BBC-9 giờ trước
Hàng trăm người biểu tình đòi dân chủ vẫn cắm trại trên đường phố Hong Kong bất chấp thời hạn chót mà chính quyền đưa ra để họ rút lui trong khi một số đã rời đi.
Nhiều người nghĩ rằng cảnh sát sẽ dùng vũ lực để giải tán đám đông trong những giờ tới.
Lãnh đạo Hong Kong đã ra lệnh công sở và trường học phải mở cửa trở lại vào sáng thứ Hai ngày 6/10 và khôi phục trật tự xã hội.
Những người biểu tình nói họ không có án ngữ lối vào các công sở nhà nước và khẳng định các viên chức có thể quay lại làm việc mà không gặp cản trở gì.
Phóng viên Hồng Nga từ Hong Kong cho biết tiến trình thương thảo để thiết lập đối thoại giữa người biểu tình và chính quyền hiện đang tắc nghẽn.
Các bên đang chuẩn bị để đạ̣i diện biểu tình có thể ngồi xuống đàm phán với nhân vật thứ hai của chính quyền đặc khu, Tổng thư ký Carrie Lam, nhưng vẫn chưa có sự đồng thuận giữa các bên về các nguyên tắc chính của cuộc đối thoại.
‘Đến lúc đối thoại’
Phóng viên BBC John Sudworth ở Hong Kong cho biết một số người muốn kiên trì đấu tranh để có kết quả thực chất nào đó trong khi một số người sợ hơi cay, đạn cao su và cảnh sát bắt bớ và nghĩ rằng đã đến lúc đối thoại với chính quyền.
Trước đó, những người biểu tình nói rằng họ sẽ chấp thuận đề xuất đàm phán của chính quyền nếu các cuộc tấn công vào người biểu tình được điều tra và cảnh sát không dùng vũ lực giải tán các điểm biểu tình.
Phóng viên của chúng tôi cho biết con số người biểu tình đã ‘sụt giảm’ trong những ngày gần đây do nhiều người biểu tình không dám can đảm trong cuộc đối đầu sau cùng trước khả năng cảnh sát sẽ dùng vũ lực.
Đặc khu trưởng Lương Chấn Anh đã kêu gọi người biểu tình chấm dứt phong tỏa đường phố và cảnh báo cảnh sát có trách nhiệm làm mọi việc cần thiết để vãn hồi trật tự.
Liên đoàn Sinh viên Hong Kong nói họ luôn để mở lối vào các trụ sở công quyền và không có lý do gì các viên chức nhà nước không trở lại làm việc vào sáng ngày 6/10.
Hôm Chủ nhật ngày 5/10, cả chính quyền Hong Kong và người biểu tình đều nói rằng họ sẵn sàng bắt đầu đàm phán để tìm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng kéo dài cho đến nay đã được một tuần.
Hãng tin AFP tường thuật rằng lãnh đạo sinh viên Hong Kong Lester Shum đã gặp gỡ các quan chức trung cấp để xác định điều kiện đàm phán nhưng cuộc gặp đã không có kết quả.
Lúc đầu, hai bên định đàm phán vào thứ Bảy 4/10 nhưng sau đó người biểu tình đã rút lui sau các cuộc tấn công vào họ một ngày trước đó vốn diễn ra chủ yếu ở quận Mong Kok.
Rời Mong Kok
Một số người biểu tình ở Mong Kok dường như đã rời đi và ngày 5/10 và cho biết họ đến gia nhập đám đông biểu tình chính ở bên ngoài trụ sở chính quyền ở quận Admiralty.
Tuy nhiên, những người khác quyết định vẫn bám trụ.
Từ Mong Kok, phóng viên BBC News Julianna Liu tường thuật:
“Sau nhiều ngày căng thẳng, sự yên bình đã trở lại khu thương mại Mong Kok, nơi đã diễn ra nhiều cuộc xung đột đôi khi bạo lực giữa phe biểu tình và phe chống biểu tình.
Trước đó, bầu không khí ở đây đã bối rối khi trước sức ép của một đám đông không thân thiện (phe chống biểu tình), một lãnh đạo sinh viên đã thông báo trực tiếp trên truyền hình rằng người biểu tình nên dọn đồ và rời đi đến địa điểm biểu tình chính ở khu Admiralty để nhường chỗ cho phe chống biểu tình.
Đây là một cú giáng vào phong trào biểu tình dân chủ ở Hong Kong.
Nhiều người đã rời đi nhưng vẫn có người không chịu đi.
Những người biểu tình thuộc nhóm Civic Passion, một nhóm ủng hộ dân chủ cực đoan hơn, đã đến thế chỗ. Nhà lập pháp Raymond Wong và các ủng hộ viên của ông cũng đến.
Đến giờ, Mong Kok vẫn là một cứ điểm của người biểu tình với hàng trăm người ngồi trên đường đòi cải cách dân chủ.”
No comments:
Post a Comment