Hông Phạm - Thứ Hai, ngày 29/9/2014 - 19:53
Đêm qua là đêm người dân Hong Kong phản kháng giới chính quyền một cách quyết liệt. Cảnh sát đặc khu đã phải dùng lựu đạn khói và hơi cay để dập tắt biểu tình nhưng dường như biện pháp này không mấy khả quan.
Người biểu tình đòi dân chủ phong tỏa tuyến đường Nathan, đây là tuyến đường dẫn thẳng đến khu trung tâm quận Cửu Long, Hồng Kông hôm 29-9. (Ảnh: AFP)
Người biểu tình Hong Kong dày dạn và quyết tâm hơn trong việc ứng phó các đợt đột kích ồ ạt bằng lựu đạn khói và hơi cay từ phía cảnh sát, theo đài CNA (Singapore).
Nhiều người chống đối chính quyền đã khôn ngoan trang bị mặt nạ tự chế và nhóm tụ hàng ngàn người tuần hành khắp đường phố sáng ngày 29-9, tiếp tục phong tỏa khu trung tâm và làm tê liệt thị trường kinh tế-tài chính của đặc khu.
Lực lượng biểu tình hò hét trên đường Nathan (Ảnh: AFP)
Đến trưa chiều 29-9, một thỏa thuận giữa cảnh sát và người biểu tình đã giúp giảm thiểu căng thẳng. Theo đó, quan chức cảnh sát Hong Kong cho rút bớt lực lượng bảo vệ và yêu cầu người biểu tình không có những động thái quá khích làm nghiêm trọng tình hình.
Nghi ngờ khả năng cảnh sát bất ngờ ập đến, nhiều người trong nhóm bạo động vẫn cảnh giác cao độ, “không tự cho mình có được giấc ngủ trọn vẹn” để canh chừng nguy cơ “đột kích” từ cảnh sát.
Úc, Đài Loan đứng về phe biểu tình
Sự kiện Hong Kong thu hút đông đảo sự quan tâm từ nhiều nước trên thế giới, trong đó có Úc và Đài Loan là hai quốc gia hết mực tán thành nỗ lực của các nhà hoạt động dân chủ tại đặc khu.
Ngay khi vụ việc đêm qua được truyền thông quốc tế đưa tin, Viện Hong Kong ở Sydney đã ra tuyên bố công khai ủng hộ lực lượng đòi Bắc Kinh thực thi những ưu đãi dân chủ toàn diện. Hàng trăm người dân sống tại Úc đã ký kết kiến nghị tán thành việc cho phép Hong Kong nên giữ khẩu khí ép chính quyền thực thi phổ thông đầu phiếu vốn đã được duy trì từ thời Hong Kong còn là thuộc địa của Anh. Phần đông số người đồng tình có thể là người gốc Hong Kong.
Joyce Lim, một sinh viên kinh tế ủng hộ bãi khóa mà hãng thông tấn AFP phỏng vấn cho hay: “Chúng tôi thực sự muốn bảo vệ sinh viên tại Hong Kong vì nếu chúng tôi không đứng về phía họ bây giờ thì có lẽ về sau đã quá trễ.”
Người biểu tình tại Sydney, Úc (Ảnh CNA)
Cũng chung quan điểm này, trong buổi nói chuyện với nhiều lãnh đạo doanh nghiệp tại Đài Bắc, người đứng đầu chính quyền Đài Loan - ông Mã Anh Cửu - cho biết ông hoàn toàn ủng hộ những gì mà người dân Hong Kong đang và sẽ làm vì một chế độ phổ thông đầu phiếu toàn diện.
Theo ông Mã, việc thi hành luật phổ thông đầu phiếu theo đúng ý nguyện của người dân Hong Kong sẽ giúp Bắc Kinh và đặc khu tự trị thêm hòa hợp và được lợi cả đôi đường trong khi lại không gây ra bất cứ căng thẳng nào giữa hai phe chính thống là chính quyền và không chính thống là thành phần phong trào dân chủ.
Ông cũng thúc giục chính quyền Bắc Kinh “nên lắng nghe tiếng lòng người dân đặc khu và cần áp dụng các biện pháp hòa giải ôn hòa và cẩn trọng để giải quyết căng thẳng”, nhưng cũng không quên kêu gọi lực lượng “cải cách” kiềm chế và có lối hành xử “lý trí” hơn trong cách thể hiện nguyện vọng của mình”.
Đây cũng có thể là lời gửi gắm ngầm của ông Mã đối với những người biểu tình ở Đài Bắc trước tòa nhà sĩ quan quân đội thành phố vì muốn tiếp thêm tiếng nói cho người dân Hong Kong.
Áp dụng thử nghiệm từ năm 1997 đến nay, đại lục từng cho rằng với hình thức dân chủ “một quốc gia, hai chế độ” như vậy nếu áp dụng thành công tại Hong Kong sẽ giúp Trung Quốc có lợi cho việc lôi kéo Đài Loan về lại “đất mẹ”.
Tuy nhiên, đáp lại những mời mọc ấy của Bắc Kinh, Đài Loan vẫn một mực từ chối sáng kiến chính trị được cho là nhằm mục tiêu “thống nhất Trung Nguyên” của Trung Quốc. Đó là lí do tại sao ông Mã “rất đồng cảm” với tình hình chính sự tại Hong Kong vì hẳn Trung Quốc nhận ra rằng “một quốc gia, hai chế độ” không thể xoay chuyển thế cờ được chơi với Đài Loan.
Liệu có thể trầm trọng hơn?
Có lời đồn cho rằng lãnh đạo tối cao của Hong Kong còn đưa ra quyết sách nếu người biểu tình không giải tán, có thể lực lượng phòng vệ Hương Cảng sẽ mời đến Quân đội Nhân dân Giải phóng (PLA) đồn trú tại đăc khu đứng ra “dàn xếp” vụ việc. Tuy nhiên, ông Lương Chấn Anh - Đặc khu trưởng Hong Kong - đã lên tiếng bác bỏ đồn đoán này.
Đáp lại lời kêu gọi ngừng ngay hoạt động biểu tình dân sự, người đứng đầu phong trào ngay lập tức phản đối: “Những ai có nhận thức đều sẽ cảm thấy xấu hổ nếu chịu hợp tác với loại chính quyền đã thờ ơ với nguyện vọng của dân chúng”.
Tuần qua, nhiều sinh viên bỏ học để hòa vào dòng người biểu tình tấn công vào nhiều tòa nhà dành cho chính quyền trung ương. Được biết, Tổ chức Occupy Central đứng sau vận động hành lang, khích động căng thẳng quần chúng tiến hành cuộc vận động chống đối chính sách dân chủ của Bắc Kinh, vốn dự kiến diễn ra vào 1-10 nhưng đã bất ngờ bắt đầu từ ngày 28-9.
Tính đến thời điểm hiện tại, tổng cộng đã có 41 người bị thương đang điều trị tại bệnh viện, 78 người khác đang bị bắt giữ vì ngang nhiên xâm phạm lối vào tòa thị chính, có hành động quá khích gây mất trật tự công cộng và đe dọa đến tính mạng nhiều quan chức cấp cao ở Hong Kong.
Theo tờ South China Morning Post, có trụ sở chính tại Hong Kong, tối nay đoàn biểu tình sẽ tiếp tục hành động trên khắp các tuyến đường khu vực quân trung tâm của thành phố, đúng như mục tiêu phong tỏa, “chiếm lấy phố tài chính-kinh tế” đầu não của đặc khu.
“Đài Loan kiên quyết không trở thành một Hong Kong thứ hai”
Vào tuần trước, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng đưa ra một bài phát biểu về vấn đề “hợp nhất Trung Quốc” được người dân đại lục hoan nghênh nhưng lại khiến người dân Đài Loan lo ngại. Lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu trả lời phỏng vấn với phóng viên tờ Le Figaro hôm 26-9 đã nhấn mạnh “Đài Loan kiên quyết không trở thành một Hong Kong thứ hai”.
Bàn về vấn đề hợp tác an ninh cho Đài Loan, ông Mã dẫn một khảo sát cho thấy 80% người dân vùng này đồng tình yêu cầu giữ nguyên hiện trạng eo biển Đài Loan thể hiện rõ tầm quan trọng trong việc thúc đẩy mậu dịch tự do và nhu cầu cấp thiết thực tế của việc cần nới rộng cửa giao thương với Trung Quốc.
|
Hông Phạm
No comments:
Post a Comment