Monday, September 29, 2014

VIDEO &PICS:Hàng chục ngàn người thắp sáng Hồng Kông

Thứ Hai, 21:39  29/09/2014

(NLĐO) – Cảnh sát chống bạo động Hồng Kông trưa ngày 29-9 rút lui, để người biểu tình kiểm soát 3 tuyến đường chính và bến cảng. Hàng chục ngàn người tiếp tục đổ xuống đường chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc đối đầu với lực lượng an ninh qua đêm.

Tại địa điểm biểu tình lớn nhất ở khu Kim Chung (Admiralty), nơi có nhiều doanh nghiệp quốc tế đóng trụ sở, khoảng 20.000 người tập trung tại đây vào buổi chiều và kiểm soát gần 1 km đường cao tốc.
Trong khi đó, ở 2 khu mua sắm Vượng Giác (Mongkok) và vịnh Đồng La (Causeway Bay), hàng ngàn người biểu tình chặn các tuyến đường chính.
Khi màn đêm buông xuống, người biểu tình tại nhiều nơi dùng điện thoại di động và đèn pin làm thành biển ánh sáng. Cho đến hơn 11 giờ tối 29-9, theo mô tả của báo South China Morning Post, không khí tỏ ra thoải mái, khác với tình trạng náo loạn trong đêm 28-9.
Lực lượng cảnh sát cũng án binh bất động và chỉ duy trì một lực lượng vừa phải để giám sát đám đông biểu tình. Dù vậy, người biểu tình vẫn kiên quyết đòi đặc khu trưởng Lương Chấn Anh từ chức.

Hàng chục ngàn người biểu tình lại tập hợp để chuẩn bị đối đầu với cảnh sát qua đêm 29-9. Ảnh: SCMP
Hàng chục ngàn người biểu tình lại tập hợp để chuẩn bị đối đầu với cảnh sát qua đêm 29-9. Ảnh: SCMP

Người biểu tình và cảnh sát trước trụ sở cảnh sát quận Loan Tử. Ảnh: SCMP
Người biểu tình và cảnh sát trước trụ sở cảnh sát quận Loan Tử. Ảnh: SCMP

Người biểu tình thắp sáng và ca hát trong đêm 29-9. Nguồn: YouTube/SCMP

Trước đó, khoảng 1.000 người dân Hồng Kông đeo mặt nạ tụ tập bên ngoài một đồn cảnh sát, nơi các nhân viên đã tổ chức họp báo thừa nhận dùng đạn hơi cay giải tán đám đông vào đêm 28-9. Trợ lý Ủy viên Cảnh sát Hồng Kông Cheung Tak-keung cho biết đạn hơi cay đã được sử dụng 87 lần tại 9 địa điểm khác nhau vì “không có sự lựa chọn nào khác”.
Hiệp hội Luật sư Hồng Kông lên án chính quyền sử dụng lực lượng “quá mức và không cân xứng” để chống lại người biểu tình đang phản đối ôn hòa.
Cảnh sát Hồng Kông ghi nhận 41 trường hợp bị thương sau các vụ ẩu đả, trong đó có 12 nhân viên công vụ. 78 vụ bắt giữ đã được thực hiện, từ hành vi xâm nhập trụ sở chính quyền đến gây mất trật tự công cộng và cản trở nhân viên an ninh.

Ông Benny Tai, một thủ lĩnh của phong trào Chiếm lĩnh Trung tâm, phát biểu ở khu Vượng Giác tối 29-9. Ảnh: SCMP
Ông Benny Tai, một thủ lĩnh của phong trào Chiếm lĩnh Trung tâm, phát biểu ở khu Vượng Giác tối 29-9.
Ảnh: SCMP

Bộ Ngoại giao Anh hôm 29-9 bày tỏ lo ngại về các cuộc biểu tình leo thang tại Hồng Kông - nhượng địa được Anh trao trả cho phía Trung Quốc vào năm 1997, đồng thời nhấn mạnh sự thịnh vượng và an ninh của Hồng Kông được củng cố bằng các quyền cơ bản, bao gồm quyền được biểu tình.
Dẫn theo tuyên bố chung Trung - Anh, Bộ Ngoại giao Anh khẳng định: “Điều quan trọng là Hồng Kông duy trì được các quyền này và người dân Hồng Kông có thể thực hiện chúng theo quy định của pháp luật”.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng phản đối “các thế lực bên ngoài can thiệp vào tình hình Hồng Kông”. Giới truyền thông Trung Quốc cũng cáo buộc Anh và Mỹ đứng sau giật dây phong trào biểu tình “Chiếm lĩnh trung tâm” ở Hồng Kông.

P.Nghĩa (Theo Straits Times, Reuters)

No comments:

Post a Comment