 vì điều này không rõ ràng, dễ bị các cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước lợi dụng để xâm phạm quyền của công dân đã được quy định trong Hiến pháp 2013.”
Luật sư Sơn nói để các nỗ lực vận động bảo vệ nhân quyền đó có hiệu quả hơn, mọi người cần ý thức trách nhiệm công dân và hiểu rõ những quyền chính đáng được hưởng cũng như những quyền hợp pháp bị xâm hại:
“Yếu tố quyết định vẫn là những người dân trong nước. Giới trí thức và những người đấu tranh phải nhận thức ra cái sai trái, vô lý của điều 258. Từ đó, nó lan tỏa ra xã hội mới tiến tới việc có áp lực buộc nhà nước hủy bỏ điều này. Theo tôi, các sự vận động cũng có kết quả bước đầu mà quy trình tất yếu là nó phải từng bước một.”
Luật sư nói thêm điểm ‘mơ hồ, vô lý’ ở 258 thể hiện rõ ngay ở cụm từ ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ’:
“Quyền tự do dân chủ là quyền đương nhiên của người ta rồi, không thể nói người ta ‘lợi dụng’. Lợi dụng tức là xâm phạm vào một cái tội nào đó được quy định cụ thể trong Bộ luật Hình sự Việt Nam. Chứ còn nói khái niệm ‘lợi dụng’ thì rất là khó hiểu. Cái mơ hồ nằm ở chỗ đó.”
Tổ chức Theo dõi nhân quyền Human Right Watch tố cáo việc bắt giữ ông Vinh và bà Thúy là vi phạm quyền tự do ngôn luận và tự do thông tin của người dân.
Ủy ban Bảo vệ Ký giả CPJ nói vụ án này cho thấy nhà cầm quyền Việt Nam hoàn toàn không có ý định nới lỏng chiến dịch đàn áp những tiếng nói bất đồng quan điểm trên mạng bất chấp chỉ trích gia tăng từ quốc tế.
CPJ và Human Rights Watch kêu gọi phóng thích vô điều kiện tất cả các blogger và nhà báo độc lập đang bị giam giữ tại Việt Nam.
Blogger Nguyễn Hữu Vinh là con trai ông Nguyễn Hữu Khiếu, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động từng làm đại sứ Việt Nam tại Liên Xô.
Bản thân ông Vinh từng là cán bộ an ninh do nhà nước đào tạo, nhưng đã xin ra khỏi ngành. Ông từng bị bắt khẩn cấp vào tháng 7 năm 2012.
Nếu bị tòa tuyên là có tội, ông Vinh và bà Thúy có thể đối mặt với án tù lên tới 7 năm.
Bấm vào nghe bài tường trình



No comments:

Post a Comment