Trong khi đó, một người đàn ông trung niên đứng trên nóc một cây cầu đi bộ, cách mặt đất khoảng 20 mét, gần Admiralty Centre, đòi người biểu tình giải tán vì ông cho rằng “như vậy là quá đủ rồi.”
Một phụ nữ bênh nhóm biểu tình lộ vẻ tức giận khi cãi nhau với nhóm chống biểu tình ở Mong Kok. (Hình: Đỗ Dzũng/Người Việt)
Theo nhật báo The South China Morning Post (SCMP), tòa hành chánh Hồng Kông hôm Chủ Nhật đưa ra yêu cầu sinh viên phải dẹp các rào cản ở khu vực Admiralty Centre, nhất là trên con đường dẫn vào tòa nhà hành chánh, để người dân có thể lui tới giao dịch với thành phố.
Trước đó một hôm, ông Lương Chấn Anh, đặc khu trưởng Hồng Kông, tuyên bố “các văn phòng chính phủ và trường học ‘phải’ được mở cửa trở lại vào Thứ Hai.”
Cho tới 7 giờ tối Chủ Nhật, giờ Hồng Kông, vẫn chưa thấy phía người biểu tình có thêm tin tức hoặc thông báo gì liên quan đến đòi hỏi của chính quyền.
Tuy nhiên, vẫn theo SCMP, vào lúc đó, các nhóm sinh viên bỏ phiếu đồng ý dời các chướng ngại vật ở lối vào tòa thị chính, nhưng ngay lập tức, bị một số nhóm khác dựng lên lại, vì họ cho rằng “chặn lối vào tòa nhà là một thành quả quan trọng.”
Khi được SCMP hỏi về chuyện gì “có thể” xảy ra tối Chủ Nhật, một phát ngôn viên cảnh sát cho biết sẽ “xem xét và đánh giá tình hình một cách đúng đắn, rồi tùy theo tình hình thực tế.”
Trong khi đó, số người tập trung biểu tình lại không đông bằng hôm tối Thứ Bảy.
“Đủ rồi”
Vào lúc 1 giờ chiều, trong lúc những người biểu tình đang nghỉ ngơi trên đường Connaught, ngay phía trước Admiralty Centre, một người đàn ông trung niên đi lên nóc cây cầu đi bộ, ngồi xuống, cầm loa phóng thanh và bắt đầu nói, làm nhiều người ngạc nhiên, không biết chuyện gì xảy ra.
Người đàn ông này mang một túi xách, bên trong có một con dao.
Ông nói rằng ông ủng hộ cuộc biểu tình của sinh viên và học sinh, nhưng tám ngày qua đã đủ rồi, và bây giờ là lúc nên chấm dứt.
Ông cho biết có ba người con, cần đi học trở lại, vì cuộc biểu tình làm trường học bị đóng cửa.
“Biểu tình như vậy là đủ, nhưng nếu tiếp tục nữa thì không giải quyết được vấn đề,” ông nói qua loa phóng thanh, trong lúc đi qua đi lại trên đỉnh cầu.
Ở dưới đất, sáu xe cứu hỏa và một xe cứu thương trực sẵn. Nhân viên cứu hỏa còn bơm hai nệm hơn rất lớn để dưới chân cầu, đề phòng trường hợp ông nhảy xuống đất.
Người đàn ông leo lên đỉnh cầu vừa được cảnh sát đưa xuống. (Hình: Đỗ Dzũng/Người Việt)
Sở cứu hỏa đã phải phái ba chuyên viên tâm lý, gồm hai nữ và một nam, đến nói chuyện với ông trong bốn giờ đồng hồ.
Cuối cùng, ông chịu nhượng bộ và nhân viên cứu hỏa đưa ông xuống đất an toàn, trong tiếng vỗ tay của hàng ngàn sinh viên ngồi bên dưới.
Cảnh sát không cho biết danh tánh của ông.
Mong Kok, một Hồng Kông “rất khác”
Vào lúc 10 giờ sáng, tình hình tại khu Mong Kok bên đảo Kowloon vẫn căng thẳng, giữa những người bênh và chống biểu tình, hoàn toàn khác với không khí ôn hòa ở trung tâm tài chính.
Cư dân ở Mong Kok tranh cãi gay gắt nên hay không nên ủng hộ biểu tình, làm nhiều người tụ lại xem. (Hình: Đỗ Dzũng/Người Việt)
Người biểu tình chiếm giao lộ đường Nathan và đường Argyle, ngã tư chính của khu Mong Kok, và dựng hàng rào xung quanh.
Khác với trung tâm tài chánh, Mong Kok là nơi có nhiều doanh nghiệp và nhà hàng tư nhân, và thành phần cư dân ở đây là trung lưu.
Người biểu tình thuộc lứa tuổi trung niên, không giống thanh niên ở khu trung tâm Hồng Kông.
Cuộc biểu tình rõ ràng làm ảnh hưởng trực tiếp đời sống một số cư dân Mong Kok, nên họ có phản ứng gay gắt hơn, dẫn đến nhiều cuộc cãi vã ồn ào.
Phóng viên nhật báo Người Việt chứng kiến nhiều người trung niên cãi nhau rất kịch liệt, làm cảnh sát phải liên tục can thiệp.
Vì thế, người biểu tình và người chống biểu tình rất bực bội lẫn nhau, dễ dẫn đến bạo động.
Ngoài ra, lều của người biểu tình Mong Kok cũng nhếch nhác hơn, so với lều của sinh viên và học sinh ở khu trung tâm.
10-05- 2014 10:54:33 AM
Đinh Quang Anh Thái & Đỗ Dzũng/Người Việt (tường trình từ Hồng Kông)
Đinh Quang Anh Thái & Đỗ Dzũng/Người Việt (tường trình từ Hồng Kông)
No comments:
Post a Comment