(Baodatviet) - Trong khi nhóm Chiếm trung tâm quyết định rút lui thì Liên đoàn Sinh viên Hồng Kông (HKFS) và phong trào Scholarism vẫn bám trụ.
Mâu thuẫn
Ngày 5/10, lực lượng biểu tình ở Hong Kong nảy sinh mâu thuẫn về việc rút khỏi một số địa điểm biểu tình trong thành phố.
Liên đoàn Sinh viên Hong Kong (HKFS) và phong trào Scholarism của học sinh 17 tuổi Joshua Wong đều tuyên bố sẽ không rút lực lượng ra khỏi khu mua sắm Mongkok.
“Chúng tôi sẽ bám trụ ở đây để bảo vệ khu vực này. Chúng tôi phải làm gì đó” - sinh viên 21 tuổi Bosco Leung tuyên bố.
Cảnh sát Hồng Kông và người biểu tình đối đầu tại khu mua sắm Mongkok hôm 5/10 |
Trước đó, phong trào Chiếm trung tâm cho hay lượng người biểu tình của nhóm này sẽ rút khỏi khu Mongkok và chỉ tập trung biểu tình tại quận Admiralty.
Các thủ lĩnh Chiếm trung tâm cũng cho biết sẽ mở đường cho công chức Hồng Kông trở lại làm việc ở tòa nhà chính phủ ở trung tâm thành phố.
Trong buổi tối, nhiều người biểu tình thuộc nhóm Chiếm trung tâm bật khóc khi rời khu Mongkok. “Chúng tôi rời đi vì không muốn đổ máu. Chúng tôi sẽ trở lại nếu chính phủ không chịu đàm phán” - học sinh 16 tuổi Tang Sin -Tung nghẹn ngào.
Động thái trên diễn ra sau khi chính quyền Hồng Kông khẳng định sẽ mở cuộc đàm thoại với các thủ lĩnh sinh viên về cải cách hiến pháp nếu các rào chắn được dỡ bỏ khỏi các con đường.
Trong một tuyên bố, giới chức Hồng Kông kêu gọi thông thoáng lại những con đường chính ở Admiralty và cây cầu nối các văn phòng chính quyền đến những tuyến đường xung quanh được mở lại để các nhân viên có thể vào các tòa nhà ở khu vực này.
Trước đó, hôm 4/10, Trưởng đặc khu Hồng Kông Lương Chấn Anh cảnh báo phong trào “chiếm lĩnh trung tâm” có thể vượt ngoài tầm kiểm soát, gây ra hậu quả nghiêm trọng cho an ninh và trật tự công cộng.
Ông Lương cho biết điều cấp thiết nhất là dọn lối ra vào cho các trụ sở chính quyền vào ngày 6/10 để 3.000 nhân viên chính quyền có thể đi làm phục vụ nhân dân bình thường trở lại.
"Hồng Kông nên tự hào về thế hệ trẻ"
Theo khảo sát của South China Morning Post, cộng đồng người Trung Quốc đại lục tại Hồng Kông có nhiều ý kiến khác nhau về cuộc biểu tình.
Một số người đại lục cư ngụ tại Hồng Kông nói với tờ báo có trụ sở đặt tại đặc khu này rằng họ đồng cảm với phong trào biểu tình. Tuy nhiên, trong các cuộc phỏng vấn với South China Morning Post, một số sinh viên đại lục cho biết họ tránh xa các cuộc biểu tình và chỉ muốn tập trung vào việc học.
Trước đó, du khách Trung Quốc đại lục tới Hồng Kông trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh năm nay cũng thể hiện thái độ khác nhau đối với cuộc biểu tình đòi dân chủ.
“Nhìn vào thế hệ trẻ của một nơi là biết tương lai của nơi đó. Hồng Kông nên tự hào về thế hệ trẻ của họ”, Ding - một giáo viên dạy cấp 2 từ Thâm Quyến, Trung Quốc - nhận xét khi đi một vòng qua khu vực biểu tình ở quận Admiralty của Hồng Kông ngày 1/10.
Ông Hu Yang, một giáo sư về thiết kế đến từ Hàng Châu, bày tỏ sự nể phục đối với giới sinh viên Hồng Kông. “Tôi dành sự tôn trọng lớn cho các sinh viên trẻ tuổi của Hồng Kông. Họ đang đi tiên phong trong thời điểm của thay đổi và cải cách này. Họ sẽ là những người tạo ra thay đổi cho Hồng Kông, và thậm chí là cả Trung Quốc”.
Trong khi đó, một số du khách đại lục thậm chí cảm thấy bực bội khi thấy biểu tình lớn.
“Tôi chẳng hiểu cái quái gì đang diễn ra ở Hồng Kông nữa? Tôi thấy rất bất tiện khi phải kéo hai vali to tới khách sạn vì tài xế taxi không chịu đưa tôi tới nơi. Cửa hiệu thì đóng, nhà hàng thì hết đồ ăn.
Liệu tôi làm được gì ở đây?”, du khách Zheng Tian, 40 tuổi, từ Ninh Ba, càu nhàu.
Một nhóm thanh niên Trung Quốc đại lục đã tạo fanpage mang tên “Người đại lục ủng hộ Hồng Kông” (Mainlanders support Hong Kong) trên Facebook để huy động sự ủng hộ đối với phong trào biểu tình tại Hồng Kông.
Trang này nhận được hơn 1.500 likes vào trưa 4/10 (giờ địa phương), theo ghi nhận của tờ South China Morning Post.
Minh Thái (Tổng hợp)
No comments:
Post a Comment