Sunday, October 5, 2014

Mỹ-Philippines đang 'dằn mặt' Trung Quốc trên biển Đông?

(Baodativet) - Hải quân Mỹ-Philippines vừa tiến hành một loạt cuộc tập trận quy mô lớn trên biển Đông, trong khi Trung Quốc cũng triển khai một cuộc diễn tập đáp trả.

Mỹ-Phi và Trung Quốc ồ ạt diễn tập trên biển Đông

Mặc dù các quan chức hai nước Mỹ và Philippines đều nói rằng cuộc tập trận chung mang tên “Diễn tập đổ bộ 2015” (PHIBLEX 15) chỉ là đợt diễn tập thường niên, không nhằm vào bất kỳ một mục tiêu cụ thể nào. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông các nước đều cho rằng cuộc diễn tập này chính là nhằm vào Trung Quốc.
Theo tờ Manila Bullentin ngày cho biết, cuộc tập trận chung mang tên “Diễn tập đổ bộ 2015” (PHIBLEX 15) được khai mạc vào ngày 29-9 và sẽ kết thúc vào ngày 10-10-2014. Mục đích nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và thúc đẩy hợp tác an ninh khu vực.
Hãng Reuters cho biết, cuộc diễn tập được tổ chức ở khu vực Zambales, tây bắc đảo Luzon gần với quần đảo Trường Sa. Lực lượng tham gia tập trận bao gồm gần 5000 quân, trong đó Philippines có 1200 quân, còn Mỹ điều động đến 3500 lính hải quân đánh bộ.
Hai tàu chiến mà Hải quân Mỹ điều đến tham gia cuộc tập trận lần này là tàu đổ bộ tấn công LHA-5 “USS Peleliu” và tàu đổ bộ LSD-42 “USS Germantown” thuộc Hạm đội 7. Trong đó tàu “USS Peleliu” có chức năng chuyên chở lính thủy đánh bộ thực hiện nhiệm vụ tấn công, còn tàu “USS Germantown” chở các loại phương tiện đổ bộ. 
Tàu USS Germantown (LSD 42) cùng với tuần dương hạm USS Port Royal (CG 73), tàu đổ bộ LPD 5 USS Ogden trên Đại Tây Dương
Tàu USS Germantown (LSD 42) cùng với tuần dương hạm USS Port Royal (CG 73), tàu đổ bộ LPD 5 USS Ogden trên Đại Tây Dương
Theo kế hoạch, quân đội hai nước “vai kề vai” cùng chỉ huy diễn tập hiệp đồng, thực hiện chiến tranh thông tin; tiến hành diễn tập huấn luyện, trong đó bao gồm huấn luyện các vũ khí hạng nhẹ và bắn đạn pháo. Ngoài ra, quân đội 2 nước còn tiến hành diễn tập các khoa mục tác chiến đổ bộ, hoạt động “tàu đối bờ”, huấn luyện phối hợp đa binh chủng và các dự án hỗ trợ nhân đạo và dân sự.
Phía Philippines cho biết, trọng điểm của cuộc diễn tập này chính là hiệp đồng chỉ huy. “Cuộc tập trận này sẽ giúp Quân đội Philippines tăng cường khả năng lên kế hoạch đồng thời thực hiện có hiệu quả tác chiến phòng vệ lãnh thổ và an ninh hàng hải” - một quan chức quân sự của Manila cho biết.
Trong khi đó, cũng trên khu vực biển Đông, Trung Quốc vừa tiến hành cuộc tập trận mang tên “Hành động chung-2014”, bao gồm các tàu chiến mặt nước cỡ lớn của hạm đội Nam Hải và hạm đội Đông Hải của hải quân nước này cùng thủy thủ đoàn.
Cuộc tập trận lần này của Trung Quốc được cho là nhằm phô trương sức mạnh của hải quân PLA trong chiến thuật chống tiếp cận, chống xâm nhập ở khu vực tranh chấp trên biển, đồng thời cũng nhằm đáp trả lại các cuộc tập trận chung của Mỹ và Philippines ở khu vực biển Đông.
Tàu đổ bộ tấn công LHA-5 “USS Peleliu” của Mỹ
Tàu đổ bộ tấn công LHA-5 “USS Peleliu” của Mỹ
Theo “Want China Times”, cuộc diễn tập “Hành động chung-2014” có sự góp mặt của tàu khu trục Type 052D mang số hiệu 172 “Côn Minh”. Đây là khu trục hạm hiện đại nhất của hải quân Trung Quốc, trang bị hệ thống radar mảng pha chủ động AESA, được mệnh danh là “Aegis Trung Hoa” hay “lá chắn thần Trung Hoa”. 
Tàu này được hệ thống phóng thẳng đứng 64 ống, dùng để phóng các tên lửa phòng không tầm xa Hải Hồng Kỳ 9 (HHQ-9 - phiên bản trên hạm của hệ thống phòng không mặt đất Hồng Kỳ 9 - HQ-9) và tên lửa hành trình Đông Hải 10 (DH-10 - phiên bản trên hạm của tên lửa hành trình phongd từ trên không CJ-10 - Trường Kiếm 10).
Ngoài ra, tham dự cuộc diễn tập còn có tàu khu trục phòng không Type 052C mang số hiệu 171 “Hải Khẩu” và tàu hộ vệ tên lửa Type 054A mang số hiệu 530 “Từ Châu”, Tàu hộ vệ tên lửa Type 056 mang số hiệu 583 “Thượng Nhiêu”. Hầu như tất cả các chiến hạm hiện đại nhất của Trung Quốc đều góp mặt.
Tàu hộ vệ tên lửa 530 “Từ Châu” là tàu hộ vệ cỡ lớn của hạm đội Đông Hải, thuộc Type 054A, có chiều dài 132m, rộng 15m, mớn nước 5m, trọng tải 4500 tấn (mãn tải), tốc độ 27 hải lý/giờ, hành trình liên tục 5000 hải lý, trang bị máy bay đa năng Z-9C hoặc Ka-28.
Tàu khu trục tên lửa Type 052D 172 Côn Minh của Trung Quốc
Tàu khu trục tên lửa Type 052D 172 Côn Minh của Trung Quốc
Vũ khí bao gồm, 1 pháo hạm 76mm, 2 hệ thống pháo phòng không tầm gần 7 nòng Type-730 30mm, tên lửa phòng không hạm HHQ-16, tên lửa chống hạm YJ-83, 2 hệ thống phóng hỏa tiễn săn ngầm 6 ống phóng 250mm kiểu 81, 2 máy phóng ngư lôi 324mm, 2 hệ thống phóng hỏa tiễn đa năng 18 ống phóng kiểu 726-4.
Tập trận chung Mỹ-Phi nhằm thẳng vào Trung Quốc?
Giới phân tích quân sự cho rằng, cuộc tập trận chung lần này giữa Mỹ và Philippines giúp tăng cường khả năng phối hợp quân sự giữa hai nước đồng minh, củng cố lòng tin, khiến Manila có thêm sức mạnh trong trường hợp xảy ra xung đột với Trung Quốc trên biển Đông.
Tờ Manila Bullentin cho hay, cuộc tập trận chung được tổ chức trong khi Quân đội Philippines đang chuyển sự tập trung từ hoạt động chống nổi dậy trong nước sang đối phó với các mối đe dọa từ bên ngoài, đặc biệt là theo hướng biển - nơi nước này đang có những tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc.
Hãng AFP dẫn lời phát ngôn viên của lực lượng Hải quân đánh bộ Philippines Jerber Anthony Belonio nhấn mạnh rằng, cuộc tập trận được tổ chức theo kế hoạch đã định, không có liên quan gì đến những tranh chấp lãnh thổ hiện tại trên biển Đông và không nhằm vào nước thứ 3 nào.
Tàu hộ vệ tên lửa Type 054A số hiệu 530 “Từ Châu”
Tàu hộ vệ tên lửa Type 054A số hiệu 530 “Từ Châu”
Ông Belonio cho rằng, cuộc tập trận này chỉ nhằm mục đích kiểm chứng sức mạnh của lực lượng hải quân đánh bộ Philippines đang đóng quân ở Palawan”, "tăng cường khả năng tương tác giữa Hải quân cũng như lực lượng hải quân đánh bộ hai nước Mỹ và Philippines”. Tuy nhiên các nhà phân tích không đưa ra những nhận xét như vậy.
Hãng AP cho rằng, Palawan là tiền đồn chính của Biển Đông, gần đây quân đội Philippines đã tăng cường thực lực quân sự cho hòn đảo này, đồng thời cũng tăng cường quan hệ quân sự với các nước đồng minh, đặc biệt là Mỹ. Trước cuộc tập trận này, hai bên Mỹ và Philippines đã diễn tập một loạt các khoa mục quân sự ở Palawan và Zambales.
Các nhà phân tích cho rằng, tuy Mỹ không công khai đứng về phía nào trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ, nhưng những hoạt động giao lưu và diễn tập quân sự liên hợp với Philippines cũng là hành động cảnh cáo Trung Quốc không nên có những “hành vi gây mất ổn định” ở Biển Đông.
Hôm 23-9 vừa qua, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III khẳng định Philippines sẽ tiếp tục đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ tại Biển Đông, đồng thời bày tỏ quan ngại rằng, hoạt động của 2 tàu khảo sát thủy văn Trung Quốc trong thời gian gần đây có thể nằm trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm khoan dầu tại vùng biển này. 
Hình ảnh Trung Quốc đang cải tạo đất bất hợp pháp tại đảo Gạc Ma
Hình ảnh Trung Quốc đang cải tạo đất bất hợp pháp tại đảo Gạc Ma
Ông Aquino nói rằng, Philippines không rõ mục đích của các tàu khảo sát thủy văn Trung Quốc tại khu vực bãi Cỏ Rong (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), nhưng Manila nghi ngờ khả năng Bắc Kinh đang lên kế hoạch triển khai một giàn khoan dầu tại đây. “Điều rõ ràng là có 2 tàu đã thực hiện công tác đo đạc trong khu vực”, ông Aquino nói.
Trước đó, trò chuyện bên lề cuộc họp của các nhà lãnh đạo thế giới tại Liên Hợp Quốc, Tổng thống Philippines đã đưa ra các bức ảnh cho thấy hoạt động cải tạo đất bất hợp pháp của Trung Quốc tại bãi Gạc Ma (thuộc chủ quyền của Việt Nam) và nhấn mạnh, Bắc Kinh đang nỗ lực thay đổi hiện trạng trái phép trên biển Đông.
Ông Aquino nói rằng, tất cả các quốc gia có hoạt động hàng hải liên quan đến Biển Đông cần lên tiếng bày tỏ quan ngại về cách hành xử hung hăng của Trung Quốc. “Đó không chỉ là vấn đề quan ngại quốc gia của riêng Philippines. Tôi tin rằng ngoài các quốc gia liên quan, tất cả những ai đi qua Biển Đông đều bị ảnh hưởng”, ông Aquino nhấn mạnh. 
Hồi tháng 5 vừa qua, bất chấp sự phản đối quyết liệt của Việt Nam và những chỉ trích gay gắt của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc đã ngang nhiên hạ đặt phi pháp giàn khoan Hải Dương 981 và khoan thăm dò trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong thời gian hơn 2 tháng.
Ngang ngược hơn nữa, Bắc Kinh đã cử hàng trăm tàu công vụ, trong đó có hàng chục tàu chiến, tiến hành phun vòi rồng, ngăn cản, đâm húc các tàu chấp pháp Việt Nam thực hiện hoạt động chấp pháp trên vùng biển thuộc chủ quyền của mình, thậm chí còn đâm chìm tàu cá Việt Nam làm căng thẳng trên Biển Đông leo thang đến bờ vực xung đột.
  • Thu Huệ

No comments:

Post a Comment