Theo báo Tuổi Trẻ, thực tế này đang diễn ra tại khu điều trị kỹ thuật cao bệnh viện Bình Dân và nhiều bệnh viện khác ở Sài Gòn.
Ngày 13 tháng 8, ông N.D.T. (64 tuổi) đến bệnh viện Bình Dân khám bệnh vì đi tiêu hơi khó. Bác Sĩ Nguyễn Bá Minh Nhật chẩn đoán ông bị bệnh trĩ và phì đại tiền liệt tuyến, kê toa 5 loại thuốc uống trong nửa tháng.
Tại nhà thuốc, khi người bán thông báo số tiền gần 2.9 triệu đồng. Nghĩ mình bệnh nặng nên bác sĩ mới cho thuốc nhiều tiền, ông T. vội trở ngược lại gặp bác sĩ xin được nội soi trực tràng.
Kết quả, trực tràng và hậu môn bình thường. Không đủ tiền, ông T. mua nửa toa thuốc với giá hơn 1.4 triệu đồng.
Về nhà, vợ ông T. xem từng loại thuốc và thấy Bác Sĩ Nhật kê 30 viên Winman - một loại thực phẩm chức năng tăng cường sinh lý có giá bán gần 35,000 đồng. Ngoài ra, còn có 28 viên kháng sinh Cevirflo giá 34,240 đồng/viên, chỉ định viêm xoang cấp, đợt cấp của viêm phế quản mãn tính, viêm phổi,... trong khi ông T. không bị các bệnh này.
Từ phản ảnh của vợ ông T., báo Tuổi Trẻ đến bệnh viện Bình Dân tìm hiểu. Chỉ xem qua chục toa thuốc của bệnh nhân, đã phát hiện phân nửa bị Bác Sĩ Nhật kê thêm 30 viên Winman, trong khi hầu hết họ đều không biết công dụng của nó.
Ngày 24 tháng 9 tại nhà thuốc khu kỹ thuật cao, bà Lê Thị Nghiệp (56 tuổi) ở Bình Dương tưởng nhân viên bán thuốc tính lộn tiền khi kêu đóng hơn 4.6 triệu đồng.
Lưỡng lự một lúc, bà Nghiệp bảo chỉ lấy chừng 1 triệu đồng do không đủ tiền. Người bán dọa: “Bác sĩ cho bà rất nhiều thuốc, lấy 1 triệu đồng sao đủ uống.” Vét sạch túi, bà Nghiệp chỉ đủ tiền mua nửa toa thuốc.
Ðơn thuốc của bà Nghiệp cũng do Bác Sĩ Nhật kê và chẩn đoán “viêm dạ dày cấp khác” gồm có bảy loại thuốc uống trong ba tuần, trung bình bà Nghiệp uống 17 viên/ngày.
Tương tự, khi nghe đóng gần 5.3 triệu đồng tiền thuốc, ông Nguyễn Văn Chương (38 tuổi) ở Quảng Ngãi thẫn thờ xin lấy lại toa vì không đủ tiền mua. Trong toa, Bác Sĩ Hùng chẩn đoán “viêm dạ dày cấp và sỏi thận,” kê bảy loại thuốc uống trong ba tuần. Trong đó, có 7/8 loại kê 84 viên và một loại 42 chai Biocid MH 100ml.
Theo ông Chương, là công nhân nên trị giá toa thuốc này gần bằng tháng lương của anh. Cả ông Trung cũng vậy.
Một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực tiêu hóa xin giấu tên khi xem qua các toa thuốc cho rằng, nhiều toa thuốc điều trị dạ dày được chỉ định với liều cao gấp 2-3 lần bình thường và dùng nhiều loại kháng sinh thế hệ mới nhất.
Ðưa gần 20 toa thuốc của Bác Sĩ Hùng, Bác Sĩ Nhật cho ông Trần Vĩnh Hưng, giám đốc và Vũ Lê Chuyên, phó giám đốc bệnh viện Bình Dân. Cả hai đều nhìn nhận nhiều toa thuốc có “kê thuốc thừa,” cho thuốc dài ngày, nhiều loại mắc tiền và có cả thuốc chưa phù hợp chẩn đoán.
Thế nhưng, mặc dù nhìn nhận bệnh viện chưa rốt ráo bình toa thuốc ở khu kỹ thuật cao, nên còn để sót lọt toa thuốc chưa hợp lý. Song, ông Chuyên thòng một câu “Thường bệnh nhân có tiền mới qua khu này khám, chắc cũng không có gì đáng nói.” (?!) (Tr.N)
10-06- 2014 4:27:53 PM
Theo Người Việt
No comments:
Post a Comment