Monday, September 29, 2014

“Nếu tôi không đứng lên...”

Khi hứng lấy làn hơi cay từ cảnh sát, những người biểu tình trẻ tuổi lẫn người dân Hồng Kông có chung một cảm giác: Sốc!

Nỗi sửng sốt này có thể lý giải bởi khác với phần còn lại của Trung Quốc, Hồng Kông phát triển theo mô hình chính phủ phương Tây khi là nhượng địa của Anh từ năm 1842.

Đến khi trở về với Trung Quốc vào năm 1997, Hồng Kông lại được trao quy chế “1 nhà nước, 2 chế độ”, trở thành đặc khu hành chính với “quyền tự trị cao trong mọi lĩnh vực trừ quốc phòng và ngoại giao” cho đến năm 2047.

Những điều này mang đến cho người dân hòn đảo một ý thức rõ rệt về dân chủ và trong mắt họ, giới chức địa phương cũng chỉ là người làm công ăn lương.

Năm 2007, quốc hội Trung Quốc ra nghị quyết cho phép bầu cử theo hình thức phổ thông đầu phiếu ở Hồng Kông từ năm 2017. Theo cách hiểu của người Hồng Kông, mỗi người dân sẽ được bỏ phiếu bầu đặc khu trưởng thay vì để một ủy ban gồm 1.200 người thân Bắc Kinh chọn ra.

Nhưng Trung Quốc đại lục không nghĩ vậy. Tháng 8 vừa qua, Bắc Kinh thông báo phổ thông đầu phiếu vẫn diễn ra nhưng dựa trên danh sách 3 ứng viên được ủy ban bầu cử đã nêu lựa chọn. Người Hồng Kông gọi đó là “dân chủ giả mạo”!

Một góc dòng người biểu tình Ảnh: THE WALL STREET JOURNAL
Một góc dòng người biểu tình ở Hồng Kông hôm 29-9.Ảnh: THE WALL STREET JOURNAL

 Và họ xuống đường, với lực lượng đi đầu hiện là giới sinh viên học sinh. Cô gái 18 tuổi Nicola Cheung dứt khoát: “Chúng tôi tranh đấu cho dân chủ và tự do. Bạo lực không thể đẩy chúng tôi rời xa những giá trị cốt lõi đó”.

Ông Edward Yeung - một tài xế taxi 55 tuổi - nói với Reuters: “Nếu hôm nay tôi không đứng lên, tôi sẽ thù ghét mình trong tương lai. Ngay cả khi vì vậy mà dính tiền án, đó cũng là một vinh quang”.

Đúc kết với trang Bloomberg, giáo sư luật Michael Davis của Trường ĐH Hồng Kông, nói: “Hết lần này đến lần khác, người dân Hồng Kông đã chứng minh nếu chính quyền xử lý các mối lo ngại của công chúng một cách tồi tệ, họ sẽ bị chống lại”.

Dĩ nhiên, không phải ai cũng đồng tâm trạng với những người xuống đường. Tờ The Wall Street Journal mô tả cuộc khủng hoảng này đã hé lộ một hố sâu thế hệ và kinh tế tại Hồng Kông.

Thanh niên Hồng Kông đang vật lộn với giá nhà cửa trên trời và một nền kinh tế lẫn dịch vụ bị chiếm lĩnh bởi các đối thủ đến từ đại lục. Ngược lại, những cư dân lớn tuổi hơn từng hưởng lợi từ sự trỗi dậy của kinh tế Trung Quốc và họ phản ứng mạnh mẽ trước việc đặt chính trị lên trên phát triển kinh tế.

Cuộc thăm dò tuần trước của Trường ĐH Hồng Kông cho thấy 75,8% người được hỏi từ 15-24 tuổi phản đối phương án bầu cử của Bắc Kinh trong khi tỉ lệ này ở độ tuổi 40-59 chỉ là 45,3%.

Ngay trong nội bộ khối biểu tình cũng có chia rẽ. Các sinh viên giành được thiện cảm và sự ủng hộ của người dân - nhất là khi họ không hề phá hoại tài sản công cộng hay tấn công cảnh sát - nhưng “Chiếm lĩnh trung tâm”, phong trào với thành phần lãnh đạo chủ yếu là giảng viên đại học trung niên và thành viên các đảng dân chủ, lại không mấy được lòng.

Tương lai Hồng Kông sẽ ra sao? Điều này phần lớn phụ thuộc vào phản ứng của Bắc Kinh và chính quyền đặc khu đến mức nào. Lúc này, lo lắng lớn nhất là biến cố Thiên An Môn (năm 1989 ở Bắc Kinh) tái diễn, theo nhiều chuyên gia.

Và xa hơn, chuyện gì sẽ xảy ra nếu Bắc Kinh thành công trong việc “đại lục hóa” Hồng Kông cả về hành chính và môi trường kinh doanh? Câu trả lời của tạp chí Time là: “Hồng Kông sẽ chấm hết”.

Mất đi một trong các cột trụ - thành công kinh tế, thể chế và các quyền tự do cơ bản của công dân - Hồng Kông sẽ trở thành một thành phố nhạt nhòa của Trung Quốc và “không có cửa” cạnh tranh với Thượng Hải.

Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng đang tiến thoái lưỡng nan: Một mặt không muốn bị xem là nhượng bộ nhưng mặt khác cũng phải cân nhắc hậu quả của việc trấn áp biểu tình bằng vũ lực.
Thứ Hai, 22:52  29/09/2014
MỸ NHUNG
Theo NLĐO

No comments:

Post a Comment