Tuesday, September 23, 2014

TQ ứng xử Tân Cương, Hồng Kông:Hai thái độ, một kết quả!

(Baodatviet) - Hàng loạt vụ nổ xảy ra tại Tân Cương sau khi một học giả người Duy Ngô Nhĩ bị kết án. Tại Hồng Kông, phong trào biểu tình cũng lan rộng.
Tân Cương: Cứng rắn dẫn đến sai lầm?

Ngày 23/9, ông Li Fangping - luật sư của Giáo sư kinh tế người Duy Ngô Nhĩ Ilham Tohti, cho biết một tòa án của Trung Quốc đã kết án học giả nổi tiếng này mức án tù chung thân với những cáo buộc "chủ trương ly khai".
Đây là vụ việc làm gia tăng sự quan ngại quốc tế về nhân quyền trong khi giới phê bình cho rằng có khả năng làm leo thang căng thẳng tại khu vực Tân Cương bất ổn ở miền Tây Trung Quốc.
Giáo sư Ilham Tohti, người bảo vệ mạnh mẽ nhất các quyền của người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ tại Trung Quốc, đã phải ra hầu tòa tại khu vực phía Tây Tân Cương tuần trước.
Luật sư Li Fangping cho biết thân chủ của ông "chắc chắn sẽ kháng cáo".
Hiện trường vụ nổ tại một khu chợ tại Tân Cương hồi tháng 5/2014
Hiện trường vụ nổ tại một khu chợ tại Tân Cương hồi tháng 5/2014
Sự cứng rắn của chính quyền Trung Quốc cũng được thể hiện trong loạt phiên tòa xét xử các phần tử Hồi giáo cực đoan, những người mà Bắc Kinh cho là tác giả của các vụ bạo động thời gian qua. Gần đây nhất, tối 17/9, một tòa án ở tỉnh Vân Nam Trung Quốc đã tuyên phạt 4 đối tượng với các mức án lên tới 20 năm tù giam vì tội "âm mưu tấn công khủng bố".
Dựa theo tên gọi, 4 đối tượng này được cho là người Duy Ngô Nhĩ. Tòa án cho rằng các đối tượng bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa cực đoan tôn giáo và đã chế tạo chất nổ ở Bắc Kinh và Vân Nam nhằm phát động "thánh chiến".
Trước đó, hồi tháng 6/2014, tòa án khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương đã kết án tử hình với 3 đối tượng và bỏ tù 5 đối tượng khác tham gia vụ tấn công khủng bố gần Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh hồi tháng 10/2013.
Riêng trong tháng 7/2014, Trung Quốc đã kết án 400 bị cáo tham gia các "hoạt động khủng bố".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng tuyên bố cứng rắn sẽ "chủ động tấn công phủ đầu các nhóm khủng bố ở Tân Cương". Trọng tâm chiến dịch chống khủng bố trường kỳ của Bắc Kinh chủ yếu tập trung vào cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ, những người bị tình nghi dung túng cho các phần tử tôn giáo cực đoan được Al Qaeda hậu thuẫn và Phong trào Vâng mệnh Thiên chúa Đông Turkestan.
Tuy nhiên, nhìn vào các vụ việc xảy ra trên thực tế thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng, cách giải quyết mạnh tay của chính quyền Trung Quốc bằng những biện pháp cứng rắn cũng như biện pháp đặc biệt đang dẫn đến sai lầm và làn sóng li khai ở Tân Cương ngày càng trào ngược để đối đầu với chính quyền Trung Quốc.
Bằng chứng rõ rệt nhất là những cuộc tấn công bạo lực bằng vũ khí ở Tân Cương vẫn không dừng lại. Mới đây nhất, cổng thông tin Thiên Sơn của chính quyền khu tự trị Tân Cương đưa tin, hôm 21/9 đã xảy ra nhiều vụ nổ ở ít nhất 3 địa điểm, trong đó có một khu mua sắm ở huyện Luân Đài, khiến 2 người thiệt mạng và "nhiều" người khác bị thương.
Tuy nhiên, nguồn tin không cho biết nguyên nhân các vụ nổ cũng như chính xác có bao nhiêu người bị thương.
Trong năm qua, các vụ đụng độ giữa người dân địa phương và lực lượng an ninh ở Tân Cương - khu vực có đông người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ sinh sống - cũng như các vụ tấn công nhằm vào dân thường đã làm hơn 200 người thiệt mạng.
Hồng Kông: Mềm dẻo vẫn không hiệu quả
Không cứng rắn như đã làm với Tân Cương, chính quyền Trung Quốc chọn cách ứng xử mềm dẻo hơn đối với phong trào dân chủ đang diễn ra khắp Hồng Kông. Được Anh trao trả cho Trung Quốc năm 1997 với thỏa thuận "một quốc gia, hai chế độ", Hồng Kông không chỉ là một trung tâm tài chính, đóng vai trò chủ chốt trong cải cách và phát triển chính trị trong lịch sử Trung Quốc hiện đại mà còn được kỳ vọng trở thành một hình mẫu cho sự phát triển trong tương lai của mối quan hệ giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan.
Tuy nhiên, quyết định Hồng Kông sẽ chỉ được bầu cử đặc khu trưởng vào năm 2017 với các ứng cử viên do một ủy ban thân Bắc Kinh lựa chọn đã khiến làn sóng đòi dân chủ diễn ra khắp đặc khu hành chính này.
Biểu ngữ kêu gọi bãi khóa trên bảng thông báo của Đại học Trung văn Hồng Kông
Biểu ngữ kêu gọi bãi khóa trên bảng thông báo của Đại học Trung văn Hồng Kông
Trong một động thái mới, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã mời hơn 60 nhà tài phiệt hàng đầu Hồng Kông sang Bắc Kinh. Hầu hết các nhà tài phiệt Hồng Kông đều có lợi ích rất lớn ở Trung Quốc đại lục, và thường hậu thuẫn hoặc im lặng trước các chính sách của Bắc Kinh đối với Hồng Kông. Nhóm tài phiệt này cũng có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình lựa chọn nhà lãnh đạo Hồng Kông. Theo giới quan sát, chính quyền Bắc Kinh muốn tận dụng ảnh hưởng của các nhà tài phiệt này để làm dịu các cuộc biểu tình và tẩy chay quy mô lớn.
Theo truyền thông quốc tế,  tại buổi gặp mặt, ông Tập Cận Bình đã nói với các nhà tài phiệt: “Chính sách căn bản của chính quyền Trung Quốc đối với Hồng Kông đã và sẽ không thay đổi”.
Chiêu thức mềm dẻo này của Trung Quốc dường như không thể làm giảm căng thẳng tại Hồng Kông. Hàng ngàn sinh viên tại đây đã bãi khóa nhằm thể hiện sự phản đối chính quyền Trung Quốc.
Trong trang phục áo thun trắng có cài ruy băng màu vàng, biểu tượng dân chủ mà các hiệp hội sinh viên chọn, những người biểu tình trẻ tuổi ngồi tập trung thành từng nhóm dưới cái nóng 30 độ C, theo Reuters. Họ đàn hát, vẽ biểu ngữ kêu gọi mọi người bỏ trường lớp tham gia biểu tình. Tờ South China Morning Post dẫn lời các nhà tổ chức cho biết số người tham gia bãi khóa là khoảng 13.000.
Những người đòi dân chủ đang chuẩn bị cho chiến dịch phong tỏa khu trung tâm tài chính - hành chính Hồng Kông để phản đối quyết định của chính quyền trung ương về bầu cử lãnh đạo đặc khu.
Rõ ràng, Trung Quốc đã chọn hai cách ứng xử khác nhau với Tân Cương và Hồng Kông nhưng hệ quả lại chỉ có một, đó là những căng thẳng ngày càng leo thang.  Trung Quốc hẳn phải cần hành động nhiều hơn nữa để có thể giải quyết ổn thỏa.
An Thái

No comments:

Post a Comment