Monday, September 29, 2014

Chín diệu kế của “Binh pháp quan trường”

XUÂN DƯƠNG 27/09/14 08:06
(GDVN)-“Binh pháp quan trường” mới chỉ dừng lại ở chín kế mà người viết sẽ lần lượt lý giải. Rất mong bạn đọc viết thêm để thành 18, 24 hay 36 kế thì thật là vinh hạnh.

Vài lời bộc tuệch

Tôn Tử đúc kết kinh nghiệm tranh quyền đoạt lợi, chiến tranh thôn tính lân bang suốt chiều dài lịch sử Trung Quốc cho đến thời đại của ông mới viết nên “Binh pháp Tôn Tử”. Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn trải bao trận mạc chống ngoại xâm mới viết nên “Binh thư yếu lược”. Đó đều là các thiên cổ kỳ thư, vài trăm năm mới xuất hiện một lần.

Cóc nằm gầm tủ, nghiến răng ra lệnh cho trời, giả sử mưa thật thì cũng chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên, ai mà tin cóc! Vì thế viết ra đôi dòng chỉ là để giải tỏa lúc “nông nhàn”, giúp mọi người đọc cho vui nhằm khi “nhàn cư hữu thiện”. Cũng chính vì thế “Binh pháp quan trường” mới chỉ dừng lại ở chín kế mà người viết sẽ lần lượt lý giải. Rất mong bạn đọc viết thêm để thành 18, 24 hay 36 kế thì thật là vinh hạnh.

Kế thứ nhất: “Buôn thần bán thánh”

Ở Trung Quốc, Lã Bất Vi nổi tiếng với thương vụ “buôn vua”, sự tích Lã Bất Vi đã được nền điện ảnh Hoa lục dựng thành phim dài nhiều tập. Vua dẫu sao cũng là người trần mắt thịt, việc buôn vua của Lã Bất Vi còn lâu mới so được với chuyện buôn thần bán thánh ở đất Việt phương nam.

Mỗi năm vào dịp xuân sang, các đình chùa, miếu mạo lúc nào cũng thơm lừng hương khói, đáng kể nhất phải là đền Bà Chúa Kho và lễ hội phát ấn đền Trần. Có lúc cánh phóng viên “rách việc”  còn chụp ảnh cả biển xanh, biển đỏ ở đuôi xế hộp, nhưng chủ yếu vẫn là biển trắng.


Khấn vái thành kính xin ông Hoàng Bảy

Thành phần đến đền Bà Chúa Kho thì đủ loại, dân buôn bán, viên chức, công chức,…  trong đám đông “thành kính” ấy không thiếu các gương mặt phương phi, cổ cồn ca vát, chắp tay thủng thẳng xếp hàng. Hương khói, đồ lễ đã có “người nhà” lo, chỉ cần chắp tay lắp bắp là được.

 Từ các bà buôn thúng bán mẹt đến sếp các doanh nghiệp lớn bé (xe biển xanh thì chắc không phải tư doanh) vay được của Bà Chúa là yên tâm, cuối năm rủi có thua lỗ trong làm ăn thì xin khất nợ, giãn nợ, xin miễn giảm thuế hoặc xin tài trợ từ ngân khố, khất không được thì tìm cách “né bão” vài tháng, vài năm, gió yên bể lặng ta lại quay về … vay tiếp.

Khác với đền Bà Chúa Kho, đến với lễ phát ấn đền Trần, nhìn cách ăn mặc xem ra thành phần có bằng cấp có vẻ hơi nhiều. Ấy thế mà người ta vẫn chen lấn, giẫm đạp, thậm chí trèo lên cả ban thờ nhằm xoa tay vào bảo kiếm và các linh vật. Sờ được, xoa được là cách cầu may, lấy phúc, chẳng ai sợ “thánh vật” dù có trèo nên cả bàn thờ.  Bỏ ra ít tiền để có tờ ấn đền Trần là có một lá bùa hộ mệnh, sờ được vào kiếm báu thì còn sợ gì “đao pháp” hay “luật pháp”.

Chịu khó một chút đến các quán bán băng đĩa hay đến trước cổng một số di tích nổi tiếng, với chỉ chưa đến chục nghìn là có thể mua được băng đĩa hát văn khấn tại đền các ông Hoàng Mười (Nam Đàn-Nghệ An), Hoàng Bảy (Bảo Hà-Lào Cai)… Lễ vật đền ông Hoàng Mười có  cờ quạt, bút sách ... để cầu tài cầu lộc, cầu mong cho con cháu được đỗ đạt khoa cử, làm rạng danh tổ tông.

Còn ở đền ông Hoàng Bảy thì VTC New trong bài phóng sự ngày 27/2/2014 viết: “nếu cúng ông Bẩy mà không có thứ đó (thuốc phiện) thì không thể thiêng được. Ông mà có thuốc phiện rít, phê lòi ra, thì xin thứ gì chả được”. [1] Chẳng biết có phải vì bị nhắc nhở hay là muốn múa rìu qua mắt thợ nên ở cổng đền có tấm biển treo ghi nội dung: “Cấm mang thuốc phiện vào đền”. Dân lô đề, nghiện hút, buôn lậu “có số má” chẳng mấy người chưa đến hầu giá ở đền ông Hoàng Bảy.

Thế đấy muốn công thành danh toại, thì nhất thiết phải không quản xa xôi, thức khuya dậy sớm xin thần, xin thánh, xin ông hoàng, bà chúa ban tài, ban lộc, lại cũng xin chư vị che chở cho thoát khỏi mọi tai ương, đặc biệt là khi bị pháp luật động đến.

Đã là người làm ăn, một khi được ông hoàng, bà chúa ban lộc thì tâm lý thoải mái, tinh thần minh mẫn, hành động dứt khoát, mọi nỗi sợ tan biến, pháp luật chỉ là “cái đinh rỉ” làm gì chẳng vào cầu, không như mấy bác dân cày đường nhựa, vừa đi vừa sợ dẫm phải đinh, chẳng được tích sự gì!

Còn bác nào ngại sự “tọc mạch” của cánh nhà báo, không muốn xuất hiện công khai thì đã có thủ trưởng của các bác, tức là các vị phu nhân đảm đang tất cả, các bác cứ việc yên tâm lo việc đại sự, chờ ngày vui thú điền viên.

Đây mới chỉ liệt kê sơ sơ các vị “cổ thánh”, còn các vị “tân thánh” thì mỗi người phải tự chọn để mà thờ phụng, không thể cầm đèn chạy trước ô tô, xin lượng thứ.

Có điều nên nhớ, muốn thành ông nọ, bà kia thì phải thực hiện chu đáo tất cả các diệu kế của “Binh pháp quan trường” chứ không phải chỉ kế thứ nhất. Kế này chỉ là khởi đầu,  lấy đó làm chỗ dựa tinh thần, yên tâm mà phấn đấu, các kế khác sẽ được lần lượt công bố nay mai.

Những kẻ khinh nhờn thần thánh dù có bán cả nhà tạ lỗi, chưa chắc đã được xá tội, đừng quên, đừng quên./.

No comments:

Post a Comment