Thành Long và Châu Nhuận Phát có 2 cuộc sống tương đối giống nhau. Cả 2 đều sinh tại Hồng Kông vào giữa những năm 1950, đã thành siêu sao trong làng điện ảnh từ những năm 1980.
Năm 1995, Thành Long (Jackie Chan) đã thử chinh phục điện ảnh Mỹ với phim Rumble in the Bronx (Đại náo khu phố Bronx). 3 năm sau, Châu Nhuận Phát theo chân ông với phim The Replacement Killers (Sát thủ thay thế).
2 huyền thoại không chung quan điểm
Từ đây sự khác biệt bắt đầu hình thành. Trong khi Châu xây dựng danh tiếng như một diễn viên tuyệt hảo, với lối diễn xuất đầy kịch tính, Thành Long vẫn bám chặt lấy cái gốc võ thuật pha các tình tiết hài hước của ông.
Sự khác biệt giữa 2 ngôi sao càng trở nên đậm nét khi xảy ra các cuộc biểu tình đòi đảm bảo dân chủ ở Hồng Kông. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Apple Daily của Hồng Kông hồi đầu tháng này, Châu Nhuận Phát đã thể hiện sự ủng hộ người biểu tình. “Tôi đã gặp gỡ người dân, gặp gỡ các sinh viên. Thật cảm động khi thấy họ đang cố gắng chiến đấu cho những thứ mình muốn có. Các sinh viên là những người biết điều” – nam tài tử nói.
Châu Nhuận Phát (trái) và Thành Long đại diện cho 2 luồng tư tưởng khác biệt trong giới giải trí Trung Quốc khi đánh giá về các cuộc biểu tình ở Hồng Kông
Những bình luận này dĩ nhiên đã không được lòng chính quyền Trung Quốc. Hãng tin AP cho biết có tin đồn Châu Nhuận Phát dường như đã bị đưa vào một “danh sách đen”, theo đó nam diễn viên sẽ bị tẩy chay ở đại lục. Là một người nổi tiếng và giàu có, Châu dường như không bận tâm lắm với việc này. “Thì tôi sẽ kiếm ít hơn một tẹo” – Châu nói trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Next của Hồng Kông.
Bình luận này đã phản ánh cá tính nổi tiếng thẳng thắn và giản dị của Châu Nhuận Phát. Tuy nhiên Châu chỉ là trường hợp cá biệt và bình luận của ông không khiến người ta quên đi thực tế rằng các sao giải trí có thể trả giá đắt về tài chính nếu họ chọc giận chính quyền Trung Quốc.
Trả giá đắt vì chống đối
Ví dụ như 80% thu nhập của ca sĩ Hà Vận Thi (Denise Ho) đã tới từ đại lục. Sau khi bày tỏ sự ủng hộ người biểu tình ở Hồng Kông, một thương hiệu thời trang ở đại lục đã hủy bỏ việc mời nữ ca sĩ sang biểu diễn mà không đưa ra lời giải thích. Từ đó tới nay, Hà Vận Thi cũng chưa biểu diễn trở lại.
Tương tự, ca sĩ Huỳnh Diệu Minh (Anthony Wong), người tham gia các cuộc biểu tình ở Hồng Kông, nói rằng 2 show biểu diễn của anh ở đại lục trong tháng 11 tới đã bị hoãn vô thời hạn. Anh cũng không nhận được lời mời biểu diễn nào khác từ đại lục. “Tôi chỉ biết đoán mò, nhưng tôi cho rằng họ đã cấm chúng tôi vì thể hiện quan điểm khác biệt. Đây giống như một dạng trừng phạt... để chúng tôi không thể kiếm tiền” – anh nói.
Hoạt động biểu tình đã gây chia rẽ quan điểm trong làng giải trí Hồng Kông
Huỳnh Diệu Minh, Hà Vận Thi và các nghệ sĩ khác từ Hồng Kông, Đài Loan như Lương Triều Vĩ (Tony Leung) và Thư Kỳ (Kenneth Ip) là những gương mặt, tiếng nói dễ nhận ra nhất trong các cuộc biểu tình ở Hồng Kông. Một số đã phát biểu tại các cuộc biểu tình và đi cùng sinh viên. Số khác dùng mạng xã hội để thể hiện quan điểm.
Trước các cuộc biểu tình, được biết tới với tên phong trào Chiếm trung tâm, tên tuổi của các diễn viên, nghệ sĩ kể trên thường xuất hiện trên màn ảnh và sân khấu Trung Quốc, cũng như trong các đoạn quảng cáo. Nhưng giờ họ bị fan và nhiều công ty ở Trung Quốc tẩy chay. Nhiều tờ báo Trung Quốc lên án họ là không trung thành với tổ quốc.
Tuần này, các bức ảnh chụp một “danh sách đen” tên Huỳnh Diệu Minh, Hà Vận Thi và các nghệ sĩ khác có thái độ ủng hộ biểu tình đã được phát tán trên mạng xã hội Trung Quốc. Tờ Taipei Times nói rằng danh sách đã được gửi tới nhiều hãng tin và công ty giải trí Trung Quốc, với yêu cầu không hợp tác, đề cập tới hoặc quảng cáo cho những người có tên trong danh sách.
Trong một bài bình luận xuất bản hôm thứ Tư tuần trước, Tân Hoa Xã đã chỉ trích gay gắt các sao ủng hộ biểu tình. “Các vị đã vi phạm nguyên tắc “một nhà nước, hai chế độ”, thách thức đảng cầm quyền, phớt lờ hiến pháp Hồng Kông, kiếm bẫm tiền chỉ để trở mặt và chửi bới đất mẹ” – bài bình luận viết, nêu danh Huỳnh Diệu Minh và Hà Vận Thi là những người nổi tiếng thường xuyên hiện diện tại các điểm biểu tình - “Đây có phải là cách các người cư xử với đất nước đã sinh ra và nuôi nấng mình?”
Không phải ai cũng ủng hộ biểu tình
Dĩ nhiên không phải ai trong làng giải trí Hồng Kông cũng đứng về phía người biểu tình. Thành Long là trường hợp tiêu biểu. Không giống Châu Nhuận Phát, ông đã chỉ trích hoạt động biểu tình, nói rằng nó có thể khiến kinh tế Hồng Kông thiệt hại 45 tỷ USD. Ông kêu gọi người biểu tình cần hành xử có lý trí hơn.
Một số nghệ sĩ lớn khác ở Hồng Kông như đạo diễn Vương Tinh, tuy không chỉ trích người biểu tình nhưng ông đã thông báo việc “nghỉ chơi” với các sao như Hà Vận Thi, với lý do khác biệt quan điểm chính trị.
Riêng với Thành Long, đây không phải là lần đầu tiên ông “bênh” chính quyền. Hồi năm 2012, Thành Long cũng từng nói rằng “phải có quy định về việc người ta có thể biểu tình về điều gì và không được biểu tình trên các vấn đề nào”. Năm 2009, ông tuyên bố “người Trung Quốc cần phải được kiểm soát”.
Việc ngả về phía chính quyền mang lại các lợi ích kinh tế lớn cho Thành Long. CZ12, một bộ phim làm hồi năm 2012, trong đó ông thủ vai chuyên gia đòi lại cổ vật bị đánh cắp khỏi Trung Quốc, đã mang về 138 triệu USD từ doanh thu phòng vé ở đại lục (phim chỉ thu về 11,2 triệu USD ở Hồng Kông).
Đổi lại, chính quyền sẽ thu lợi từ sức ảnh hưởng khổng lồ của một siêu sao như Thành Long. Thậm chí trong một bài bình luận viết hồi đầu năm nay, nhà văn Jaime Wolf từng đánh giá "việc chính quyền có được Thành Long hóa ra lại là lợi ích lớn từ việc thu hồi Hồng Kông”.
Theo Taipei Times, chiều thứ Sáu tuần trước, hơn 151.000 người đã tham gia một cuộc thăm dò do Đoàn thanh niên Trung Quốc tiến hành trên mạng Sina Weibo, hỏi người dùng về việc họ sẽ làm gì để tẩy chay các nghệ sĩ “vô tích sự”. Trong số 4 giải pháp được đưa ra, lựa chọn hủy bỏ buổi diễn và phát sóng chương trình có nghệ sĩ tham gia phong trào Chiếm Trung tâm được nhiều người chọn nhất (124.000 phiếu).
No comments:
Post a Comment