Tuesday, September 23, 2014

Blogger Phạm Viết Đào trả lời RFA về “tội danh 258”

pham-viet-dao-622Nhà văn, blogger Phạm Viết Đào, tại phiên xử ở Toà án nhân dân Hà Nội ngày 19 tháng 3 năm 2014. AFP PHOTO
Mặc Lâm, biên tập viên RFA 2014-09-23
Blogger Phạm Viết Đào sau khi thi hành bản án 15 tháng tù giam vì vi phạm luật 258 bộ luật hình sự, lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, đã trả lời đài Á Châu Tự Do về những nghi vấn đẩy ông vào nhà giam qua tội danh mù mờ 258 này.

Nguy hiểm và dễ bị quy chụp

Mặc Lâm: Thưa ông, được biết trong phiên phúc thẩm ngày 9 tháng 6 tòa đã xử kín ông và vẫn y án của tòa sơ thẩm. Ông có thể cho biết thêm ý nghĩa của việc xử kín là như thế nào và tại sao ông không chấp nhận luật sư biện hộ trong phiên phúc thẩm?
Blogger Phạm Viết ĐàoTrên danh nghĩa thì họ xử công khai chứ không phải là xử kín, thế nhưng họ không cho người ta vào. Buổi sáng xử thì tối họ cho biết. Khi xử thì rất không bình thường. Thông thường khi tôi tự bào chữa hay tự bảo vệ thì tôi không mời luật sư vì tôi thấy có thể rơi vào cái bẫy được gọi là “bẫy câu giờ”.
Do tôi ở chung với một ông bạn cùng tù, do ông ta tranh luận và tòa đã trả hồ sơ vụ án để điều tra lại. Do điều tra lại thì vụ án kéo dài thêm vài tháng nữa. Trường hợp của tôi cũng vậy, họ đã xử án rồi và tôi biết rằng vụ của tôi thì chắc họ cũng không xử nặng được bởi vì các bài viết của tôi tôi cũng nhìn thấy và tôi cũng phân tích cho họ và họ cũng chia sẻ là lỗi của tôi không phải là lỗi lớn.
Tôi xác định blog của tôi không phải là đưa tin và tôi rất hạn chế việc đưa tin. Tôi chỉ bình luận căn cứ trên những gì báo chí loan tải hay sử dụng các nguồn khác.
-Blogger Phạm Viết Đào
Mặc Lâm: Ông từng giữ chức vụ thanh tra Bộ Văn hóa và đã xử lý nhiều vụ sai phạm trong báo chí, vì vậy ông phải biết rõ điều 258 nguy hiểm và rất dễ bị quy chụp, thế tại sao ông vẫn viết trên trang blog những bài viết để nhà nước cáo buộc vào tội danh này?
Blogger Phạm Viết ĐàoBởi vì tôi xác định blog của tôi không phải là đưa tin và tôi rất hạn chế việc đưa tin. Tôi chỉ bình luận căn cứ trên những gì báo chí loan tải hay sử dụng các nguồn khác. Blog của tôi chẳng đưa tin gì sai cả tôi chỉ dựa vào thông tin có sẵn và tôi chỉ bình luận với những lời lẽ mà tôi quan hệ vỉa hè và tôi cũng có nói đó là dân chúng nói chứ không phải là báo chí chính thống.
Tôi cũng có tranh luận và tôi chứng minh. Ví dụ trong ba bài viết của tôi tôi có nhận lỗi trong vụ án Đoàn Văn Vươn tôi có viết “quan tòa tiếp tay với cướp ngày” thì tôi có nhận là tôi sai trong cách dùng từ ngữ thôi chứ nội dung thông tin không có gì sai cả. Rõ ràng vụ án này sai do trách nhiệm của tòa án xử ông chủ tịch cưỡng chế sai luật chứ nếu ông xử từ đầu thì nội dung đâu có sai?
Còn cách tôi dùng từ quan tòa tiếp tay với cướp ngày thì sai về diễn đạt ngôn từ, chứ không sai về nội dung.
Mặc Lâm: Người theo dõi vụ án của ông cho rằng ông bị bắt vì loạt bài điều tra trận đánh tại Hà Giang vì có nhiều điều khuất tất liên quan với Trung Quốc. Phải chăng đây là lý do thầm kín dẫn tới việc bắt giữ ông như một cách bịt miệng?
Blogger Phạm Viết ĐàoTôi cũng nghi tôi bị bắt vì cái đó bởi vì trong loạt bài của tôi về chiến tranh biên giới cố tình chứng minh ngay trong thời chiến tranh về phía Việt Nam đã có những bộ phận người ta thâu tóm dẫn đến thua trận và phát tán thông tin cho họ. Tôi đã mở một cuộc điều tra trên trang của tôi để tìm nhân chứng nhằm chứng minh cái trận 12 tháng 7 năm 84 thì chính thông tin này từ báo chí Trung Quốc đưa ra chứ không phải tôi đưa ra.
viet-trung-1979
Tù binh Việt Nam trong chiến tranh biên giới Việt-Trung năm 1979. File photo.
Tôi đưa lại thông tin báo chí Trung Quốc đưa tin sở dĩ Việt Nam thiệt hại nặng do có một sĩ quan tình báo của Việt Nam đã bán thông tin cho Trung Quốc. Tin này do báo mạng Trung Quốc đưa, tôi chỉ dịch lại từ trang đó và tôi bị phản ứng. Tôi bị phản ứng, bị ném đá nên tôi phải đưa loạt bài ấy ra chứng minh cái điều mà người Trung Quốc nói là có cơ sở. Trong trận đánh của chú em tôi thì tôi cũng có những bằng chứng cho thấy có nhân chứng nói với tôi rằng tiểu đoàn mũi nhọn đánh vào ngày 12 tháng 7 bị hủy diệt là do pháo Việt Nam bắn vào họ. Ông ta nói với tôi “khi bọn em áp sát tuyến Trung Quốc 100 mét và theo sơ đồ tác chiến là phải để cho pháo Việt Nam bắn trước rồi sau đó ba phút quân mình tràn lên”. Nhưng đến khi vào đánh thì thông tin bị mất hết và pháo mình bắn cách đội hình chỉ 5 mét và ngay loạt đầu tiên đã có 5-6 chiến sĩ của mình hy sinh và anh ta khẳng định đấy là pháo của mình, của Việt Nam bắn chứ không phải của Trung Quốc.
Hay là có một chi tiết như thế này: trong những ngày ra trận thì thị xã Hà Giang hồi đấy chất đầy quan tài. Điều này chứng minh ngay thời chiến trông khốc liệt như thế thì Việt Nam có Trung Quốc len vào rất sâu. Có lẽ do tôi tìm cách chứng minh những cái đó cho nên người ta ngại việc rút giây động rừng chăng?
Cái nghĩa trang Hà Giang chẳng hạn nơi có 1707 ngôi mộ thì thời chiến tranh năm 1985 tôi hỏi thăm đồng đội thì người ta nói trận ấy diễn ra 5 ngày 5 đêm liền. Xe quân sự chở thi hài về tới tấp vậy mà bây giờ tôi lên nghĩa trang Hà Giang tôi chụp hình quay phim lại thì cái trận ấy chỉ có gần một trăm ngôi mộ. Vậy thì có ý đồ nào muốn xóa cái trận ấy không?
Trong tình thế hiện nay tôi giống như một cầu thủ chỉ đá trong khu vực 16 mét 50 mà mình đã bị thẻ đỏ rồi bây giờ mình đá lại thì rất nguy hiểm vì ở VN họ khép tội “tái phạm nguy hiểm” thì mức án sẽ rất nặng nề.
-Blogger Phạm Viết Đào
Trong khi Trung Quốc nói trận đấy họ giết Việt Nam 3.700 bộ đội còn sau khi tôi kiểm tra lại theo nhiều nguồn tin thì theo tôi phải có từ 1.200 tới 1.400 bộ đội hy sinh trong trận 12 tháng 7. Tôi muốn chứng minh điều Trung Quốc nói là đúng, và mục đích của tôi muốn là cần phải cảnh giác Trung Quốc vì ngay trong thời kỳ đó chúng ta đã có những thế lực làm ăn với Trung Quốc rồi.
Tôi nói những điều ấy thì người ta ngại chăng? Hiện nay thì rất nhiều phát biểu của một số cấp chỉ huy hay lãnh đạo có những lời lẽ, khẩu khí có vẻ có lợi cho Trung Quốc thì tôi đưa ra làm người ta khó chịu. Người ta khó chịu mình ngay những loạt bài tôi mở những nguồn tin độc lập để kiểm chứng trận đánh Hà Giang.
Mặc Lâm: Khi tuyên án tòa có ra lệnh ông không được tiếp tục viết blog nữa hay không? Nếu không, ông có dự định sẽ viết lại trong những ngày sắp tới?
Blogger Phạm Viết ĐàoCấm thì họ không cấm trong bản án nhưng tôi cũng ngại không viết vì như thế này: Ngay tại phiên tòa phúc thẩm thì vị đại diện Kiểm sát tối cao không tán thành mức án đối với tôi. Họ phát biểu trước tòa và trong mức án mà giấy tờ vẫn ghi là không tán thành đưa tôi vào khoản 2 khi xét xử nhưng mà tòa án không nghe.
Trong tình thế hiện nay tôi giống như một cầu thủ chỉ đá trong khu vực 16 mét 50 mà mình đã bị thẻ đỏ rồi bây giờ mình đá lại thì rất nguy hiểm vì ở Việt Nam họ khép tội “tái phạm nguy hiểm” thì mức án sẽ rất nặng nề.
Bây giờ nếu tôi viết lại blog nếu mình hăng lên thì dễ đụng chạm với họ, và họ muốn bắt mình thì rất dễ, cái gì họ bắt chả được? Mình có cãi đúng nhưng người ta bảo sai thì cũng phải chịu chứ làm gì?
Bây giờ viết lại thì chắc người ta không cấm nhưng tôi nghĩ trong một thời gian ngắn tôi chưa thể viết trong tình thế đất nước hiện nay đang rối ren thế này thì chắc sẽ không viết lại blog.
Mặc Lâm: Xin cám ơn ông.

No comments:

Post a Comment