Tuesday, September 23, 2014

“Ngày thế giới không xe hơi”

10646700_772654299459232_3851771870041650040_622.jpgNgày thế giới không xe hơi” tại Bangkok hôm ngày 21 tháng 9 năm 2014.FB BangkokCarFree
Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ 2014-09-23
‘Không sử dụng xe ô tô trong một ngày’ là hoạt động quốc tế diễn ra vào ngày 22 tháng 9 mỗi năm tại nhiều quốc gia trên thế giới. Mục tiêu nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường do khói xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch xăng thải ra.
Vào ngày 21 tháng 9 vừa qua, hoạt động này diễn ra tại thủ đô Bangkok của Thái Lan.
Gia Minh theo dõi và trình bày trong chuyên mục Khoa học - Môi trường hôm nay, cũng như có một số liên hệ đến tình hình Việt Nam trong lĩnh vực này.

Chủ nhật không xe hơi Xứ Thái

Từ 8 giờ sáng chủ nhật ngày 21 tháng 9, chừng 20 ngàn người đi xe đạp tập trung tại quảng trường Sanam Luang và xuất phát tiến về khu thương mại trung tâm Silom ở thủ đô Bangkok.
Đây là hoạt động khởi đầu Ngày Không xe hơi mà Thái Lan hưởng ứng cùng với thế giới nhân dịp 22 tháng 9 năm nay.
Kinh nghiệm là vì cho xe tư nhân phát triển nhanh quá mà cơ sở hạ tầng chưa theo kịp. Cũng như Singapore thôi, ở những thành phố lớn phải phát triển giao thông công cộng.
-Ô. Nguyễn Văn Thu
Tại khu vực Silom giữa  hai giao lộ Sala Deng và Narathiwat Ratchanakharin, chính quyền thành phố qui định cấm mọi loại xe ô tô, xe tải, xe buýt lưu thông kể từ trưa ngày 21 cho đến 6 giờ sáng ngày hôm sau 22 tháng 9. Trong thời đó khu vực này chỉ dành riêng cho xe đạp và người đi bộ. Và cũng tại đây trong ngày diễn ra hoạt động không dùng xe ô tô, có những lớp hướng dẫn sửa chữa xe đạp được tổ chức cho bất cứ ai muốn tham dự.
Các tuyến đường mà đoàn đạp xe đi qua cũng được thông báo công khai với lời khuyên những ai đi xe ô tô không nên đi vào những tuyến đó.
Cả tuần lễ trước ngày Không xe ô tô năm 2014 tại Bangkok, chính quyền thành phố này tiến hành hoạt động quảng bá rộng rãi bằng các pano, biểu ngữ treo dọc các tuyến đường chính gần nơi xảy ra sự kiện. Truyền thông cũng tham gia thông tin.
Trong ngày 21 tháng 9, tất cả những phương tiện giao thông công cọng sẽ được miễn phí cho những ai đeo huy hiệu đặc biệt cho dịp này. Mỗi huy hiệu với logo Ngày không xe ô tô Bangkok 2014 màu xanh lá cây, nền trắng được bán ra từ ngày 12 tháng 9 ở một số điểm công cộng với giá 50 bath, tương đương 30 ngàn đồng Việt Nam. Tổng số huy hiệu được phát hành là 20 ngàn chiếc.
Một cặp vợ chồng tham gia đạp xe trong ngày Không xe hơi Bangkok năm 2014 cho biết họ mới tham dự lần đầu. Họ cho biết cũng mới sắm xe đạp trong năm nay mà thôi, và ngày thường người chồng vẫn đi làm việc bằng ô tô; nhưng cuối tuần thì cả hai vợ chồng lại đi xe đạp. Ngoài ra họ cũng hạn chế không sử dụng ô tô cho tất cả mọi sinh hoạt khác như đi chợ…
Theo người chồng thì họ nhận thấy tiện ích trước mắt của việc đi xe đạp là sức khỏe được tăng lên.
Anh Raza Tamodb, người Pakistan sinh sống tại Bangkok, và từng tham gia ngày Không Xe ô tô năm nay là lần thứ hai, cho biết tình trạng kẹt xe và ô nhiễm không khí do khói xe ô tô thải ra ở thủ đô Xứ Chùa Vàng là đáng ngại.
1653908_772657032792292_2664604014998989999_400.jpg
“Ngày thế giới không xe hơi” tại Bangkok hôm ngày 21 tháng 9 năm 2014. FB BangkokCarFree.
Bản thân anh thường xuyên  đi làm bằng xe đạp vì đoạn đường từ nhà đến nơi làm việc không xa mấy.
Anh thừa nhận tình trạng đáng ngại như thế ở thủ đô Bangkok đến nay cũng không có gì thay đổi; tuy nhiên với sinh hoạt Ngày không xe ô tô như thế này cũng giúp đánh động ý thức của người dân phần nào.
Thống kê tính đến cuối tháng 8 vừa qua, chỉ riêng tại thủ đô Bangkok có hơn 8 triệu 500 ngàn xe ô tô đăng ký lưu thông.
Tính toán cho thấy tại những tuyếng đường chính như trục đường Sukhumvit thì xe lưu thông trung bình với tốc độ 13 kilomet một giờ mà thôi.

Vấn đề xe cộ Việt Nam

Đó là chuyện ở Thái nơi mà nhiều người Việt Nam sang du lịch hay công tác đều nhận thấy tình trạng kẹt xe ở thủ đô Bangkok. Ông Nguyễn Văn Thu, nguyên Viện Trưởng Viện Qui hoạch và Quản lý Giao thông Vận tải Việt Nam cho biết việc Hà Nội xem xét đến bài học kinh nghiệm đó của Xứ Chùa Vàng:
“Cách đây một thập kỷ, Thái Lan là đất nước điển hình của kẹt xe, nhưng họ cải tạo hệ thống giao thông nên nay cơ bản giải quyết được nạn kẹt xe rồi.
Kinh nghiệm là vì cho xe tư nhân phát triển nhanh quá mà cơ sở hạ tầng chưa theo kịp. Cũng như Singapore thôi, ở những thành phố lớn phải phát triển giao thông công cộng.”
Dù số lượng xe ô tô tại Việt Nam không nhiều bằng Thái Lan, nhưng tầng lớp đủ khả năng sắm một chiếc ô tô loại thường vẫn muốn sở hữu một chiếc, dù rằng hệ thống cơ sở hạ tầng, đường sá của Việt Nam vẫn chưa đủ sức để đáp ứng nhu cầu hiện nay.
Thống kê của Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam cho thấy trong quí 1 năm ngoái, Việt Nam đã có 37 triệu xe máy và hơn 2 triệu xe ô tô. Trong khi đó ‘Quy hoạch Phát triển Giao thông Vận tải Đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030’, nêu con số vào năm 2020 là 36 triệu xe máy và từ 3,2 đến 3,5 triệu xe ô tô.
Thông tin mới nhất từ Hiệp hội Các Nhà sản xuất Ô tô Việt nam- VAMA, cho biết trong tháng 8 vừa qua, Việt Nam tiêu thụ gần 13 ngàn xe ô tô cả nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước. Trong 8 tháng qua, cả nước tiêu thụ hơn 90 ngàn xe, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một người từng hoạt động trong lĩnh vực tư vấn và ứng dụng công nghệ giao thông vận tải thiết kế cầu đường không muốn nêu tên có so sánh về việc sở hữu một chiếc xe ô tô ở Việt Nam và các nước chung quanh như sau:
“Người dân Việt Nam đang bị một nghịch lý là phải mua một chiếc xe tốt thì quá đắt so với những nước lân cận vì hàng rào thuế… Mà mua được một chiếc xe vừa vừa cho hợp với túi tiền thì chất lượng lại quá tệ, ở những nước chung quanh người ta bỏ ra một số tiền cũng tương tự như thế mà chất lượng hơn. Xe mà chất lượng không bằng thì chuyện ô nhiễm là hiển nhiên thôi.”
Cả hai người vừa phát biểu đều có đồng ý với nhau là tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và số lượng xe ô tô, xe máy tại Việt Nam chưa được đồng bộ.
Tuy vậy theo ông nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý Giao thông Nguyễn Văn Thu thì đó là điều tất yếu và ông lạc quan sẽ sớm được khắc phục:
Giao-thong-HN-112211-f-305.jpg
Xe cộ lưu thông giờ cao điểm tại Hà Nội, ảnh chụp trước đây.
“Cơ sở hạ tầng Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển, nên gọi là tương ứng, tính toán thật khoa học, thì chưa thể, đang trong quá trình đưa đến sự tương ứng, ví dụ như Quốc lộ 1 đang làm phải đến 2015 mới hoàn chỉnh. Hiện nay chưa tương xứng nhưng đến ngày nào đó sẽ tương xứng.”
Trong khi đó người cựu chuyên viên tư vấn về công nghệ giao thông vận tải và thiết kế cầu đường thì nêu ra thực trạng bế tắc hiện nay của Việt Nam từ cơ chế mà ra:
“Nói chung tại Việt Nam cái phát triển về hạ tầng còn chậm lắm. Chính phủ cũng hạn chế bằng thuế má, nhưng mà cũng kẹt xe tùm lum. Thị trường xe ô tô mấy năm nay phát triển rất tốt, buôn bán thấy báo chí đưa tin nói doanh số bán ra tăng ‘ầm ầm’ mặc dù thuế bán ra rất cao. Thế mà hạ tầng phát triển không kịp lượng xe bán ra.
Mấy năm nay Nhà Nước cũng đầu tư nhiều vào một số tuyến đường cao tốc nên cũng giúp giảm bớt kẹt xe tại một số tuyến đường trọng điểm. Nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được vì chỉ cần một sự cố nhỏ thôi là kẹt se hết rồi. Chỉ va quẹt nhẹ là kẹt hết.
Và vấn đề ô nhiễm môi trường Việt Nam thì bị nặng rồi. Mà biện pháp thì cũng khó vì cơ chế quản lý của Việt Nam còn nhiều bất cập lắm. Riêng việc cứ cho dân sống sát lề đường quốc lộ thì không biết đến bao giờ mới thay đổi được bộ mặt của Việt Nam.”
Việt Nam lâu nay có tham gia vào một số hoạt động quốc tế về môi trường như tắt đèn trong Giờ Trái Đất, hưởng ứng Ngày Môi trường, Ngày Nước… tuy nhiên cho đến nay hoạt động Ngày Không Xe ô tô như ở Thái Lan vẫn chưa có.
Và vấn đề ô nhiễm môi trường Việt Nam thì bị nặng rồi. Mà biện pháp thì cũng khó vì cơ chế quản lý của Việt Nam còn nhiều bất cập lắm.
-Cựu chuyên viên tư vấn
Và khả năng triển khai một ngày như thế theo người cựu chuyên viên tư vấn công nghệ giao thông vận tải và thiết kế cầu đường là không chưa thể có:
“Cái này không thể thực hiện được, tại vì thứ nhất số lượng xe đạp ở Việt Nam không phải nhà nào cũng có. Bây giờ nếu phát động phong trào đó ra mà người ta có hưởng ứng thì cũng phải đi xe buýt hay phương tiện gì đó. Nhưng hệ thống xe buýt của Việt Nam không thể đáp ứng được lượng người nếu không đi xe máy. Lượng xe máy của Việt Nam quá phổ biến, quá nhiều nên không thể phát động phong trài đó nổi đâu!”

Ngày không xe hơi thế giới

Ý tưởng về việc vận động kêu gọi giảm bớt sử dụng xe hơi xuất hiện từ cuộc khủng hoảng dầu mỏ vào năm 1973. Tuy nhiên đến năm 1995 một hiệp hội không chính thức mới được lập ra để cổ xúy những ngày không xe hơi trên toàn thế giới.
Chiến dịch quốc gia đầu tiên Ngày Không Xe Ô tô được phát động ở Anh Quốc năm 1997. Năm sau đó Pháp thực hiện. Và đến năm 2000, Ủy hội Châu Âu cho thực hiện sáng kiến đó khắp lục địa này. Cùng năm, chương trình Ngày Không xe ô tô được Mạng lưới cùng tên phổ biến tiến hành khắp thế giới.
Đến năm 2005, có hơn một ngàn thành phố trên khắp thế giới cho tiến hành ngày không xe ô tô.
Thống kê cho thấy hiện nay trên khắp thế giới có chừng 1 tỷ xe hơi đang lưu thông. Đây được cho là một nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường; ngoài ra còn gây nên tiếng ồn và tai nạn cho con người.
Mạng lưới Ngày Không Xe Ô tô Thế Giới kêu gọi mọi người ở các nước hằng năm cứ vào ngày 22 tháng 9 hãy tập trung nhau lại ở những nơi công cộng để nhắc nhở nhau rằng con người không cần thiết phải chấp nhận một xã hội bị thống lĩnh bởi phương tiện giao thông ô tô.
Tuy nhiên theo Mạng lưới này thì không phải chỉ một ngày nhắc nhở như thế rồi sau đó mọi người lại trở lại đời thường với những chiếc ô tô. Việc không để bị lệ thuộc vào xe ô tô tùy thuộc vào mỗi người, mỗi thành phố, mỗi chính quyền trong việc giúp đưa đến việc tạo nên một thay đổi lâu dài có lợi cho người đi bộ, người sử dụng xe đạp, cũng như những người không dùng xe ô tô.
Dù có những kêu gọi như thế, nhưng chúng ta nhận thấy khó có thể loại trừ ngay phương tiện đi lại cần thiết như xe ô tô đối với cuộc sống con người hiện nay.
Các nhà sản xuất ô tô lâu nay cũng có nổ lực chế tạo ra loại xe chạy bằng cả hai loại nhiên liệu xăng và năng lượng mặt trời. Tuy nhiên kỹ thuật mới này cũng còn hạn chế chưa thể thay thế toàn bộ các loại xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch - xăng dầu được.
Trước tình trạng trái đất ấm nóng lên do khí nhà kính từ hoạt động sản xuất của con người thải ra suốt bao năm qua mỗi lúc một rõ nét với những biến đổi khí hậu ghi nhận được; và mọi hành động nhằm giảm thiểu phát thải gây hại cho môi trường Trái Đất dù nhỏ hay lớn đều cần thiết và phải có sự chung tay của toàn cộng đồng chứ không riêng một ai.
Mục Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong chương trình kỳ tới.
Gia Minh chào tạm biệt.

No comments:

Post a Comment